Lai Châu: Giáo viên bị nợ tiền phụ cấp ưu đãi kéo dài

(Dân trí) - Phản ánh với <i>Dân trí</i>, các giáo viên ở xã Bản Bo và Thèn Sin (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Năm 2013, hai xã được công nhận là vùng 135 và theo quy định, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi. Tuy nhiên, cho đến nay, khoản tiền này chưa đến được tay giáo viên.

Theo tìm hiểu của Dân trí, tháng 12/2013, hai xã Thèn Sin và xã Bản Bo (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) và không hưởng phụ cấp ưu đãi đã quy định tại Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Lai Châu: Giáo viên bị nợ tiền phụ cấp ưu đãi kéo dài
Chế độ chính sách dành cho giáo viên vùng khó của huyện Tam Đường (Lai Châu) vẫn chưa được giải quyết (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn một năm nhưng giáo viên của hai xã nói trên chưa được hưởng chế độ này. Trong khi đó, cuối năm 2013 các cán bộ công chức xã, cán bộ trạm y tế và nhân viên kế toán, hành chính, bảo vệ tại các trường tại 2 xã trên đã được truy lĩnh của năm 2014 và hưởng phụ cấp chi trả vào lương từ năm 2015.

Trao đổi qua điện thoại với Dân trí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Phòng GD-ĐT huyện Tam Đường cho biết: Đối với cán bộ công chức xã, cán bộ trạm y tế và nhân viên kế toán, hành chính, bảo vệ thì thực hiện theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010. Trong khi đó nguồn ngân sách thực hiện Nghị định này vẫn đang còn nên địa phương đã quyết định chi trả. Còn đối với giáo viên thì lại thực hiện theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP, trong khi nguồn ngân sách được quy định ở Nghị định này lại chưa có, chính vì thế dẫn đến tình trạng giáo viên bị nợ phụ cấp ưu đãi.

Cũng theo bà Thủy, trước đây hai xã nói trên thuộc vùng 135 nhưng sau đó được công nhận là thoát nghèo. Tuy nhiên đến năm 2013, sau khi khảo sát đánh giá lại thì Chính phủ lại công nhận là xã thuộc vùng 135.

Ngày 9/8/2014, Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tam Đương tỉnh Lai Châu đã đi bảo vệ ngân sách về chế độ cho giáo viên 2 xã (xã Bản Bo, xã Thèn Sin của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) trên Sở Tài chính nhưng hiện tại huyện chưa nhận được nguồn kinh phí để chi trả cho giáo viên của 2 xã này.

Qua tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ngoài vấn đề chính sách dành cho giáo viên ở Bản Bo, xã Thèn Sin chưa được giải quyết kịp thời thì hiện nay ở Lai Châu chế độ dành cho nhà giáo được quy định ở Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2013 cũng chưa được thực hiện.

Một phần nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chậm Nghị định 19 đó là địa phương chưa hiểu đúng chủ trương. Khắc phục tình trạng này, ngày 23/12/2014, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hợp nhất (hợp nhất Nghị định số 61 và Nghị định 19) số 27/2014/VBHN-BGDĐT Nghị định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Văn bản hợp nhất sẽ là tiền đề để địa phương hiểu đúng chủ trương và nhanh chóng thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên.

Nguyễn Hùng

 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!