Kỳ vọng một kỳ thi “sạch”

(Dân trí) - "Điều cốt yếu nhất là phải chứng minh được kỳ thi THPT quốc gia 2019 là một kỳ thi “sạch”, điểm “sạch”, công bằng, an toàn và không có sai phạm xảy ra. Chỉ có như vậy mới thực sự làm giáo viên và học sinh an tâm, tin tưởng vào kết quả của kỳ thi quan trọng bậc nhất này... "

Đó là kỳ vọng của nhiều giáo viên, học sinh vào kỳ thi năm nay, mong rằng những sai lầm năm trước sẽ được khắc phục và sửa chữa để lấy lại niềm tin vào giáo dục.

Phải chứng minh được kỳ thi "sạch"

Cô giáo Phạm Thái Lê, trường Marie Curie Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT nói chung và Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói riêng đã có những động thái tích cực vừa xử lý triệt để các sai phạm gian lận, vừa quyết liệt chỉ đạo; lên phương án phòng chống mọi cách thức gian lận thi cử có thể xảy ra theo một quy trình khép kín, an toàn từ khâu ra đề thi – coi thi – chấm thi.

Bản thân tôi cho rằng, sau sai phạm lần trước, cả nước đang hướng mọi sự quan tâm vào những chỉ đạo của kỳ thi năm nay, do đó phải thực hiện nghiêm túc trong mọi khâu, nhất là bản thân cán bộ được giao trọng trách coi thi, chấm thi để dần lấy lại được niềm tin trong giáo dục từ phía nhân dân.

Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất là phải chứng minh được kỳ thi THPT quốc gia 2019 là một kỳ thi “sạch”, điểm “sạch”, công bằng, an toàn và không có sai phạm xảy ra. Chỉ có như vậy mới thực sự làm giáo viên và học sinh an tâm, tin tưởng vào kết quả của kỳ thi quan trọng bậc nhất này - cô Phạm Thái Lê nhấn mạnh.

Kỳ vọng một kỳ thi “sạch” - 1

Tất cả giáo viên, học sinh đều đặt kỳ vọng vào kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra thực chất, nghiêm túc, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm gian lận.

Giảng viên Đinh Hồng Ánh, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2 cho rằng, những người làm giáo dục chân chính luôn luôn mong muốn có một kỳ thi thật sự công minh và đánh giá đúng năng lực học sinh từ khâu ra đề bài, đến chấm thi. Đánh giá đúng và sát năng lực của các em đồng nghĩa chúng ta sẽ có những lớp cử nhân thật sự tài năng.

Muốn có được điều đó cần phải tính từ khâu ra đề, đáp ứng đúng với năng lực học sinh cả nước đến khâu chấm thi nghiêm túc, không bao giờ có tư lợi cá nhân; chỉ khi đó mới mang đúng tính là một kỳ thi tầm cỡ quốc gia.

Cô giáo Trần Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) chia sẻ, năm nay Bộ GD&ĐT đã tăng cường các biện pháp giám sát khâu tổ chức thi và chấm thi bằng camera an ninh, điều này khiến giáo viên và học sinh chúng tôi rất ủng hộ.

"Tất cả đều khả quan tin vào một kỳ thi không còn các đối tượng xấu làm vấy bẩn lên kỳ thi, công bố cho các em một số điểm đúng thực lực, một ngưỡng cửa tương đương với công sức mình đã bỏ ra" - Cô Mai bày tỏ.

Mong có một kỳ thi công bằng

Thí sinh Nguyễn Trung Sơn, trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho hay, chúng em không bao giờ dám đánh đổi tương lai của mình để gian lận trong phòng thi, một số trường hợp nhỏ đã bị xử lý ngay tại chỗ là ngoại lệ. Nên chăng sai phạm nằm ở khâu tuyển chọn cán bộ tham gia quản lý chấm thi, cần thực sự giám sát khâu đó để chấm đúng, công bố đúng điểm đó mới là điều chúng em kỳ vọng.

“Chúng em không muốn rằng, cứ phải soi xét, kỳ thị hay để ý lực học của các bạn đến từ những tỉnh có xảy ra các vụ gian lận. Chính vì bị mất niềm tin vào điểm số đầu vào đại học nên mới dẫn đến tình trạng trêu đùa, chê bai và nghi ngờ bạn mình. Do đó, mong có một kỳ thi thật sự công bằng, minh bạch và tuyệt đối không có sai phạm quá lớn như năm trước” – thí sinh Sơn nói.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia là ngưỡng cửa quan trọng của mỗi bạn học sinh sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, chỉ hơn kém 0,25 điểm thôi đã là cả một tương lai khác mở ra.

Huống hồ các em mới chỉ đang 18 tuổi, bắt đầu bước chân vào đời, mà lại bị chính những thầy cô giáo cướp mất đi cơ hội và niềm tin bằng sự lừa lọc dối trá, thử hỏi các em biết tin vào điều gì ở xã hội này nữa. Quá là chua xót cho hành động phá hoại đó.

“Chúng tôi đang từng ngày theo dõi mọi chỉ đạo và tình hình của kỳ thi, hi vọng kết quả thi năm nay không làm giáo viên, học sinh nói riêng và xã hội nói chung phải phiền lòng” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Hà Cường