Kỹ sư CNTT mê học ngoại ngữ

“Chỉ cần chăm chỉ, rèn luyện hàng ngày để ngoại ngữ từ từ ngấm sâu”, đó là cách để Phạm Văn Tú, cậu kỹ sư CNTT 9x người Đà Nẵng có thể giao tiếp bằng 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật.

Phan Văn Tú: “Theo học ngành CNTT với em là một đam mê”
Phạm Văn Tú: “Theo học ngành CNTT với em là một đam mê”.

Luôn nằm trong top đầu của lớp về lập trình, kỹ năng giao tiếp tốt nhưng để nói về thành tích của mình, Tú chỉ diễn giải bằng một câu đơn giản “theo học ngành CNTT với em là một đam mê”. Có lẽ chính sự đam mê này đã giúp Tú không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn là các kỹ năng mềm và khả năng trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Và niềm đam mê cũng đã khiến Tú thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về nghề lập trình, với cậu nghề này không còn “rất đỗi khô khan” như cậu đã từng nghĩ.

“Trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc tập trung vào việc học và nắm vững chuyên môn, việc rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm luôn được em quan tâm và công việc của một Bí thư Đoàn trường cũng hỗ trợ em khá tốt cho việc này”, Tú chia sẻ kinh nghiệm học của mình.

Tú (ngoài cùng bên trái) là một Bí thư Đoàn trường năng nổ
Tú (ngoài cùng bên trái) là một Bí thư Đoàn trường năng nổ.

Còn về việc không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, Tú chia sẻ: “đối với bản thân em, việc học ngoại ngữ không phải là công việc quá khó khăn bởi em đã tiếp xúc với Tiếng Anh từ THCS, cộng thêm việc học tâp trên lĩnh vực công nghệ thông tin giúp em nắm rõ về các thuật ngữ chuyên ngành”. Và bí quyết học tiếng của cậu kỹ sư CNTT 9x cũng hết sức đơn giản đó là “chăm chỉ, rèn luyện mỗi ngày để ngoại ngữ từ từ ngấm sâu”.

Bên cạnh đó, với vai trò là Bí thư Đoàn trường, Tú còn là một tình nguyện viên khá năng nổ trong hoạt động thiện nguyện trên địa bàn Đà Nẵng.

Kinh nghiệm học này không những giúp Tú có được kết quả học tập tốt sau khi tốt nghiệp mà còn giúp cậu được nhận ngay vào làm việc tại một công ty phần mềm lớn tại Đà Nẵng với vị trí lập trình viên Java. Nhiệm vụ của Tú là thiết kế chương trình (module) mới, lập trình (coding) chức năng cho sản phẩm và chỉnh sửa lỗi (debug) sản phẩm với mức thu nhập và cơ hội phát triển khá tốt.

Nhưng với khát khao biến đam mê của mình thành một ước mơ lớn hơn “trở thành kỹ sư cầu nối tiếng Nhật (BrSE)”, Tú tạm thời gác lại công việc để dồn thời gian cho việc học tập tại Nhật Bản vào cuối tháng 3 này. Điều này cũng có nghĩa là cậu sẽ bổ sung vào vốn kiến thức của mình thêm một ngoại ngữ thứ 3 là tiếng Nhật.

“Em ước mơ trở thành một kỹ sư cầu nối và Chương trình đào tạo 10.000 BrSE của FPT Software đã tạo cơ hội để em sớm hiện thực hóa ước mơ của mình, cơ hội tự tin tham gia sân chơi công nghệ toàn cầu. Với em, kỹ sư cầu nối là con đường ngắn nhất để tiếp cận môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp hàng đầu trên thế giới, em sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức”, Tú nhấn mạnh.

Tú cũng là người đam mê du lịch
Tú cũng là người đam mê du lịch.

Tú là một trong 43 học viên đầu tiên của Chương trình đào tạo 10.000 BrSE sẽ sang đào tạo trong vòng 12 tháng tại Nhật Bản vào cuối tháng 3 này. Chương trình đào tạo 10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) của FPT Software được thực hiện trong giai đoạn 2014-2018. Theo đó, sẽ có 5.000 BrSE được đào tạo tại Nhật Bản và 5.000 BrSE được đào tạo tại Việt Nam. Đối tượng tham gia Chương trình là các học viên đã tốt nghiệp hoặc sẽ tốt nghiệp Đại học chuyên ngành CNTT/Kỹ thuật/Điện tử viễn thông trong thời gian triển khai chương trình. Học viên tham gia Chương trình sẽ được FPT Software bảo lãnh tài chính với khoản vay tối đa 300 triệu đồng, cơ hội làm việc tại Nhật với mức thu nhập tối thiểu 2.000 USD/tháng sau khi tốt nghiệp. Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng sẽ là 3 địa bàn trọng điểm của Chương trình. Hiện tại chương trình đang tuyển sinh cho kỳ khai giảng tháng 10/2015 tại Nhật Bản, đây là đợt tuyển cuối cùng của năm 2015, hạn chót nộp hồ sơ vào ngày 30/4/2015, chi tiết tại website: www.kysucaunoi.vn.