Kỷ luật học trò hư: Vòng luẩn quẩn

(Dân trí) - Với những học trò được xem là “hư”, bố mẹ, thầy cô chỉ trích, trách mắng và dùng roi vọt để giáo dục. Các em cực kỳ thiếu thốn những lời khen, sự động viên, khích lệ. Trong vòng quay này, học trò hư thì tuột dốc còn bố mẹ, thầy cô thì mệt mỏi.

Rất nhiều thầy cô chia sẻ, các em học giỏi, ngoan ngoãn, biết nghe lời thì ai đánh. Còn những em bố mẹ không quan tâm, quậy phá, nói không nghe, học kém, đã dùng nhiều cách không xong mới phải dùng roi.

Tuy nhiên, với học trò và đặc biệt là các em quậy phá, thường được gọi là hư thì việc dùng đòn roi không hề giúp các em tiến bộ hơn. Ngược lại, khi bị chỉ trích, đánh đập trẻ càng thấy mình không có giá trị và khi đó các em sẽ càng bướng bỉnh, khó tiếp cận để dạy dỗ vì… mình chẳng có gì. Rất nhiều trường học cứ luẩn quẩn trong vòng quay học trò “hư” quậy phá - bị tránh mắng, kỷ luật - rồi càng quậy hơn. Học trò thì tuột dốc còn thầy cô, nhà trường mệt mỏi.

Tối kỵ trong giáo dục là sự chê bai và bêu riếu nhưng… đang được chúng ta tận dụng triệt để. Chúng ta có những tiết chào cờ “bêu gương” những học sinh vi phạm; có những tiết sinh hoạt lớp mà cả lớp cùng “lêu lêu” những bạn chưa ngoan.

Những hình thức này bạo lực không chỉ nhằm vào những em vi phạm kỷ luật mà với tất cả học sinh còn lại. Có thể lắm, các em trở nên nhỏ nhen, ích kỷ, vô tâm khi người lớn trao quyền được cười, chà đạp lên cái chưa hoàn thiện của bạn bè.

Đôi khi sự quậy phá của học trò chỉ là biểu hiệu của giai đoạn tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Đôi khi sự quậy phá của học trò chỉ là biểu hiệu của giai đoạn tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM đưa ra quan điểm chúng ta cần phải bỏ ngay việc giờ chào cờ là lôi những điểm chưa được của các em học sinh ra thông báo trước toàn trường, em nào vi phạm thì bị gọi tên, đứng dưới cột cờ. Đây là một hình thức trừng phạt, bêu rếu thiếu tính giáo dục. Lễ chào cờ, sinh hoạt lớp cần khen ngợi, khích lệ học sinh để tạo thành một môi trường giáo dục đầy tình yêu thương.

Học trò quậy luôn bị xem như là cái gai trong mắt người lớn. Chúng ta “đánh úp” đứa trẻ bằng việc dán nhãn, quy kết các em “hư”. Điều nguy hại nhất một đứa trẻ “hư” là chẳng có gì tốt. Cái nhìn của người khác vô tình tác động làm các em thấy mình vô giá trị và bất trị.

Học trò “hư” thường có yếu tố nguy cơ xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc mồ côi, bố mẹ ly hôn… Nếu ở trường học các em lại bị “bỏ rơi” hoặc chịu sự khắc nghiệt từ giáo viên thì càng trở nên thiếu thốn tình cảm, thiếu những lời động viên, khen ngợi. Trong khi hơn bất kỳ đối tượng học sinh nào, những đứa trẻ đặc biệt lại cần những lời khen ngợi nhiều nhất.

Có khi sự quậy phá, nổi loạn của nhiều học sinh chỉ là biểu hiện của tâm lý lứa tuổi, của việc thích thể hiện bản thân nhưng lại gây “chướng mắt” người lớn. Sự can thiệp thô bạo từ người lớn có thể biến một đứa trẻ bình thường trở thành bất thường.

Theo một nhà giáo dục công tác ở Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục IRED, hiện ngành giáo dục tập trung sự ưu ái cho học sinh giỏi qua mô hình trường chuyên, lớp chọn, khen thưởng và thường “bỏ bê” đối tượng học sinh có nhiều nguy cơ. Trong khi ở các nền giáo dục tiên tiến, đối tượng học sinh “đặc biệt” lại cực kỳ được chú trọng.

Lê Đăng Đạt

(Hoainam@dantri.com.vn)