Kỷ luật “cô giáo câm lặng”: Nếu cần, phải làm việc cả buổi tối

(Dân trí) - Ngành giáo dục phản ứng chậm với vụ việc cô giáo lên lớp không giảng bài suốt nhiều tháng, dẫn đến ảnh hưởng không tốt. Lãnh đạo UBND TPHCM đề nghị, với những việc cấp bách, ráo riết thì phải làm việc đến 9 - 10 giờ tối chứ không thể chờ đến thứ 7, chủ nhật.

Trong buổi họp khẩn vào ngày 6/4 về sự việc cô giáo không giảng bài, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, ngành giáo dục phản ứng trước sự việc chậm, yếu ớt gây nên những ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh và làm cho dư luận thêm hoang mang, nghi ngờ.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở GD-ĐT không được né tránh, phải có tiếng nói, thể hiện trách nhiệm trong sự việc cô giáo lên lớp không giảng bài
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở GD-ĐT không được né tránh, phải có tiếng nói, thể hiện trách nhiệm trong sự việc cô giáo lên lớp không giảng bài

Ông Bùi Minh Bình, hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, Nhà Bè trần tình, việc xử lý cô Trần Thị Minh Châu - giáo viên lên lớp không giảng bài - dựa theo Nghị định 27, phải xem xét các quy định một cách cẩn thận. Hơn nữa đây là thời điểm ôn thi, nhà trường chưa thể tập trung giáo viên vào ngày trong tuần nên chờ làm việc vào thứ 7, chủ nhật.

"Đến thứ 7 tuần tới sẽ họp Hội đồng kỷ luật và thông báo kết quả kỷ luật và báo cáo lên Sở", ông Bình nói.

Bà Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, việc xử lý kỷ luật một con người, một viên chức phải theo đúng quy định, điều lệ nhưng cần giải quyết nhanh. Vơi sự việc cấp bách, ráo riết, đang làm dư luận bức xúc thì phải làm việc đến 9 - 10 tối là bình thường chứ không phải chờ phải đến thứ 7 hay chủ nhật mới sắp xếp thời gian để xử lý.

Bà Thu cũng yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM xem xét trách nhiệm của mình, phản ứng chậm về sự việc, chỉ khi đích danh bà Thu yêu cầu thì Sở mới báo cáo sự việc. Bà đề nghị, Sở GD-ĐT TPHCM không được né tránh, phải có tiếng nói về việc này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, Ban giám đốc Sở GD-ĐT phải quan tâm đến sự việc, phải hướng dẫn, hỗ trợ, theo dõi nhà trường xử lý sự việc. Trong đó, cần làm rõ vấn sự việc diễn ra trong 3 tháng, chắc chắn các em có phản ánh, vậy sao nhà trường không biết? Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của hiệu phó chuyên môn, của hiệu trưởng đến đâu?

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu, có thể hiệu trưởng đánh giá sự việc này là việc bình thường, không nghiêm trọng nên xử lý, chuyển động chậm, không rốt ráo. Cô giáo chủ nhiệm đã nghe học sinh phản ánh nhưng có thể cũng xem đây là việc bình thường. Trong khi việc cô giáo không lên lớp không giảng bài suốt nhiều tháng, vị Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc học và tinh thần học trò. Đó là khủng bố, bạo lực tinh thần học trò.

Thầy Bùi Minh Bình, hiệu trưởng Trường THPT Long Thới nhận trách nhiệm của mình về sự việc
Thầy Bùi Minh Bình, hiệu trưởng Trường THPT Long Thới nhận trách nhiệm của mình về sự việc

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu ra những băn khoăn của mình xoay quanh sự việc này. Đó là việc bạo hành như vậy mà lại xem là bình thường thì giáo dục không ổn.

"Qua ghi nhận, tôi thấy có thông tin nhà trường nói, có phân nửa phụ huynh đồng ý cô Châu vẫn tiếp tục đứng lớp. Sai không dám đấu tranh, đúng không dám bảo vệ, môi trường giáo dục sẽ đào tạo ra thế hệ công dân mới như thế nào? Đây là điều hết sức đáng lo", bà đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở GD-ĐT và Trường THPT Long Thới.

Về cô Trần Thị Minh Châu, trước đây ở trường cũ cô đã mắc phải sai phạm lớn, bà Thu nói: "Ngành giáo dục đã xử lý rất nhẹ nhàng, đã mở ra cho cô một con đường nhân văn đối với nghề giáo là chuyển cô sang môi trường mới. Nhưng rồi cô không thay đổi, tiếp tục sai phạm nặng hơn nên cá nhân tôi thấy khó có hy vọng cô thay đổi một lần nữa".

Về việc xử lý, kỷ luật giáo viên, UBND không can thiệp, không định ra mức xử lý như thế nào nhưng bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu ngành giáo dục xử lý sao cho nghiêm khắc, xử lý đúng, trong quá trình xử lý phải căn cứ các luật, điều lệ, các văn bản liên quan để tránh việc kiện tụng.

"Nếu đưa ra Hội đồng kỷ luật, tỷ lệ bỏ phiếu không cao để kỷ luật thì sao? Không thể lấy lá phiếu số đông của Hội đồng kỷ luật để báo cáo, nếu số đông xem việc cô Châu làm là không bị kỷ luật là không thể chấp nhận được", bà Thu nói.

Đồng thời, bà yêu cầu ngành giáo dục giải quyết nhanh việc chuyển trường cho em Phạm Song Toàn - người đã phản ánh sự việc cô giáo lên lớp không giảng bài - theo nguyện vọng của em và gia đình.

Bạo hành "lan" vào cả trường công lập

Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng nếu trước đây việc bạo hành trẻ chúng ta thường xảy ra các cơ sở tư nhân, các điểm giữ trẻ tư thục nhưng nay diễn ra ở ngay trong trường công lập. Bà đề nghị ngành giáo dục thành phố tập trung hơn vào việc chấn chỉnh đối với các hoạt động của trường học, cả ngoài công lập và công lập. Cần có những chính sách bồi dưỡng, động viên, nâng cao đạo đức nhà giáo để các cô yêu nghề, gắn bó với nghề. Nếu để xảy ra những sự việc này nữa, ngành giáo dục sẽ rất mất uy tín.

"Tôi không nói đa số phụ huynh đồng ý cô Châu tiếp tục đứng lớp"

Trả lời trước lãnh đạo thành phố, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới khẳng định, bản thân ông chưa bao giờ nói, đa số phụ huynh đồng tình để cô Châu tiếp tục dạy lớp. Phóng viên nào nếu có ghi âm đưa ra đối chứng. Câu này dẫn đến những điều rất không hay.

"Lúc đó, tôi chỉ chia sẻ, mới tham khảo bước đầu ở một số phụ huynh rồi nhà trường sẽ tìm hiểu thêm. Khi trao đổi với em Toàn, em Toàn cũng bày tỏ, muốn cô Châu tiếp tục dạy nhưng lên lớp cô phải thay đổi tính, giảng bài bình thường", vị hiệu trưởng tỏ ra mệt mỏi.

Hoài Nam