GS Nguyễn Văn Hiệu – Nhà vật lý tiên phong, sáng tạo:

Kỳ II: Tuổi thanh xuân nhiều mộng ước

(Dân trí) - 18 tuổi, Nguyễn Văn Hiệu bước lên bục giảng đại học. Trước mỗi buổi lên lớp, anh thường chong đèn thâu đêm ngồi học lại thật cặn kẽ, chi li từng phần mình vừa được học vào năm trước, lại còn phải tự học thêm rất nhiều kiến thức cơ sở…

18 tuổi bước lên bục giảng đại học

Nhớ lại những tháng năm đại học, GS Nguyễn Văn Hiệu nói: "Hà Nội rợp cờ hoa giải phóng, tôi vào Trường Đại học Sư phạm. Lần đầu tiên trong đời, tôi có thời gian đánh bóng chuyền, tập đàn ghi-ta, ca hát. Nhu cầu về ăn, ở được nhà trường bảo đảm.

Năm tháng như có cánh bay đi. Ngày thi tốt nghiệp gần tới. Thật náo nức lạ thường! Trong trí tưởng tượng của tuổi 18, tôi hình dung ra cảnh mình sẽ về dạy vật lý tại một trường cấp 3 ở một huyện xa. Tôi muốn làm sao trở thành một giáo viên vật lý thật giỏi, giảng bài thật lôi cuốn, làm sao tất cả các em học sinh thân yêu của tôi đều mê môn vật lý. Thiếu tài liệu tiếng Việt để đọc thêm, tôi cố gắng học ngoại ngữ để đọc sách bằng tiếng nước ngoài. Hằng ngày, tôi cuốc bộ từ ký túc xá đến lớp mất gần một tiếng đồng hồ vì chặng đường khá xa. Đó là quãng thời gian tốt nhất để tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm học thuộc từ ngữ, lúc thì tiếng Nga, khi thì tiếng Pháp, tiếng Anh."

Nguyễn Văn Hiệu thành thật kể lại ước mơ khiêm tốn của mình thời sinh viên. Anh nghĩ, chưa phải thế hệ anh, mà phải chờ đến các thế hệ học trò của anh, mới xuất hiện những nhà vật lý Việt Nam có tầm cỡ. Anh vui lòng làm cái công việc của người gieo hạt để đến mùa sau, các thế hệ đàn em gặt hái.

Nhưng một niềm vui bất ngờ đến với anh! Với kết quả tốt nghiệp hạng ưu, anh được giữ lại làm trợ giảng tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trường vừa khai giảng khoá 1 đầu mùa thu năm 1956.

Kể ra thì từ đời nhà Lý, ở nước ta, đã có trường đại học. Ngày nay, trong khu vườn yên tĩnh ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trên mặt những tấm bia đá xám đã bị thời gian mài mòn, ta vẫn còn đọc được họ tên bao vị tiến sĩ thời xa. Nhưng phải đến mùa thu 1956, nước ta mới có trường đại học tổng hợp đầu tiên với cơ cấu các khoa và bộ môn theo mô hình hiện đại, đặc biệt là về các ngành khoa học tự nhiên. Tất nhiên, ta cũng kế thừa một phần di sản của Đại học Đông Dương được lập ra từ năm 1906 thời thuộc Pháp.

18 tuổi, Nguyễn Văn Hiệu bước lên bục giảng đại học, ngỡ ngàng, lúng túng biết bao!

Những kiến thức trong chương trình đại học sư phạm ba năm mà khoá các anh được học "cấp tốc" chỉ trong hai năm, quả là quá ít! Trước mỗi buổi lên lớp, anh thường chong đèn thâu đêm ngồi học lại thật cặn kẽ, chi li từng phần mình vừa được học vào năm trước, lại còn phải tự học thêm rất nhiều kiến thức cơ sở. Anh vạch ra một chương trình bổ túc kiến thức về toán và vật lý lý thuyết để tự mình lặng lẽ thực hiện trong khoảng 4-5 năm, với hy vọng, sau thời gian đó, có thể đủ sức bắt đầu nghiên cứu các vấn đề vật lý hiện đại.

"Trái tim tôi thuộc về tương tác yếu!"

Đầu năm 1958, tại giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giáo sư Tạ Quang Bửu thuyết trình về phát minh của Lý Chính Đạo (Tsung-Dao Lee) và Dương Chấn Ninh (Chen Ning Yang), hai nhà bác học người Mỹ gốc Trung Quốc vừa được tặng Giải thưởng Nobel cuối năm 1957 về Sự không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu. Thành công của Lý, Dương và Ngô chứng tỏ bộ óc của "dân da vàng" hoàn toàn có thể vươn tới những phát minh hiện đại, đỉnh cao của trí tuệ con người, miễn là họ được làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến nhất. Khi sang Stockholm nhận Giải thưởng Nobel, Lý mới 31 tuổi, còn Dương mới 35.

Buổi thuyết trình của GS Tạ Quang Bửu mang lại cho anh Hiệu một niềm hứng thú vô biên mặc dù, vào thời điểm đó, anh chưa thật hiểu nội dung sâu xa của khám phá tinh tế nói trên.

Không bảo toàn tính chẵn lẻ trong tương tác yếu có nghĩa là không gian không luôn luôn đối xứng qua gương! Tính đồng nhất và đẳng hướng của không gian bị thách thức? Một khám phá làm đảo lộn suy nghĩ bình thường của con người mà ta quen gọi là... lương tri! Có lẽ nào lương tri cũng phạm... sai lầm?

Trong bốn tương tác (hay còn gọi là bốn lực) của tự nhiên là tương tác mạnh, tương tác yếu, tơng tác điện từ và tương tác hấp dẫn thì, sau phát minh của Lý, Dương và Ngô, tương tác yếu bỗng trở thành "thời thượng", đến mức một nhà vật lý trẻ tài ba đã "tuyên bố" một câu "xanh rờn": "Trái tim tôi thuộc về tương tác yếu!"

Anh Hiệu cảm thấy câu nói ấy không xa lạ với mình...

Vật lý học quả là ngành khoa học đi sâu nhất vào cấu trúc vật chất, tìm ra nguyên nhân sâu xa của mọi hiện tượng tự nhiên và thiết lập những hệ thức giữa các hiện tượng ấy. Mọi quá trình vật lý đều là hệ quả của những quá trình cơ bản diễn ra bên trong các nguyên tử. Mọi hiện tượng vật lý cụ thể, muôn hình muôn vẻ đều được suy ra từ một số định luật cơ bản trong cấu trúc vi mô của vật chất.

Sứ mạng của các nhà vật lý lý thuyết là khám phá ra những định luật cơ bản ấy. Và, rất có thể, thế hệ các nhà vật lý thế kỷ 20 và 21 trong đó có anh Hiệu là những người may mắn được thu hái bao hoa thơm quả ngọt từ vườn cây do bao thế hệ các nhà vật lý lớp trước "cày sâu cuốc bẫm" gieo trồng! Nhân loại đang đứng trước ngưỡng cửa bao phát minh kỳ diệu mới...Mộng mơ thì to tát đấy! Nhưng "lực bất tòng tâm"!

Đến thành phố khoa học bên dòng Volga

Sau hai năm dạy học tại trường, Nguyễn Văn Hiệu được biết nhà trường sắp cử một đoàn cán bộ trẻ đi thực tập, nâng cao trình độ ở Liên Xô. Và, trong bản danh sách dự kiến có tên anh. Nhưng, anh tự thấy còn bao nhiêu cuốn sách chuyên khảo chưa kịp đọc! Nếu sang Liên Xô, chỉ để ngồi đọc những cuốn sách mà mình có thể đọc ở trong nước, thì thật phí thời gian! Do vậy, anh xin tiếp tục ở lại trường, tự học thêm, chờ đến khi nào đủ kiến thức cần thiết, mới xin đi. Đó là một việc làm "ngược đời" vào cái thời buổi không ít người tìm cách "chen ngang" để sớm được ra nước ngoài!

Năm 1960, đúng vào lúc vừa hoàn thành chương trình tự học thêm do chính mình đề ra, qua sự giới thiệu của GS Tạ Quang Bửu, anh Hiệu được Uỷ ban Khoa học Nhà nước ta cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna - một thành phố khoa học nhỏ xinh bên dòng Volga xanh biếc, giữa cánh rừng thông thưa sáng và những khóm tử đinh hương nở đầy hoa tím, cách thủ đô Maxcơva hơn một giờ xe lửa...

41 năm sau vào mùa hè năm 2001, tác giả bài ký này mới có dịp may đến thăm Dubna, cùng đi với GS Nguyễn Văn Hiệu và GS Trần Thanh Vân.

Dạo bước bên bờ sông Volga, ngắm những vườn táo và những khóm tử đinh hương nở hoa, tôi cố hình dung lại thời thanh xuân tràn trề nhựa sống của Nguyễn Văn Hiệu và những nhà vật lý trẻ nước ta cùng độ tuổi với anh như các anh Đào Vọng Đức, Cao Chi, Phạm Duy Hiển, Đoàn Nhượng, các chị Võ Hồng Anh, Nguyễn Thị Hồng... đã từng sống và làm việc tại đây, bên con sông trong vắt này. Và cao tuổi hơn một ít là các anh Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Hoàng Phương, Dương Trọng Bái.

Hàm Châu
(Còn nữa)

Dòng sự kiện: GS Nguyễn Văn Hiệu