Ý kiến chuyên gia:

Kỳ 2: Một số suy nghĩ về giáo dục hiện nay

(Dân trí) - Kỳ 2: Nước ta đang rất cần những nhà giáo dục giàu tâm huyết và đại tài lại có sự chính thống – légitimité – để đưa ra những đường hướng giáo dục hợp tình hợp lý (vừa khoa học, vừa sư phạm) chứ nếu chỉ tập hợp kinh nghiệm của các nước mà thiếu sáng tạo thì cũng lại làm công việc của người ... chép-dán.

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Suy nghĩ thứ tư

Ta đã cử nhiều phái đoàn đi tham khảo kinh nghiệm thế giới. Tốt lắm, nhưng tham khảo ngắn ngày thường chỉ là những quan sát phiến diện. Mỗi nước có hoàn cảnh khác nhau, lại chưa có nước nào dám nói rằng hệ thống giáo dục của họ là một khuôn mẫu lý tưởng.

Giáo dục ở Bỉ không tồi, đại đa số trẻ ở Bỉ hạnh phúc đi học mỗi ngày.  Nhưng không áp dụng giáo dục Bỉ cho Việt Nam được. Ta chưa có khả năng cho giáo dục cưỡng bách và hoàn toàn miễn phí tới năm trẻ tròn 18 tuổi.

Giáo dục Phần Lan? Cũng tốt lắm.  Nhưng nghề giáo ở Phần Lan là một nghề được trọng vọng trong xã hội. Bao giờ thì ta sẽ cải tổ hết xã hội ta để đặt nghề giáo lên top 10 hay top 20 các nghề với lương bổng, trọng vọng, ... tương xứng với vị thế đó? Để giới trẻ người người hăng hái, đầy động cơ tích cực,  lao vào ngành sư phạm và sống chết với nghề dạy trẻ và từ từ ta có một đội ngũ nhà giáo tinh hoa.

Cái cần trong cải tổ giáo dục ở xứ ta là cần nhiều sáng tạo, nghiên cứu các khó khăn và tìm ra giải pháp thích ứng, tốt nhất có thể. Chứ không bắt chước ai được – Vã lại trong lúc ta bắt chước thì cái “mẫu”  mà ta theo cũng đã thay đổi rồi.

Nước ta đang rất cần những nhà giáo dục giàu tâm huyết và đại tài lại có sự chính thống – légitimité – để đưa ra những đường hướng giáo dục hợp tình hợp lý (vừa khoa học, vừa sư phạm) chứ nếu chỉ tập hợp kinh nghiệm của các nước mà thiếu sáng tạo thì cũng lại làm công việc của người ... chép-dán.

Suy nghĩ thứ năm

Màn hình đang xâm lấn vào đời sống, kể cả đời sống học đường. Cũng như học trò ở mọi nơi, học trò bên ta mang cả màn hình vào lớp (điện thoại di động thông minh, máy tính bảng,...)  Có lẻ một số các em sinh hoạt trên mạng có khi còn nhiều hơn giờ sinh hoạt ở trường – ta cũng đang thiếu khảo sát về vấn đề này (năm 2012, theo wikipedia, đã có hơn 35% dân Việt Nam tiếp cận internet, tôi không có số liệu cập nhật hơn) - Các nước hiện đang suy nghĩ về những thay đổi sư phạm để thích ứng. Tại sao ta không đi trước đón đầu? Nếu không, cải tổ hôm nay xong rồi sẽ phải cải tổ nữa. Mỗi lần như thế là một lần tốn công tốn sức và áp lực nặng về tâm lý. Chứ không chỉ  tốn tiền tốn bạc.

Trong chương trình THPT thay đổi kỳ này các phương tiện thông tin mới chỉ là những công cụ chung chung (để biết dùng) chứ chưa đóng vai trò “chủ đạo” trong thay đổi cả phương pháp sư phạm (lập trình, dùng màn hình để tự học, ...).

Một thí dụ: hiện thời trẻ ở Bỉ hết tập viết - các cháu tha hồ viết chữ in hay ngoằn ngoèo viết chữ liền nhau, miễn là đọc được  -  vì bàn phím sẽ thay chữ viết tay sau này. Trái lại lập trình tin học đi vào chương trình tiểu học...

Trong số các tác giả, cho vấn đề này. Serge Tisseron đang đề nghị vài hướng đi cho giáo dục liên kết với màn hình chẳng hạn.

Suy nghĩ thứ sáu

Thuần về phương pháp hơn.

Giữa lúc ở Âu Mỹ, một số trường bắt đầu áp dụng lớp học đảo ngược cho học trò, nhất là học trò lớp mẫu giáo và trong một chừng mực nào đó, học trò tiểu học,

Vào một phòng học trống trơn hoàn toàn không bàn ghế, không học cụ, cô hay thầy giáo chỉ ở đó để “khuyến khích”  trò “quấy nước lã nên hồ”, dựng bài học từ cái trống không đó – tất cả những thức cần thiết đã được dự trử ở nhà kho bên cạnh  – Còn trò ? Trò đã tự chuẩn bị ở nhà rồi.

tức là từ từ thiên hạ đi tới một trường học rất tự do: không chương trình và không sách giáo khoa  -  bên ta thì lo cải tổ chương trình giáo dục phổ thông.

Lớp học đảo ngược này có thể là cách mạng giáo dục của thế kỹ thứ XXI. Nhưng hình thức không hoàn toàn mới. Đó chỉ là một một cách kế thừa các lý thuyết  của Montessori, của Freinet, của Bloom ...mà các nhà giáo Mỹ, Canada và Pháp, Bỉ đang áp dụng.

Đi từ một phòng học trống trơn không có nghĩa là thiếu cấu trúc. Để cho học trò quyết định không đồng nghĩa với muốn làm gì thì làm. Giáo viên là người đa năng và lúc nào cũng có giải pháp phòng hờ hầu ứng phó với mọi tình huống và xây dựng bài học cùng với trò.

Điều kiện cần cho lớp học đảo ngược?

Có chủ đích tổng quát của giáo dục. Có chủ đích cho từng năm học. Có bố cục thời gian ... và có chủ đích cho từng buổi học, từng bài học. Tất cả những điều này là kết quả của cả một quá trình tranh luận giữa và quyết định của các diễn viên trong giáo dục.

Học trò tham gia học một cách tích cực. Chúng tiếp cận phương thức này rất nhanh, đóng vai trò làm chủ việc học của mình – nhẹ nhàng mà hữu hiệu.

Giáo viên, một khi đã đồng thuận với chủ đích của giáo dục, sẽ trải công sức ra để lo cho trò. Lớp học đảo ngược chỉ là một trong muôn ngàn ứng dụng của việc dạy lấy trò làm trung tâm.

Nguyễn Huỳnh Mai