Kiến thức khởi nghiệp của sinh viên Việt Nam còn hạn chế

(Dân trí) - Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia quốc tế. Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển các doanh nghiệp xã hội, trong đó cung cấp các kiến thức cần thiết cho sinh viên về khởi nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ.

Điều này đặt trách nhiệm lên các trường đại học, nơi không chỉ khơi nguồn sáng tạo, đồng hành giúp đỡ mà còn phải cung cấp thông tin, chính sách cho sinh viên khi khởi nghiệp.

Mới đây, hội thảo quốc tế về Tinh thần khởi nghiệp xã hội (ICSE) năm 2017 do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE), trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức với Hội đồng Anh tại Việt Nam và Đại học Northampton (vương quốc Anh) đã diễn ra tại Hà Nội. Với chủ đề “Tăng cường và phát triển sáng tạo xã hội tại châu Á”, chương trình thu hút đông đảo sự quan tâm của các học giả, doanh nhân cùng nhiều giảng viên, sinh viên.


PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc chương trình.

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng, Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc chương trình.

Trường đại học là người đồng hành, khơi gợi

Mở đầu buổi trò chuyện, ông Trần Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của các trường đại học trong việc phát triển kinh doanh vì xã hội ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển, dù có nhiều tiềm năng nhưng khó khăn, thử thách còn nhiều.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn sẽ làm xuất hiện những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, ý nghĩa, đặc biệt khi ở nước ta lực lượng lao động trẻ rất đông đảo. Chính vì vậy, sinh viên- những người trẻ cần phát huy sáng tạo xã hội, góp phần xây dựng đất nước. Nhưng muốn có được điều đó, các trường đại học phải là người đồng hành, khơi gợi.


Chương trình hội tụ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Chương trình hội tụ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đồng tình quan điểm, ông Patsian Low - Mạng lưới từ thiện châu Á - AVPN (Singapore) cho rằng Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc phát triển các doanh nghiệp xã hội, trong đó cung cấp các kiến thức cần thiết cho sinh viên về khởi nghiệp còn hạn chế. Điều này đặt trách nhiệm lên các trường đại học, nơi không chỉ khơi nguồn sáng tạo, đồng hành giúp đỡ mà còn phải cung cấp thông tin, chính sách cho sinh viên khi khởi nghiệp.

“Hiện nay, Việt Nam còn nhiều yêu cầu lớn về vốn, cơ sở hạ tầng, chính sách, thông tin,… và đặc biệt là nhân lực. Với nguồn lao động trẻ đầy sáng tạo, nhiệt huyết thì tương lai nước bạn sẽ rất phát triển nhưng nếu không tận dụng được thì sẽ rất lãng phí. Để định hướng đúng mục tiêu phát triển vì xã hội và giảm thiểu những sai lầm cho sinh viên, các trường đại học cần có chương trình dạy cụ thể, một lộ trình, định hướng rõ ràng”, ông Patsian Low chia sẻ.

Để sinh viên khởi nghiệp, trường đại học nên làm gì?

Để thực hiện được vai trò quan trong trong việc giúp đỡ, định hướng sinh viên khởi nghiệp, các trường đại học cần thực hiện các công việc cụ thể. Chia sẻ về vấn đề giáo dục đại học với sáng tạo xã hội, ông Richard Hazenberg - Đại học Northampton, Anh quốc cho hay: “Việc đầu tiên, các trường đại học, nhất là các trường kinh tế cần phải cung cấp các kiến thức, các triết lý, lý luận về khởi nghiệp, nguyên tắc, giai đoạn của quá trình khởi nghiệp. Đồng thời, phải phân tích những rủi ro, mất mát nếu họ thất bại để họ chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và làm lại từ đầu. Quan trọng hơn, phải định hướng cho họ tinh thần kinh doanh vì xã hội”.

Ngoài việc cung cấp lý thuyết kinh doanh, khởi nghiệp, các trường đại học còn là cầu nối để giúp sinh viên liên kết với các trung tâm, các doanh nghiệp bên ngoài để có cơ hội, học tập, thực hành và cơ hội đầu ra sau khi hoàn thành chương trình đại học.

Từ đó tạo nên các mạng lưới doanh nghiệp vì xã hội, tạo lập khối sáng tạo xã hội và quan trọng hơn chính là cơ hội thu hút nguồn vốn cho các sự án khởi nghiệp của sinh viên.

Các chuyên gia phát biểu theo chủ đề.
Các chuyên gia phát biểu theo chủ đề.

Chia sẻ mô hình giáo dục tại trường Đại học Calgary (Canada), ông Hiếu Ngô cho rằng việc phân tích điều kiện, môi trường địa phương rất quan trọng. Khi trường Đại học nghiên cứu về môi trường, điều kiện kinh tế xã hội sẽ giúp sinh viên có thêm thực tế để xây dựng kế hoạch khởi nghiệp thiết thực.

Ông nói: “Khi trường chúng tôi cho các bạn sinh viên khởi động một sự án khởi nghiệp về môi trường tại địa phương, dù có chút khó khăn nhưng nó lại thiết thực, cần thiết và thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Điều tôi muốn nói là dù có khó khăn thì nếu phân tích kĩ tình hình thực tế, chúng ta sẽ vẫn tìm ra những điều sáng tạo”.

Theo bà Trương Thị Nam Thắng - Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), việc nghiên cứu điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội rất quan trọng. Bà chia sẻ: “Đối các trường đại học ở Việt Nam, như đại học Kinh tế Quốc dân, chúng tôi luôn khơi nguồn sáng tạo cũng như truyền cảm hứng kinh doanh cho các em sinh viên bằng cách nhấn mạnh lịch sử, truyền thống dân tộc. Các sinh viên hiểu được dân tộc này đi lên từ đâu, con người của đất nước này có lòng thương người, đoàn kết như thế nào thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ sáng tạo vì xã hội, kinh doanh, khởi nghiệp vì xã hội”.

Văn Hiền