Kiểm tra IQ, EQ: Thực hiện trong 60 phút, học sinh không phải luyện thi

(Dân trí) - Trao đổi với <i>Dân trí</i> chiều ngày 17/4, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie khẳng định: “Trò chơi trí tuệ mà nhà trường đưa ra để tuyển sinh vào lớp 6 sẽ không quá phức tạp, học sinh không cần phải đi luyện thi”.

Bài kiểm tra IQ, EQ chỉ mất 60 phút

Thầy Khang cho biết, trường THCS Marie Curie tuyển sinh lớp 6 như sau: HS thực hiện 60 phút trắc nghiệm chỉ số trí tuệ (IQ) và chỉ số cảm xúc (EQ). Cấu trúc cụ thể: IQ: 60 câu/45 phút; EQ: 30 câu/15 phút. Ngoài ra, nhà trường sẽ đưa thêm tiêu chí phụ đối với trường hợp ở chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh đạt được điểm bằng nhau đó là sử dụng kết quả điểm cuối kì lớp 5 các môn Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ.

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie

Năm học 2015-2016, trường THCS Marie Curie tuyển 10 lớp 6 với 300 học sinh. Nhiều năm nay trường có quy định liên thông học sinh từ tiểu học lên THCS và THPT. Chính vì thế, những học sinh hoàn thành bậc tiểu học (khoảng 123 học sinh) của nhà trường được phép chuyển thẳng lên bậc THCS. Như vậy, số chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 đối với các trường bên ngoài là khoảng 180 chỉ tiêu.

“Trong 180 chỉ tiêu này chúng tôi xác định sẽ tuyển thẳng những học sinh đạt giải ba các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận trở lên. Như vậy, số chỉ tiêu tuyển từ việc tổ chức trò chơi trí tuệ khoảng ở mức 150 chỉ tiêu” – thầy Khang cho biết.

Trước câu hỏi của Dân trí, với việc tuyển thẳng học sinh đạt giải ba các kỳ thi học sinh giỏi trở lên thì liệu có gây áp lực, cũng như tạo những cuộc chạy đua, ôn luyện nhằm đạt giải để được tuyển thẳng?

Thẳng thắn trả lời vấn đề này, Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie nhấn mạnh: Việc nhà trường “tận dụng” các nguồn xuất phát từ kết quả các cuộc thi “hợp pháp” để tuyển chọn được những em tốt cũng là điều nên làm. Còn các cuộc thi đó có gây áp lực hay tạo ra các cuộc chạy đua hay không thì trách nhiệm phải là của Bộ, Sở.

Cũng theo thầy Khang, nguyên tắc tổ chức tuyển sinh đối với 150 chỉ tiêu còn lại rất rõ ràng. Thứ nhất, thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về việc không tổ chức thi tuyển các môn văn hóa vào lớp 6; Thứ hai, không gây phiền hà đối với phụ huynh, học sinh; Thứ ba, đảm bảo công bằng, minh bạch với phụ huynh, học sinh”.

Hiệu trưởng trường THCS

Hiệu trưởng trường THCS Marie Curie giới thiệu bộ câu hỏi minh họa
trong trò chơi trí tuệ

Thầy Khang cho hay, năm 1992 trường tuyển sinh năm đầu. Do số lượng hồ sơ lớn, nhà trường phải đối diện với việc tuyển ra sao để có đầu vào đạt yêu cầu. Từ đó, trường có mời các chuyên gia về giáo dục có uy tín ở Việt Nam giúp làm một dạng đề gần như game show để dùng cho trò thi lớp 6 đến lớp 10.

Các câu đầu rất dễ nhưng càng về sau khó và khó có thể làm hết được trong thời gian nhất định. Học sinh thi vào lớp 6, lớp 10 làm chung đề này. Thực tế học sinh rất vui và có em thi vào lớp 10 làm không bằng các em lớp dưới. Từ 1993 đến 2014, Trường Marie Curie dùng cách thi truyền thống với hai môn tiếng Việt và môn Toán.

Năm nay, nhà trường kết hợp Trường ĐH Giáo dục, ĐH QG Hà Nội nghiên cứu bộ câu hỏi cho trò chơi trí tuệ để chọn học sinh. Sau khi tham khảo các ý kiến cha mẹ học sinh lớp 5 chúng tôi nhận được sự đồng tình khá lớn và khả năng tuyển được học sinh đạt yêu cầu. Với bộ câu hỏi này thì học sinh khó có thể đạt được mức điểm giống nhau.

Không thúc đẩy việc học thêm

Trước lo lắng hình thức tuyển sinh này sẽ đẩy trò đến việc đi ôn luyện IQ-EQ không, thầy Khang phân tích: “Không có phương án nào hoàn hảo cả. Phụ huynh cũng không nên nặng nề việc này.

Về EQ, nếu thúc đẩy đi ôn luyện thì quý quá. Kể cả người lớn cũng nên luyện để có ứng xử trong cuộc sống, cơ quan, hàng xóm, láng giềng cho phù hợp. Các câu hỏi về ứng xử rất gần gũi. Nếu nói vui, đây là việc học thêm tích cực. Nhưng biết bao tình huống như thế này mà thêm cho đủ. Thôi thì cứ để các cháu sáng đến trường học văn hóa, chiều về nhà chơi với bố mẹ, hàng xóm rồi tối lo học bài là đủ. Rõ ràng phương án này không thúc đẩy việc học thêm”.

Một câu hỏi minh họa về việc trắc nghiệm IQ

Một câu hỏi minh họa về việc trắc nghiệm IQ trong trò chơi trí tuệ mà trường THCS Marie Curie đưa ra chiều 17/4
Một câu hỏi minh họa về việc trắc nghiệm EQ trong trò chơi trí tuệ mà trường THCS

Một câu hỏi minh họa về việc trắc nghiệm EQ trong trò chơi trí tuệ mà trường THCS Marie Curie đưa ra chiều 17/4

Biết kết quả thi sau 48 tiếng

Trả lời câu hỏi của Dân trí về việc bộ đề minh họa nhà trường đưa ra có phần dễ dàng nhưng liệu sắp tới trong kỳ tuyển sinh chính thức có khó hơn?

“Tôi chịu trách nhiệm trước ngành và sở về sự trung thực này. Không ai công bố đề thật nhưng về hình mẫu là mô phỏng sẽ được thể hiện trung thực trong kỳ cuộc tuyển sinh sắp tới” – thầy Khang khẳng định.

Về cơ sở khoa học của bộ các câu hỏi kiểm tra năng lực của học sinh, thầy Khang cho biết phía trường ĐH Giáo dục – ĐHQGHN sẽ chịu trách nhiệm. Học sinh sau khi làm xong có thể biết kết quả sau 48 tiếng.

Để tránh gây phiền phức cho học sinh, phụ huynh thì trường THCS Marie Curie chỉ tổ chức thi một ca, hiện tại cơ sở trường có thể tổ chức cho khoảng 3.000 học sinh tham dự trò chơi trí tuệ. Nếu số lượng đăng ký lớn hơn thì nhà trường sẵn sàng thuê cơ sở vật chất ở bên ngoài.

Dự kiến cuối tháng 4 đầu tháng 5 trường THCS Marie Curie phát hành hướng dẫn, tháng 6 sẽ tổ chức tuyển sinh, đầu tháng 7 sẽ làm thủ tục nhập học cho học sinh.

Được biết, ngoài trường THCS Marie Curie, trường Lương Thế Vinh cũng được Sở GD-ĐT cho phép tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực thông qua trò chơi trí tuệ. Thầy Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng trường Lương Thế Vinh cũng khẳng định: Mức độ các câu hỏi sẽ ở mức vừa phải và gần gũi với học sinh. Chính vì thế phụ huynh cũng không nhất thiết đưa con đi luyện IQ, EQ. 

Ra đề thi IQ, EQ: Cần hội đủ “bộ ba” chuyên trách

Trao đổi với Dân trí, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết, để có thể tuyển sinh lớp 6 bằng phương thức IQ, EQ nhất thiết cần hội tụ đủ “bộ ba” nhà khoa học, tâm lý và giáo dục soạn bộ đề chung.

Theo ông Lâm, để ra được đề thi EQ, IQ không phải là chuyện dễ, không thể để các trường tự đưa ra các hình thức kiểm tra theo các chỉ số trên, phải có đủ “bộ ba” làm với nhau đó là các chuyên gia về đánh giá, nhà tâm lý học và giáo dục. Cả ba sẽ kết hợp lại với nhau để làm ra bộ đề chung. Sau đó, bộ đề này có thể được công khai lên mạng cho các em học sinh làm quen.


Kiểm tra IQ, EQ:  Học sinh không phải đi học thêm
Cần có các nhà khoa học tâm lý, đánh giá và giáo dục tham gia soạn đề chung

“Theo tôi, ở trường có chuyên gia giỏi như vậy là rất khó nên các trường có thể đưa ra các yêu cầu của mình để các chuyên gia thiết kế ra bộ đề phù hợp”, ông Lâm nói.

Tiến sĩ Lâm cũng chia sẻ, nhiều người nghi ngờ rằng việc thi IQ, EQ sẽ mang tính cảm tính nhưng không phải như vậy, các câu hỏi chuẩn như tạo thành một “ngân hàng”, các câu hỏi có đáp án khoa học chứ không thể đánh bừa, đây là một cách tốt để khuyển khích học sinh rèn luyện.

Theo ông Lâm, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường THCS không tổ chức thi tuyển lớp 6 (trong đó gồm những trường có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh) là có cơ sở. Vì hiện nay, nước ta đang thực hiện Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đào tào” ở tất cả các cấp học.

Ngành giáo dục đang phổ cập THCS nên học sinh học hết Tiểu học đều được học lên cấp THCS. Điều đáng bàn là trong nhiều năm nay, những trường ở Hà Nội có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh như: Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Hà Nội-Amsterdam, Cầu Giấy… đều tổ chức thi tuyển đầu cấp. Nếu để những trường này tổ chức thi môn các môn văn hóa thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng phụ huynh luyện thi từ lớp 3 chứ không phải là lớp 5. Vì vậy, chúng ta phải ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT là không cho các trường THCS trên tổ chức thi các môn văn hóa khi tuyển sinh đầu cấp học.

Cùng liên quan đến viêc cấm tổ chức thi tuyển lớp 6 và triển khai phương thức thi IQ, EQ, ông Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Thứ nhất, việc ra “lệnh cấm” tổ chức thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD-ĐT xuất phát từ yêu cầu phát triển giáo dục lành mạnh.Lành mạnh nghĩa là tìm mọi cách để học sinh các lớp bình thường từ lớp 5 – 6 không phải học thêm, tránh việc dạy thêm học thêm một cách tràn lan.

Thứ hai, đối với THCS không có trường chuyên lớp chọn; Thứ ba, cấp THCS là phổ cập, nhưng trước tình hình đó, có một tồn tại khác là một số trường, nhất là các trường tư thục số học sinh nộp đơn vào lớp 6 đông hơn nhiều so với nhu cầu tuyển chọn của trường nhưng những trường này là trường tư. Tình trạng này khiến các trường tìm đối sách để tìm đủ lượng học sinh đầu vào. Cũng là một cách tuyển nhưng mà không thi, họ tuyển theo cách khác.

Theo ông Hạc, việc tuyển sinh bằng phương thức IQ và EQ, quen hay không quen không phải vấn đề cần bàn mà cứ đưa bài trắc nghiệm ra cho học sinh làm, ai làm đến đâu chấm đến đó, cách làm đúng thì sẽ có hiệu quả cao.

Nguyễn Hùng - Lê Tú