Khuyến học, khuyến tài nơi địa đầu Tổ quốc

(Dân trí) - Năm học 2014-2015, xã Yên Khoái (Lộc Bình, Lạng Sơn) huy động được 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến trường. Hàng năm tỷ lệ lên lớp đạt 98%. Phong trào “Hũ gạo tình thương” và “Hũ gạo phổ cập” đã giúp nhiều học sinh nghèo nơi địa đầu Tổ quốc được đến trường.

Công tác phổ cập giáo dục được duy trì ở cả 3 cấp học

Theo đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc, chúng tôi lên thăm xã Yên Khoái vào một ngày cuối năm 2014. Yên Khoái là xã biên giới nằm ở phía Đông Bắc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), cách trung tâm thị trấn Lộc Bình 11km.

Toàn xã có 754 hộ với 3.354 nhân khẩu, được bố trí thành 8 khu dân cư thôn bản, trong đó có 04 thôn bản giáp biên giới là: thôn Chi Ma, Cốc Nhãn, Nà Quân, Nà Phát. Xã có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ lâu đời với nhau là dân tộc Tày, Nùng, Kinh.

Một tiết học của các em học sinh Trường Tiểu học Yên Khoái.
Một tiết học của các em học sinh Trường Tiểu học Yên Khoái.

Là xã biên giới có cửa khẩu Chi Ma - nơi giao lưu hàng hóa, Yên Khoái có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Hiện nay Chi Ma được Nhà nước đầu tư nâng cấp thành Khu kinh tế cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế.

Bên cạnh những thuận lợi xã vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng - kinh tế xã hội, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp khó khăn, do thiên tai, hạn hán, lũ lụt thất thường, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh gia súc, gia cầm và cây trồng vẫn thường xuyên xảy ra, từ đó thu nhập bình quân nhân khẩu còn thấp. Khó khăn là vậy nhưng bà con Yên Khoái rất quan tâm chăm lo cho việc học hành của con em mình.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: ''Năm học 2014-2015, xã huy động được 100% tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến trường. Hàng năm tỷ lệ lên lớp đạt 98%, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục được tăng cường, trên địa bàn xã được công nhận 3 cấp đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008 đến nay. Công tác phổ cập giáo dục cho 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được duy trì''.

Hũ gạo tình thương, hũ gạo phổ cập

Thực hiện chương trình 135 giai đoạn I và II, xã đã đầu tư xây dựng 8 công trình trường học; thực hiện kiên cố hóa trường lớp, đầu tư xây dựng tường rào ở trường tiểu học. Xã đã phát động phong trào ''Hũ gạo phổ cập'' để hỗ trợ cả các em học sinh khó khăn, học sinh vùng đặc biệt khó khăn yên tâm đến lớp.

Dẫn PV đi tham quan trường Tiểu học Yên Khoái, cô giáo Lương Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: ''Trường có 7 em trong diện hộ nghèo, 8 em trong diện cận nghèo. Nhà trường đã phát động phong trào hũ gạo tình thương, song hành với phong trào ''Hũ gạo phổ cập'' do xã phát động. Thầy cô giáo và các em học sinh cùng đóng góp mỗi người một bơ gạo giúp đỡ các bạn học sinh nghèo. Nhà trường cũng tặng sách, vở, đồ dùng đầu năm học, tặng áo ấm các em học sinh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán''.

Đa số các em học sinh nơi đây là người dân tộc Tày, Nùng, người Kinh rất ít (chỉ có một số hộ gia đình đến làm ăn). Chính vì vậy, nhà trường đã thực hiện mô hình tiếng Việt 1 công nghệ, tăng cường tiếng Việt 2 tuần trước khi vào lớp 1 để giúp các em được trau dồi về mặt ngôn ngữ.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực, năm 2013, Trường Tiểu học Yên Khoái được UBND tỉnh công nhận lại là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 sau 5 năm, năm học 2014-2015, nhà trường huy động 100% các học sinh trong độ tuổi đi học đến lớp. Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên giúp đỡ nhau với tinh thần tương thân tương ái, các em học sinh có ý thức phấn đấu học tập tốt.

Phương Nhung