Không quan trọng điểm số, sao lại cứ khoe?

(Dân trí) - Không ít phụ huynh khoe bảng điểm ưu tú, xuất sắc của con lên mạng xã hội kèm quan điểm "Bố mẹ không quan trọng điểm số"... làm nhiều người phải bật cười thầm.

Thời điểm này, trường học các cấp ở TPHCM đã thông tin điểm học kỳ 1 của học sinh. Chỉ cần lướt trên mạng xã hội, sẽ thấy nhan nhản các bảng điểm của nhiều học sinh được chính bố mẹ chụp nguyên hình, nguyên trạng tung lên trang cá nhân. Những bảng điểm được bố mẹ giới thiệu đều có điểm chung là cao vời vợi, thuộc dạng ưu tú, xuất sắc.

Cũng rất hài hước ở chỗ, nhiều phụ huynh chụp rõ từng li từng tí trường học, tên của con, điểm số từng môn, xếp hạng... rồi bày tỏ quan điểm "Bố mẹ không quan trọng điểm số" làm nhiều người không khỏi bật cười.

 

Không quan trọng điểm số, sao lại cứ khoe? - Ảnh 1.

 

Không quan trọng điểm số, sao lại cứ khoe? - Ảnh 2.

Nhiều bảng điểm của con được phụ huynh chủ động khoe lên mạng xã hội với dòng trạng thái "Bố mẹ không quan trọng điểm số".

 

"Trường THPT chuyên.... thông báo kết quả học kỳ 1 của em...: Ngữ văn thi 9,5, TB (trung bình): 9,7; Lịch sử thi: 9, TB: 9,6; Địa lý thi: 10, TB: 10; Tiếng Anh thi: 10, TB: 9,8; GDCD thi: 10, TB: 10; Toán thi: 10, TB: 10; Vật lý thi: 10, TB: 10; Sinh học thi: 10, TB: 10... Điểm trung bình cộng các môn 9,9...".

Đó là bảng điểm giáo viên gửi qua tin nhắn điện tử của một học trò được phụ huynh chụp lại, cập nhật trên trang cá nhân. Chị khoe bảng điểm của con kèm dòng trạng thái: "Mẹ không quan tâm đến điểm số của con, miễn con học vui...".

Một phụ huynh khác, có con học lớp 9 cũng chụp trọn vẹn bảng điểm Giỏi của con lên mạng xã hội với lời... động viên đầy áp lực: Mẹ không quan trọng điểm số nhưng còn "cuộc chiến" phía trước (thi lớp 10)...

Trạng thái khoe bảng điểm của con luôn luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là các ông bố bà mẹ. Thậm chí đến cả ngàn lượt thích, hàng ngàn bình luận... với vô số những lời khen, xuýt xoa dành cho đứa trẻ, cho cả cha mẹ.

Đằng sau bảng điểm ưu tú được phụ huynh khoe lên mạng là cả một bầu trời so sánh những đứa trẻ. Bố mẹ đi khoe thì cho mình ở tâm thế con mình giỏi hơn con người. Nhiều phụ huynh vào "khen con người" cũng không dấu được tâm lý so sánh con mình với những bảng điểm này.

Có những ông bố bà mẹ buông lời: Ước gì con em được một phần như cháu anh chị thì thích gì em cũng chiều; cháu giỏi quá, con nhà em không được một nửa vậy... Có người mẹ còn hỏi luôn con anh chị ăn gì, uống sữa gì để về áp dụng cho con mình.

Có thể người lớn nói qua lại với nhau cho có chuyện, không phải nói để con trẻ nghe nhưng họ không giấu được tâm lý so sánh, mong muốn con mình phải như người này, người nọ. "Sùng" điểm số vẫn ăn sâu trong suy nghĩ và cả tình cảm của nhiều phụ huynh.

Dù nhiều người nói rằng, không quan tâm điểm số của con nhưng họ xem đó là điều để mình hãnh diện với mọi người về con trẻ. Thế nên, đã có những người đặt câu hỏi "Bố mẹ không quan tâm sao lại đưa lên mạng khoe?".

Việc khoe con, nhất là việc khoe điểm của con luôn tạo một áp lực khủng khiếp cho chính những đứa trẻ đang được bố mẹ tự hào về thành tích. Ngoài ra cũng vô tình gây áp lực đến những đứa trẻ không đạt được những mức điểm mơ ước như vậy.

Một chuyên gia giáo dục chia sẻ, phụ huynh chúng ta thường gặp sai lầm trong khen ngợi con cái, cứ nghĩ khoe điểm 9, điểm 10 là khen con. Nhưng thật ra những lời khen đó sáo rỗng, chỉ thỏa mãn bố mẹ chứ không có nhiều giá trị với con trẻ.

 

Không quan trọng điểm số, sao lại cứ khoe? - Ảnh 3.

Con trẻ chịu áp lực điểm số rất lớn vì sự khen ngợi sáo rỗng và sĩ diện của bố mẹ. (Ảnh minh họa)

 

Một bài văn, bài toán hay một bức tranh đạt điểm cao, phụ huynh chỉ khoe con "giỏi quá" nhưng không chỉ ra dược chi tiết con làm hay ở chỗ nào, ở câu cú, ở cách trình bày, ở phương pháp, ở phối màu, bố cục... Chúng ta quên khen những thế mạnh mà toàn là những lời khen chung chung, khen điểm, khen thành tích dễ tạo sự tự mãn nhưng lại không tạo được động lực cho con trẻ.

Thế nên có những học trò điểm môn nào cũng cao, cái gì cũng giỏi nhưng trước ngưỡng của chọn nghề nghiệp, trả lời câu hỏi giỏi cái gì thì các em chỉ biết là mình giỏi toàn diện.

Nguyên tắc ứng xử cơ bản là khi khen thì cần khen nơi đông người, chê nơi riêng tư. Có điều, khi sự khen ngợi biến thành khoe khoang, về sĩ diện của bố mẹ thì đó lại là áp lực, thậm chí là nỗi sợ vô hình đối với con trẻ.

Khoe con bằng điểm, yêu con bằng điểm, niềm tự hào về con bằng điểm số ở phụ huynh là có thật. Chúng ta từng đặt ra vấn đề bí mật về điểm số của học sinh nhưng quyền riêng tư điểm số của trẻ đang bị xâm phạm trước hết bởi chính phụ huynh...

Lê Đăng Đạt