Không nên nóng vội thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa?

(Dân trí) - “Nếu trong thời gian tới chỉ có một bộ sách giáo khoa (SGK) thì cũng không có gì ngạc nhiên. Chúng ta không nên nóng vội, có thể giai đoạn đầu sẽ dùng thống nhất một bộ SGK chung, làm căn cứ tiến tới giai đoạn sau phát triển ra nhiều bộ SGK…”

Đây là ý kiến được một số chuyên gia giáo dục đưa ra sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “chủ trương của T.Ư và Quốc hội là phải có lộ trình thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK". Trước mắt, điều kiện chưa cho phép, vẫn nên thống nhất thực hiện một bộ SGK, đến khi nào đảm bảo các điều kiện cần thiết sẽ thực hiện chủ trương trên” tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây.

Tập trung khâu biên soạn bộ SGK

Trao đổi với PV Dân trí, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí TƯ Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân không phải không có căn cứ. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng có nhiều bộ SGK trong cùng một chương trình dạy học cũng đã gặp phải khó khăn lớn khi thực hiện, nên việc lo ngại là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở ý kiến của riêng cá nhân Chủ tịch Quốc hội; để chính sách này đi vào hiện thực, cần có thời gian và được sự biểu quyết thông qua của đa số các đại biểu Quốc hội.

Không nên nóng vội thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa? - 1

“Sách nào viết tốt, giáo viên và học sinh dễ hiểu thì họ được quyền lựa chọn, miễn sao đảm bảo được chất lượng và đánh giá của các kì thi chung toàn quốc”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Theo GS Phạm Tất Dong, sử dụng một hay nhiều bộ SGK thì cơ bản về nội dung là như nhau; có thể ở địa phương này chọn bộ SGK A là chính, bộ SGK B là tham khảo… miễn sao đảm bảo cung cấp đủ số lượng kiến thức do Bộ GD&ĐT yêu cầu là được.

Nếu trong trường hợp, Quốc hội thông qua quy định việc dạy thống nhất một bộ SGK thì Bộ GD&ĐT và NXB không được tự viết sách, tự thẩm định và tự ban hành, vì như vậy khác gì “vừa đá bóng vừa thổi còi” dễ xảy ra hiện tượng độc quyền như trước đây.

Từ đó, GS Dong đề xuất biện pháp tránh tiêu cực và tham nhũng, cần quy định lại vai trò của các đơn vị tham gia như: Viện Nghiên cứu chịu trách nhiệm đưa ra khung chương trình chung; các Giáo sư đầu ngành và nhóm tác giả sẽ viết sách; Hội đồng thẩm định Quốc gia và Bộ GD&ĐT đóng vai trò thẩm định chất lượng nội dung của sách; NXB chỉ đóng vai trò in ấn và phát hành, không liên quan tới vấn đề biên soạn sách.

Ngoài ra, trước nhiều ý kiến băn khoăn nếu thực hiện thống nhất một SGK có gây ra lãng phí và mất công cho các NXB đang tập hợp nhóm tác giả để biên soạn bộ SGK, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, các NXB đang trong quá trình biên soạn chưa có công bố dự kiến thời gian hoàn thành và đưa vào sử dụng cụ thể. Chúng ta không thể ngồi đợi, phải có chuẩn bị phương án Bộ GD&ĐT ban hành bộ SGK chung, lấy đó làm gốc, làm chuẩn.

Không nên nóng vội

Theo GS.TS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là đúng. Phải hiểu đúng bản chất của Nghị quyết 88, quy định một chương trình có thể được dạy bằng một số bộ SGK.

Phải chú ý đến từ “một số” trong Nghị quyết, nghĩa là một, hai hoặc ba… và “có thể” nhiều bộ sách chứ không “bắt buộc” là phải có nhiều bộ SGK. Cho nên ý kiến đề xuất của Chủ tịch Quốc hội không đi ngược lại với Nghị quyết.

Do đó, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, nếu trong thời gian tới thống nhất chỉ có một bộ SGK cũng không có gì ngạc nhiên. Chúng ta không nên nóng vội, có thể giai đoạn đầu sẽ dùng thống nhất một bộ SGK chung, làm căn cứ tiến tới giai đoạn sau phát triển ra nhiều bộ SGK… như vậy sẽ tuần tự, không gây xáo trộn trong giáo dục và được dư luận đón nhận một cách nhẹ nhàng hơn.

Bên cạnh đó, các NXB khác vẫn cứ tiếp tục tham gia biên soạn và thẩm định sách. Các bộ sách đó hoàn toàn vẫn được lưu hành trên cương vị sách tham khảo và các địa phương, các trường có quyền lựa chọn dạy song hành một môn học bằng nhiều SGK tham khảo. Vị trí số một với số hai thì không quá quan trọng bằng chất lượng và độ tin dùng.

“Sách nào viết tốt, giáo viên và học sinh dễ hiểu thì họ được quyền lựa chọn, miễn sao đảm bảo được chất lượng và đánh giá của các kì thi chung toàn quốc”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi chúng ta thảo luận vấn đề này nên lắng nghe ý kiến từ các NXB đang mong muốn được đưa “con ruột” của mình cạnh tranh công bằng theo Nghị quyết 88. Và bây giờ thống nhất chỉ có một bộ SGK liệu các NXB có mất niềm tin và ngại muốn đầu tư cho các lần đổi mới sau hay không?.

“Chúng ta chấp nhận những ý kiến trái chiều ban đầu để đánh đổi lại sự phát triển cạnh tranh công bằng, hay lựa chọn giải pháp an toàn truyền thống… điều đó sẽ được tập thể các đại biểu Quốc hội thảo luận và thông qua”, GS Đào Trọng Thi cho hay.

Hà Cường