Bạn đọc viết:

Không nên định hướng những ngành nghề mà con không thích

(Dân trí) - Hôm trước, con tôi bảo: “Con muốn lớn lên sẽ làm họa sĩ, vì các bạn ở lớp ai cũng khen con vẽ đẹp”. Khi nghe cháu nói, tôi chỉ biết im lặng, bởi vì thật lòng mà nói thì tôi không muốn sau này lớn lên cháu sẽ trở thành họa sĩ.

Cũng như nhiều cha mẹ khác, ai cũng muốn con mình lớn lên sẽ làm những ngành nghề “thời thượng” nhất mà xã hội đang cần như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, kinh doanh… hoặc đam mê theo đuổi các ngành nghề khoa học.

Nghe con nói ngành nghề mình yêu thích, tôi chọn cách im lặng chưa thể trả lời là vì cháu còn quá nhỏ, chưa suy nghĩ đúng đắn, việc chọn nghề có thể chỉ là cảm xúc nhất thời, chưa phải là niềm đam mê và khát vọng thật sự để trở thành một họa sĩ thực thụ sau này. Tôi im lặng cũng là vì không nên nói ra ước muốn của chính mình là muốn con sau này phải chọn nghề này nghề kia. Nếu nói ra, có thể con tôi sẽ mất đi sự tự do, bị ràng buộc bởi ước muốn của cha mẹ mà không được quyền ước mơ ngành nghề tương lai mà mình thích.

Ngành nghề của mỗi người đa số là do niềm đam mê và sự quyết tâm thực hiện mới thành công. Nhưng cũng có những người không thể chọn được ngành nghề mà mình thích và làm trái nghề bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một người mơ ước chọn một nghề nào đó nhưng năng lực thì không với tới; có thể do gia đình mà bỏ dở sự nghiệp; có thể do xã hội đưa đẩy mà phải chọn trái ngành nghề… Nhưng rồi, nhiều người cũng phải chọn trái ngành nghề, bởi vì chính ngành nghề trái đó lại tạo ra thu nhập chính để nuôi sống bản thân và gia đình.

Bản thân các cháu học sinh bây giờ cũng vậy, các cháu có quyền mơ mộng và cố gắng để đạt được ước mơ của mình trong tương lai, nhưng ước mơ của các cháu có thành hiện thực hay không thì lại là chuyện khác. Bởi vì, có thể mơ ước chọn nghề của các cháu quá sức, xa vời, thiếu thực tế… nên rất khó có thể trở thành hiện thực. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên tác động vào những giấc mơ đó của các em, biết đâu một ngày nào đó, có thể ước mơ của các cháu sẽ trở thành hiện thực.

Thực tế hiện nay, các em học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, khi được hỏi các em muốn chọn nghề gì trong tương lai thì đa số các em đều mơ ước sau này sẽ làm kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, luật sư… Nhưng nếu ước mơ của các em đều trở thành hiện thực thì sau này ai sẽ làm công nhân, ai sẽ làm công chức nhà nước, nhân viên điện lực, môi trường…

Đối với trường hợp của con tôi thì tôi chỉ khuyên cháu: “Nếu con muốn sau này làm họa sĩ thì con phải cố gắng vẽ đẹp hơn nữa”. Biết đâu, năm sau con tôi lại chọn nghề khác thì sao. Việc chọn nghề tương lai hiện nay của con tôi chỉ làm cảm xúc nhất thời, chưa có cơ sở thực tế để thực hiện. Tuy nhiên, khi con bắt đầu học cuối cấp thì cha mẹ cần phải định hướng nghề nghiệp cho con, sao cho việc định hướng phù hợp với nguyện vọng, vừa sức… để các con cố gắng học tập, thi tuyển vào các trường đại học hoặc cao đẳng để có thể đào tạo ngành nghề tương lai của mình. Cha mẹ tuyệt đối không nên định hướng những ngành nghề mà con không thích hoặc quá sức… Nếu không sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các cháu sau này.

Đỗ Văn Nhân

(Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Dòng sự kiện: Câu chuyện giáo dục