Không nên có vùng cấm trong công khai lý lịch khoa học của Hội đồng GSNN

(Dân trí) - Việc công khai lý lịch khoa học của ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã được nhiều nhà khoa học đồng tình. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng, không nên có vùng cấm trong công khai.

Như Dân trí đã đưa tin, Dự thảo Thông tư lần thứ 3 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý có sửa đổi điểm e khoản 3 Điều 7 như sau:

“Danh sách ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước kèm theo lý lịch khoa học  của các ủy viên được công bố công khai, cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước”.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, đây là một tiến bộ rất đáng ghi nhận, đề nghị giữ nguyên qui định này.

Được biết, thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước gồm 32 người, trong đó, có 4 lãnh đạo Hội đồng, gồm 1 chủ tịch và 3 phó chủ tịch, do Thủ tướng bổ nhiệm. Còn ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước là 28 người, do bầu từ cơ sở.

Như vậy, chỉ ủy viên Hội đồng gồm 28 người là Chủ tịch Hội đồng ngành, liên ngành phải công khai lý lịch khoa học theo quy định. Còn 04 lãnh đạo Hội đồng là Chủ tịch Hội và các Phó Chủ tịch do Thủ tướng bổ nhiệm sẽ không công khai lý lịch khoa học như các ủy viên hội đồng.

Trả lời báo chí, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, 28 ủy viên được bầu từ đội ngũ những nhà khoa học vẫn đang hoạt động giảng dạy bình thường, còn 4 lãnh đạo Hội đồng thì phải là cán bộ quản lý.

Trao đổi với PV Dân trí, một vị giáo sư cho biết, không nên hành chính hóa một tổ chức học thuật là Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Do đó, đã yêu cầu công khai lý lịch khoa học là phải công khai hết, mọi người đều bình đẳng, không có vùng cấm, không có “đặc thù”.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, nên công khai tất cả lý lịch khoa học thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Bởi, khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cũng đều công khai lý lịch thì tại sao lại không công khai lý lịch khoa học của đầy đủ thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước. Với khoa học, nếu trình độ không cao hơn người khác thì không thể chấm cho người ta được.

Một số nhà khoa học góp ý, lý lịch khoa học của cả quá trình nói lên bề dày thành tích, sự đóng góp và cống hiến liên tục cho ngành của cá nhân các nhà giáo, nhà khoa học trong quãng thời gian hoạt động giáo dục & đào tạo,  khoa học & công nghệ của họ.

Tuy nhiên, trong lý lịch khoa học chỉ nên kê khai các công bố có trong danh mục thuộc hệ thống ISI, Scopus và các công bố khác có chỉ số ISBN hoặc có tên trong danh mục của Amazon.com.

Bởi nếu chỉ quan tâm đến các công bố trong 5 năm gần đây, thì đa số các nhà khoa học trẻ vừa trở về từ các nước có nền KH&CN phát triển sẽ chiếm ưu thế, vì họ có năng suất khoa học vượt trội nhờ các lợi thế mà thế hệ đi trước không thể có.

“Nên có tiêu chuẩn tối thiểu của các Ủy viên Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành và Hội đồng nhà nước về các đóng góp của họ trong giảng dạy bậc đại học và nghiên cứu khoa học (cả quá trình và trong 5 năm gần đây), giúp Thường trực Hội đồng Giáo sư nhà nước lựa chọn được các nhà giáo, nhà khoa học xứng đáng, có uy tín chuyên môn và uy tín xã hội cao, được cộng đồng các nhà giáo, các nhà khoa học cùng chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao, được các ứng viên chức danh GS, PGS kính trọng và ngưỡng mộ” – một vị giáo sư góp ý.

Hồng Hạnh