Không đạt chuẩn hiệu trưởng của Việt Nam, GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ

(Dân trí) - Sáng nay (4/5), GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng điều hành trường ĐH Hoa Sen đã chính thức có thư chia tay với giảng viên, nhân viên của trường sau một năm gắn bó. Trước đó, ông được trường ĐH Hoa Sen đề xuất làm Hiệu trưởng tuy nhiên không được chấp thuận vì không đủ chuẩn theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam.

Trong thư điện tử gửi cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của trường ĐH Hoa Sen, GS Trương Nguyện Thành cho biết ông sẽ không tiếp tục đồng hành cùng trường.

Ông Thành chia sẻ: “Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án mới sau đó…Trường ĐH Hoa Sen sẽ có vị hiệu trưởng mới xứng đáng. Hiệu trưởng nào cũng có chiến lược phát triển riêng của mình cho trường và cần những người phó hiệu trưởng có khả năng chia sẻ, triển khai những chiến lược này. Do đó tôi rất tiếc là sẽ không đồng hành cùng anh/chị/em trên bước đường tương lai…".

GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ tiếp tục giảng dạy tại ĐH Utah
GS Trương Nguyện Thành trở về Mỹ tiếp tục giảng dạy tại ĐH Utah

“Tuy được tín nhiệm bởi Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, qui trình công nhận vị trí Hiệu trưởng theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam thì tôi chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Do đó Bộ/Sở GD-ĐT không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP công nhận vị trí Hiệu trưởng của tôi. Đây là điều đáng tiếc ngoài mong đợi của HĐQT, toàn thể giảng viên, nhân viên, và sinh viên cũng như của riêng tôi”, ông Thành viết trong thư.

GS Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và tính toán do ĐH Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990. Cũng năm này, ông giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó, học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông làm GS chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử tại ĐH Utah (Mỹ). Năm 1993, ông đoạt giải “Một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ”. Năm 2002, ông được phong GS cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp GS ở Mỹ) khi mới 40 tuổi. Năm 2005, ông được Phó Chủ tịch UBND TPHCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân (nay là Bí thư Thành ủy TPHCM - PV) mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán. Sau đó, GS Trương Nguyện Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP.HCM.

Tại ĐH Utah (Mỹ), ông tham gia giảng dạy, làm công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa Hóa của ĐH này. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng về việc xác định quản lý tương đương, hiện nay chưa có quy định và tiêu chí để xác định mức độ tương đương cấp Phòng/Khoa của cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài với Việt Nam. Do vậy không đủ cơ sở pháp lý để xác nhận cụ thể nội dung này.

Mới đây, UBND TPHCM có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT thẩm định trường hợp này và sớm hướng dẫn cụ thể đối với việc công nhận ông Trương Nguyện Thành là hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen nhiệm kỳ 2017-2022. Nội dung cần thẩm định là về quy định “Hiệu trưởng phải tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục ĐH ít nhất 5 năm".

Ông Vũ Văn Tấn, Chánh văn phòng Ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen cũng xác nhận mục tiêu của ông Thành là về làm hiệu trưởng. Hợp đồng của ông Thành với trường chỉ 1 năm nên khi hết thời gian hợp đồng và không đạt mục tiêu thì cả hai bên đồng ý chia tay. Sắp tới Hội đồng quản trị Trường ĐH Hoa Sen sẽ bầu ra hiệu trưởng mới.

GS Trương Nguyện Thành gắn với biệt danh giáo sư quần đùi kể từ khi xuất hiện trong buổi học ông dạy sinh viên về khả năng sáng tạo
GS Trương Nguyện Thành gắn với biệt danh "giáo sư quần đùi" kể từ khi xuất hiện trong buổi học ông dạy sinh viên về khả năng sáng tạo

Được biết, GS Trương Nguyện Thành về giữ chức Phó hiệu trưởng điều hành của trường ĐH Hoa Sen từ ngày 17/1/2017. Vào tháng 4/2017, ông Thành từng khiến dư luận xôn xao khi mặc quần đùi, áo thun giảng bài cho sinh viên. Thời điểm đó có nhiều tranh luận trái chiều về việc này trong đó đa phần cho rằng trang phục đó không phù hợp với hình ảnh người thầy.

Tuy nhiên, lúc đó ông Thành cho biết, đây là hình ảnh xuất hiện trong buổi học ông dạy sinh viên về khả năng sáng tạo. Muốn phát huy khả năng sáng tạo thì phải đánh vào điểm nhấn là gỡ bỏ hết định kiến, và giới hạn tư tưởng mà trước đó mọi người nghĩ phải đi một con đường nào đó. Do vậy, trong buổi học ông đã sử dụng trang phục này. Còn bình thường ông ăn mặc, làm việc nghiêm chỉnh và không làm hay nói điều gì gây sốc. Sau sự kiện này, tên ông được gắn với biệt danh "giáo sư quần đùi".

Lê Phương