Bạn đọc viết:

“Không có nghề nào xấu phải không mẹ?”

(Dân trí) - “Không có nghề nào xấu phải không mẹ?”. Bao giờ tôi cũng đưa ra đáp án cho câu hỏi của con gái nhỏ là: “Tất nhiên!”. Bất kỳ công việc nào, ngành nghề gì đem lại lợi ích tích cực cho xã hội và đánh đổi bằng trí óc, sức lao động của con người đều là nghề nghiệp đáng trân quý.

1. Hôm qua, con gái tôi vừa tỉ tê khóc vừa tức tưởi hỏi: “Nghề thợ may xấu hở mẹ?”. Tôi ngạc nhiên dò hỏi thì con bé ấm ức kể chuyện một người thân ghé chơi và hỏi con lớn lên muốn làm nghề gì.

Bé con đang chơi trò búp bê giấy với kéo, giấy màu, hồ dán hồn nhiên trả lời rằng muốn trở thành một thợ may giỏi. Thế là con bị mắng ngang hông: “Làm gì không làm lại muốn làm thợ may!!!”.

2. Sáng nay, vừa dựng xe xếp hàng mua ổ bánh mì ở cửa tiệm nổi tiếng, tôi bắt gặp đôi tay thoăn thoắt của chị chủ quán xẻ mì, bỏ pa tê. Khách đông, chị bận tối mắt tối mũi vẫn tranh thủ nở nụ cười tươi rói và buông vài câu đùa với khách.

Một khách nữ có vẻ thân thiết nhìn con gái của chủ quán đang đứng gần đó trêu: “Mẹ bận rộn quá, đợi con gái lớn lên tí nữa phụ mẹ bán mì nghe…”. Chị chủ bật cười quay lại nhìn con gái âu yếm đáp: “Con bé bảo không muốn bán mì giống mẹ, chỉ thích bán chè thôi vì mê ăn chè lắm”. Mọi người cùng cười xòa với ước mơ của bé con.

“Không có nghề nào xấu phải không mẹ?” - 1

(ảnh minh họa: Trẻ tập làm bác sĩ)

3. Ở quê tôi, mỗi dịp thôi nôi (lễ tròn năm) thường có nghi thức dự đoán nghề nghiệp tương lai cho bé. Gia đình sẽ chuẩn bị một số vật dụng, đồ dùng tượng trưng các ngành nghề đặt trên bàn cúng và để đứa trẻ chọn lựa. Việc một đứa trẻ với tay vào món đồ nào sẽ tạo ra một niềm tin trong lòng bố mẹ về nghề nghiệp và tính cách trong tương lai của trẻ.

Lẽ tất nhiên, bố mẹ và ông bà sẽ hỉ hả cười, mơ màng nghĩ về tương lai khi con trẻ chạm tay vào ống nghe của bác sĩ, viên phấn của cô giáo, bộ đồ vẽ của họa sĩ hoặc mô hình lắp ráp của kỹ sư. Và không ít người vội mắng đứa trẻ con vừa tròn tuổi rằng: “Chọn gì cái nghề ấy?!” nếu con chụp vội cuộn thước dây của thợ may hoặc cái bay của thợ hồ.

4. Trẻ con mà, giấc mơ nghề nghiệp trong bọn trẻ phong phú lắm, thay đổi xoành xoạch và lớn lên theo mỗi bước trưởng thành của con.

Mới 1, 2 tuổi các con đã tập tành đóng vai thợ xây, bác sĩ, cô giáo, MC, ca sĩ, diễn viên… Lớn hơn tí xíu, tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, con sẽ bắt đầu mơ ước về người cảnh sát giao thông, kiến trúc sư thiết kế công trình, phi hành gia bay vào vũ trụ…

Và vì là trẻ con, hồn nhiên như con trẻ nên hồi 4 tuổi, con gái tôi đã từng mơ “sáng làm cảnh sát, trưa làm giáo viên dạy múa, chiều làm cô giáo dạy tiếng Anh và tối về nhà với mẹ”. Bọn trẻ còn ước về ngành nghề chẳng bao giờ thành hiện thực “làm nghề công chúa”, “trở thành siêu nhân”…

Trước ước mơ trẻ con của con trẻ, người lớn chúng ta có quyền cười cợt, mỉa mai, chê bai, bài xích ư? Sao người ta lại thản nhiên khoác ánh nhìn đầy thực tế, có phần tính toán, nhuốm màu thực dụng lên những đôi mắt hồn nhiên và tâm hồn trong trẻo của bọn trẻ chứ?

5. “Không có nghề nào xấu phải không mẹ?”. Bao giờ tôi cũng đưa ra đáp án cho câu hỏi của con gái nhỏ là: “Tất nhiên!”.

Bất kỳ công việc nào, ngành nghề gì đem lại lợi ích tích cực cho xã hội và đánh đổi bằng trí óc, sức lao động của con người đều là nghề nghiệp đáng trân quý.

Người ta thường ngợi ca nghề giáo và nghề y là nghề cao quý. Người ta thường quan niệm kinh doanh, ngân hàng là nghề có thể làm giàu. Người ta thường mặc định buôn thúng bán bưng, tay bay tay xẻng là nghề vất vả… Điều đó không sai!

Vấn đề là mỗi người có năng lực, sở thích phù hợp với ngành nghề nào. Và sự thành công của chúng ta không đo lường bằng cái tên, vỏ bọc của công việc mà chính là niềm vui, hạnh phúc trong công việc chúng ta đang theo đuổi.

Một người kinh doanh kiếm bộn tiền chưa chắc đã có thể cười thỏa mái như chị bán hàng quán nhỏ. Một người khoác áo “nghề cao quý” chưa chắc đã thảnh thơi, an nhiên trong tâm hồn bằng anh chàng sáng tối chạy Grab…

Vì không thể đánh giá chuẩn xác bất kỳ công việc nào bằng thang đo sang - hèn, giàu - nghèo nên chúng ta càng không có lý do gì để chê bai hay hí hửng trước ước mơ của con trẻ về một nghề nghiệp nào đó.

Bác sĩ, kỹ sư ư? Con hãy mơ đi!

Thợ may, cô bán chè ư? Con cứ ước đi!

Công chúa, siêu nhân ư? Chẳng sao cả con à!

Xin hãy để trẻ con là trẻ con, hồn nhiên và trong trẻo…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!