Khoảng 50% học sinh bỏ học vì có vấn đề về sức khoẻ tâm thần

(Dân trí) - Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội), khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Ước tính khoảng 50% học sinh bỏ học đều có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

Không biết làm gì ngoài ăn, ngủ, học

Chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế Lần thứ 5 về Sức khỏe Tâm thần trẻ em Việt Nam: “Hiểu biết về Sức khỏe Tâm thần ở Trường học và Cộng đồng”, do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) phối hợp tổ chức từ ngày 25-26/10 tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Hoàng Minh cho hay, tự tử là nguyên nhân gây thương vọng thứ 3 trong các loại bệnh tật trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề sức khoẻ tâm thần chưa được chú trọng, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục cùng đồng tình với quan điểm này.

PGS Quý Thanh cho biết, ở Việt nam, tỉ lệ thanh thiếu niên và trẻ em có các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng, ước tính khoảng 12%, tương đương với 3 triệu thanh thiếu niên có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu. Tuy nhiên, các vấn đề sức khỏe tâm thần lại chưa được hiểu biết đúng và mang nhiều định kiến ở Việt Nam.

Chính vì mức độ hiểu biết về sức khỏe tâm thần thấp, rất nhiều người chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp khi các các vấn đề đã nghiêm trọng, làm giảm hiệu quả trị liệu.

Khoảng 50% học sinh bỏ học vì có vấn đề về sức khoẻ tâm thần - 1

PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐHGD- ĐHQG Hà Nội).

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) cho hay, những năm gần đây, việc tự sát của giới trẻ có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.

Xu hướng tự tử học đường đang ngày càng tăng cao. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử vị thành niên do lo âu trầm cảm. Đặc biệt, là áp lực học tập.

Ông Nam cũng cho biết, có những học sinh sau khi được cứu sống đã tâm sự rằng, tự tử là con đường cuối cùng để em phản kháng lại những áp lực kỳ vọng của cha mẹ vào thành tích học tập cũng như lịch học chính, học thêm dày đặc mà cha mẹ dành cho em.

Sự nhạy cảm quá mức với cái được gọi là “thể diện” cũng khiến các em sẵn sàng hy sinh cuộc sống, không chịu chấp nhận sự chối bỏ và chê bai.

Chính vì vậy, thông thường một học sinh được gắn nhãn “học giỏi”, sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại học đường.

Nhiều em hàng ngày đến trường có biểu hiện bên ngoài rất bình thường nhưng trong đầu suy nghĩ, mình đi học vì để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ, để trả ơn và khiến bố mẹ hài lòng.

Có học sinh chia sẻ với chuyên gia rằng, suốt ngày em chỉ biết ăn, ngủ và học tập, ngoài ra không có niềm vui gì hơn. Điều đó khiến em vô cùng căng thẳng và áp lực nhưng không biết cách nào để giải toả. Đến một ngày, học sinh này sử dụng cách rất sốc: Tự tử.

Khoảng 50% học sinh bỏ học vì có vấn đề về sức khoẻ tâm thần - 2

PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Trường ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội).

Không coi thường trước ý nghĩ tự tử của trẻ

GS. TS Nguyễn Quý Thanh cho hay, theo Tổ chức Y tế thế giới, các vấn đề sức khỏe tâm thần là gánh nặng toàn cầu, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến khuyết tật. Các vấn đề sức khỏe tâm thần không những ảnh hưởng đến cá nhân mà còn cả gia đình của họ và xã hội.

Do đó, ngoài việc cập nhật những kết quả nghiên cứu mới, từ hội thảo này, các chuyên gia có thể vạch ra kế hoạch hành động chung trong việc nâng cao hiểu biết về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng và trong trường học.

Về điều này, PGS.TS Đặng Hoàng Minh cho rằng, theo nghiên cứu, khoảng 50% trẻ ở độ tuổi từ 14-15 đang có vấn đề về tâm thần, cũng như khoảng 50% học sinh bỏ học đều liên quan đến vấn đề đó.

Đặc biệt, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao nhưng nhiều người chưa biết cách hỗ trợ và can thiệp.

Nguyên nhân có nhiều, tuy nhiên điều quan trọng mà PGS Minh đưa ra, nhiều người đang thiếu kiến thức về sức khoẻ tâm thần, thiếu dịch vụ như BHYT, hỗ trợ đi lại khi khám bệnh..., và nhà trường chưa tạo điều kiện cho các học sinh cần hỗ trợ tâm lý.

Chia sẻ về phương pháp can thiệp đối với trẻ em, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, trước hết cần giúp các em giảm nỗi đau buồn về tâm lý bằng cách thay đổi môi trường stress, tranh thủ sự nâng đỡ của người thân trong gia đình và bạn học.

Cần có biện pháp để các em hiểu rằng, mỗi người có thể có một nỗi buồn chính đáng, mọi người xung quanh cũng có những nỗi buồn riêng nhưng đều có cách cách giải quyết.

Với những trẻ đã từng có ý định tự sát, nhà tâm lý phối hợp với gia đình theo dõi và đánh giá được khả năng tái phát. Các số liệu cho thấy tỉ lệ tái phát tự tử thường khá cao, từ 30% đến 50% trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 tháng sau lần tự sát đầu tiên không thành công.

Đứng trước một ý nghĩ hay một mưu toan tự tử của trẻ, chúng ta không thể coi thường mà ngược lại phải cho thiếu niên biết, mình rất quan tâm đến vấn đề này, và sẵn sàng để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, tin tưởng hơn nữa vào cuộc sống.

Mỹ Hà