Tâm sự người trong cuộc:

Khổ như… giáo viên chủ nhiệm duy trì sĩ số lớp

(Dân trí) - Hiện nay việc duy trì sĩ số trong các trường học luôn được quan tâm hàng đầu. Để đảm bảo chỉ tiêu, các trường buộc phải đưa vào tiêu chí thi đua và trừ điểm giáo viên (GV) rất gắt gao. Chính vì vậy mà GV bây giờ rất sợ nếu phải làm công tác chủ nhiệm lớp.

Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp vốn là công việc đặc thù của GV. Ngoài giảng dạy bộ môn, GV được phân công chủ nhiệm. Số tiết quy định giảm cho GVCN là 4,5 tiết/tuần. Thế nhưng bây giờ GV rất sợ phải làm công tác chủ nhiệm. Áp lực của GVCN là rất lớn. Các chỉ tiêu trên đưa xuống thì rất nhiều. Từ chỉ tiêu chất lượng lớp chủ nhiệm đến vô vàn các cuộc thi dành cho học sinh (HS). Chưa kể các khoản thu đều buộc GVCN phải hoàn thành... Tất cả các quy định trên đều được đưa vào bảng điểm thi đua. Chính vì vậy mà dường như GV luôn ngại ngần nếu phải làm công tác chủ nhiệm.

Tuy nhiên những điều trên GV vẫn không sợ bằng việc duy trì sĩ số. Bây giờ việc duy trì sĩ số HS đạt 100% không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với những trường vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các em mà nghỉ học là GV mất ăn, mất ngủ vì lo lắng. Vì vậy mà có hàng trăm kế "dở khóc dở cười" của GVCN duy trì sĩ số HS.

Hiện nay tiêu chuẩn đánh giá trường trung học đạt mức độ 3 thì HS bỏ học không quá 1%. Chỉ tiêu đã giao rồi, trường cứ thế mà thực hiện. Cuối cùng chỉ GV là khổ thôi.

Ngay từ đầu năm, các trường học đã đưa việc duy trì sĩ số vào bảng điểm thi đua. Nếu HS nghỉ học không phép từ 2 ngày trở lên, GVCN và GV phụ trách địa bàn phải đi vận động. Nếu giảm 1 HS, GV bị trừ 0,5 điểm; giảm 2 HS trừ 1 điểm. Thậm chí nhiều trường còn quy định giảm 2 HS sẽ không xét Lao động tiên tiến cho GV.

Cuối cùng GVCN buộc phải duy trì sĩ số bằng mọi cách để tránh bị nhắc nhở cũng như quyền lợi chính đáng của mình.

Một cô giáo - cũng là bạn thân của tôi dạy ở một trường điểm thành phố Tây Ninh tâm sự: “Gần Tết, GVCN sợ đủ thứ. Nào là lo sợ các em chểnh mảng chuyện học hành, nề nếp lớp đi xuống. Rồi nguy cơ HS bỏ học trước và sau Tết. Nếu sĩ số giảm khoảng 2 em thì cuối năm trường không xét thi đua cho. Công sức một năm phấn đấu của GV coi như đổ sông, đổ bể hết. Thật là buồn biết bao.”

Còn cô cháu gái của tôi dạy ở vùng sâu của huyện Tân Châu, Tây Ninh cũng liên tục than thở với tôi rằng HS bây giờ mà bỏ học thì GV lo lắng đến mất ngủ. Năm ngoái cháu chủ nhiệm lớp 8. Gần Tết, 3 em HS tự nhiên bỏ học. Cháu đã đến nhà năn nỉ phụ huynh mà vẫn không được. Họ bảo: “Học nhiều mà làm gì. Gia đình chúng tôi có rẫy, có cao su. Học xong chúng cũng chỉ làm rẫy thôi. Chi bằng cho con nghỉ sớm là hơn.” Cuối cùng cháu tôi bị trừ điểm thi đua. Năm nay cháu cũng đang sợ phải lặp lại tình trạng ấy. Chỉ cầu mong trò đừng nghỉ học.

Bản thân là một GV, tôi đã từng chứng kiến không ít GV từng áp lực vì phải duy trì sĩ số HS. Nhiều GV vì sợ bị trừ điểm nên thường du di cho HS cá biệt. Biết các em vi phạm mà chẳng dám phạt và la rầy nhiều. Cứ “mắt nhắm, mắt mở” cho qua. Các em đi học bữa đực, bữa cái cũng không sao. GV thường dặn lớp không điểm danh HS đó. Nếu em nghỉ nhiều cuối năm phải ở lại lớp cũng không được. Về điểm số thì GVCN sẽ nói với các GV bộ môn dùm. Thành thử HS cá biệt bây giờ rất “lộng hành”. Nhiều em luôn có tư tưởng "thầy cô đang cần mình và sợ mình". Các em mới nghỉ vài ngày, GV đã sốt sắng đến năn nỉ các em ra lớp. Các em vi phạm thầy cô cũng nhẹ nhàng. Nhiều GV từng ý kiến với ban giám hiệu nhưng cuối cùng vẫn là “Thầy cô thông cảm dùm. Chuyện này chúng tôi cũng khổ lắm. Trên o, dưới ép. Thầy cô cố gắng nhé.”

Có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân góp phần cho HS ngày càng hư. GV thì không dám phạt,  không dám la rầy HS. Ai cũng sợ làm quá các em sẽ bỏ học. Và người thiệt thòi nhất là mình. Cuối cùng đành buông xuôi để duy trì sĩ số HS cho an toàn.

Ôi trời, GVCN thời nay xem ra đủ thứ áp lực và lo lắng. Họ đang mất ăn, mất ngủ để hoàn thành những chỉ tiêu mà trên giao xuống.

Loát Trần

(Tây Ninh)

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!