Khó cấm sinh viên bình luận dung tục

Sinh viên cũng như mọi công dân sẽ bị điều chỉnh bởi các luật do Quốc hội ban hành.

Bộ GD&ĐT có thông tư ban hành Quy chế công tác sinh viên (SV) đại học chính quy thay thế cho quy định từ năm 2007. Thông tư này có hiệu lực từ 25-5-2016 đưa ra 10 hành vi SV không được làm.

Một trong những hành vi đó là không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy… vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Internet. Tùy theo mức độ vi phạm, SV sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, SV được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Chưa minh định rõ các khái niệm

LT, SV năm tư ngành xã hội học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết hiện quy chế này chưa phổ biến đến SV nên chưa hình dung nhà trường sẽ triển khai như thế nào. Tuy nhiên, đối với SV việc ra quy chế là một chuyện nhưng thực hiện hay không còn tùy thuộc vào ý thức của từng người. “Nhiều nội dung chưa được định nghĩa rõ, như khái niệm dung tục hay bạo lực chẳng hạn, SV sẽ khó hình dung cụ thể là như thế nào để biết mà tránh” - T. nói.

T. ví dụ thêm, SV thường dùng các ký hiệu, ngôn từ chỉ trong nhóm với nhau mới hiểu, thậm chí dùng các biểu tượng để trao đổi. Những trường hợp này, việc chia sẻ, bình luận, đưa biểu tượng lên mạng xã hội liệu có bị đánh giá là dung tục hay không?

NQT, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng quy chế này có nhiều nội dung cần được làm rõ. “Chẳng hạn, có những nội dung như hành vi vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự… đã được luật pháp quy định, liệu nhà trường có thể và có quyền thay thế cơ quan thi hành pháp luật xác định tội danh bởi một hành vi trên mạng xã hội của SV? Tôi nghĩ nhà trường có quyền cấm trong phạm vi trường học nhưng ra ngoài xã hội thì SV được làm những gì miễn không phạm pháp” - SV T. nói.

Sinh viên băn khoăn quy chế chung chung sẽ khiến sinh viên khó áp dụng thực hiện. (Ảnh: P. Điền)
Sinh viên băn khoăn quy chế chung chung sẽ khiến sinh viên khó áp dụng thực hiện. (Ảnh: P. Điền)

Cần nhưng khó thực hiện

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng với các nội dung khác, cá nhân ông không bình luận, riêng nội dung dung tục cần làm rõ để không có nhiều cách hiểu và hiểu chung chung.

Theo PGS Dũng, hiện nhà trường chưa áp dụng 10 điều trong thông tư này nên chưa tính phương án xử lý SV vi phạm. Tuy nhiên, vẫn có đội ngũ admin (điều hành website) kiểm soát, theo dõi các bình luận, chia sẻ, hình ảnh của SV liên quan đến các trang diễn đàn và website của nhà trường. Theo đó, những bình luận, chia sẻ, hình ảnh phản cảm, không đúng mục đích, tôn chỉ, quy chế của nhà trường thì xóa ngay. Đồng thời tùy mức độ vi phạm sẽ có biện pháp nhắc nhở, trừ điểm rèn luyện của SV đó.

PGS Dũng cho rằng SV 18 tuổi đã đủ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Do đó, nếu họ vi phạm pháp luật thì có các chế tài tương ứng với hành vi vi phạm, thay vì kiểm soát việc bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội.

TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng các nội dung dung tục khá rộng, cách sử dụng, trao đổi, chia sẻ của SV vô cùng phong phú nên việc áp dụng chế tài cũng không đơn giản. “Chức năng của trường đại học là đào tạo và nghiên cứu, hỗ trợ các SV tham gia các hoạt động để phát triển thể chất, tinh thần, năng lực chia sẻ cộng đồng... Ngoài diễn đàn và website của trường, chúng tôi không thể kiểm soát được các trang cá nhân của SV, vì đây là quyền của họ” - ông Thanh nói.

Dưới góc nhìn chuyên gia luật, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng quy chế của Bộ GD&ĐT không vi phạm các quy định của pháp luật. Đây là một trong các hình thức cụ thể hóa những quy định của pháp luật nhằm đưa SV vào khuôn khổ. Nhưng thực tiễn áp dụng sẽ rất khó khăn, vì khó có trường nào lập ra đội ngũ chuyên trách để theo dõi SV bình luận, chia sẻ, đưa hình ảnh trên mạng xã hội.

Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, trong trường hợp phát hiện SV vi phạm quy định, nhà trường sẽ thành lập hội đồng để xem xét và xử lý tùy theo mức độ chứ không thể tùy tiện. “Cũng tùy vào đặc thù của từng trường mà có cách đánh giá phù hợp với các nội dung được cho là dung tục, xuyên tạc hay phản cảm. Chẳng hạn như các trường ngành y, họ có cách dùng từ, hình ảnh, bình luận khác với các trường ngành xã hội, kỹ thuật, kinh tế…” - bà Quỳ cho biết.

Trường hợp cụ thể giao cho nhà trường và Sở GD&ĐT

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay việc ban hành quy chế này đã được Bộ tham khảo nhiều văn bản liên quan, thảo luận, bàn bạc kỹ. “Việc khai thác thông tin trên mạng là quyền của SV nhưng không nên đăng tải, chia sẻ những thông tin mang tính chất dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của mình như những thông tin xuyên tạc, bịa đặt… nhằm tạo môi trường lành mạnh” - Thứ trưởng Nghĩa nói.

Về cách thức giám sát, phát hiện các hành vi sai phạm của SV, cũng như định nghĩa thế nào là dung tục, phản cảm, bà Nghĩa thừa nhận việc quản lý đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy cần phát huy vai trò của các trường. Hiện tại một số trường đã có thể theo dõi SV thông qua các tài khoản. Cũng vậy, bà Nghĩa cho rằng đánh giá thế nào là dung tục, phản cảm cũng giao cho Sở GD&ĐT xem xét trong từng trường hợp cụ thể.

Viết Thịnh

Sau khi quy chế ban hành, chúng tôi tiếp tục theo dõi phản hồi của SV, mong muốn đưa SV vào nề nếp, không đưa thông tin độc hại, hình ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, dù làm gì thì làm cũng phải giữ được nét văn hóa, chúng tôi hướng SV theo hướng đó.

Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Theo Phong Điền

Pháp luật TPHCM