Bạn đọc viết:

Khi phụ huynh động tí là muốn đổi cô giáo chủ nhiệm

(Dân trí) - Phụ huynh bây giờ sống thực tế hơn, có điều kiện quan tâm đến chuyện học hành, trường lớp, thầy cô dạy con. Có lẽ vì quan tâm con hết mức nên phụ huynh lúc nào cũng mong con được học thầy cô tốt nhất, con gặp vấn đề gì ở trường dù nhỏ thôi là sôi sục đòi đổi cô chủ nhiệm.

Giáo viên đang phải đối mặt với nhiều áp lực, không chỉ từ chuyên môn nhà trường mà còn là ứng xử linh hoạt với phụ huynh. Bởi chỉ cần một câu nói động chạm, một hành động vô tư nhưng gặp phụ huynh ghê gớm, bắt bẻ, làm đơn kiện này kia thì giáo viên đành im lặng chịu trận, cay đắng nhận kiểm điểm của nhà trường. Giáo viên thời nay mới đích thực là nghề “làm dâu trăm họ”, gặp phản ứng thái quá của phụ huynh thì lòng nhiệt tình giảng dạy cũng vơi bớt đi ít nhiều.

1. Tại sao cô chê con tôi dốt?

Con anh chị là học sinh yếu kém trong lớp. Bài vở lúc nào cô cũng khoanh đỏ chi chít, toán sai, chữ xấu và viết sai chính tả. Lớp 4, kiến thức các con học khó hơn. Một số phụ huynh trong lớp nhắn tin trong Zalo chung của lớp đề nghị cô dạy thêm. Cô nói, sẽ phụ đạo cho những bạn học kém và không thu tiền. Vậy là anh A nổi đóa:  “Cô giáo sao lại dạy thêm, dạy chính còn không ra hồn, giờ định dạy thêm kiếm chác rồi trù dập con tôi, tôi sẽ lên gặp hiệu trưởng làm cho ra nhẽ”… Anh A không gặp cô chủ nhiệm lớp con trao đổi trực tiếp mà tới ngay trường, gặp hiệu trưởng nói gay gắt rằng cô chủ nhiệm trù dập con anh, anh mong muốn đổi cô giáo.

Vài ngày sau, chị vợ hớt hải vào trường xin lỗi hiệu trưởng và giáo viên vì chồng chị nóng giận nhưng không có ý gì. Thế nhưng cô giáo phải viết bản kiểm điểm và cô buồn bã tâm sự rằng, 5 năm cố gắng phấn đấu của cô đã đổ sông đổ bể.

Phụ huynh bênh con quá làm tổn hại đến thầy cô và chính con mình. Chắc chắn rằng cô sẽ không khoanh đỏ vở con nữa mà chỉ chấm cho xong, con anh chị cũng được thầy cô truyền tai nhau để “né” vì muốn yên ổn đứng lớp.

2. Cô giáo 25 năm kinh nghiệm vẫn bị chê là dạy không hay

Các con vào lớp 2, cô giáo chủ nhiệm mới dạy 1 tháng mà phụ huynh rì rầm trong nhóm Zalo chung rằng cô lạc hậu. Các phụ huynh muốn lắp máy chiếu, muốn cô dạy bằng giáo án điện tử. Nhưng cô thích dạy kiểu truyền thống bảng đen, phấn trắng và chỉ dùng máy chiếu một số tiết trong tuần. Một số phụ huynh cất công tìm hiểu, hỏi thăm xem cô dạy có tốt không, nếu cô dạy kém thì nhanh chóng xin đổi giáo viên chủ nhiệm. Chị hội trưởng hội phụ huynh lớp trấn an rằng, nhiều trường học chưa triển khai đồng bộ giáo án điện tử và cô giáo có thâm niên đứng lớp, các phụ huynh hãy yên tâm. Quan trọng nhất vẫn là cô giáo tâm huyết hết mình với các con, quan tâm dạy dỗ, truyền đạt kiến thức để các con hiểu bài.

3. Xin đổi cô chủ nhiệm chỉ vì một bài toán sai kết quả

Chị hàng xóm kể chuyện: Con chị đang học lớp 3, con học trung bình vì chị không có thời gian kèm cặp con. Chị đi làm ca kíp, hôm nào cũng 7 giờ tối mới về tới nhà, lo xong cơm nước tắm giặt cũng đến 9 giờ tối. Chị mệt mỏi căng thẳng nên không có thời gian kèm con, bài vở con tự học. Mới đây chị giở vở toán của con ra xem thì thấy con ghi sai đề bài, toán có 1 phép tính con làm sai kết quả mà cô vẫn chấm đúng. Hay là cô thử lòng mình, xem mình có quan tâm đến con không? Có mỗi phép toán đơn giản thế mà cô cũng chấm sai, chị muốn đổi cô giáo khác may ra con mới khá lên…

Chị sốt sắng lo con học kém nhưng chị không có chút cảm thông với giáo viên, cô chấm bài 45 học sinh, bài học trên lớp không may có chút sai sót chứ cô không có ác ý gì với con.

Biết chuyện này của con chị, tôi liền kể chuyện con đi học, tôi kiểm tra bài vở con thường xuyên, thỉnh thoảng cũng bắt gặp lỗi chấm sai của cô giáo. Nhưng đây chỉ là bài trên lớp, bài cô giao về nhà, không phải là bài thi học kỳ tính điểm nên tôi thấy hoàn toàn bình thường. Có phụ huynh thẳng thắn trao đổi với cô trong nhóm Zalo lớp, cô xin lỗi và chỉnh ngay đề bài hoặc đáp án.

Mỗi lần đi họp phụ huynh cho con, tôi thấy các cô giáo đều mong muốn phụ huynh thắc mắc bất cứ điều gì cứ trao đổi trực tiếp với cô. Chắc chắn thầy cô nào chủ nhiệm cũng lo lắng phụ huynh tức tốc lên gặp hiệu trưởng trình bày chuyện này, chuyện kia. Chỉ cần một lá thư không điền tên tuổi kiện thầy cô giáo ép buộc phụ huynh đóng tiền, trù dập học sinh thì thầy cô nhận ngay kỷ luật.

Giáo viên chủ nhiệm trăm thứ việc và cũng chịu quá nhiều áp lực nhưng phụ huynh ít ai thấu hiểu và chia sẻ…

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!