Câu chuyện giáo dục:

Khi người thầy dạy học như cái máy

(Dân trí) - Máy móc, công thức, rập khuôn, ngại thay đổi, động não... là thực tế hiện nay của không ít giáo viên. Công việc dạy học cần những phá cách, sáng tạo, thay đổi nhất nhiều người thầy lại cuộn mình trong "chiếc vỏ an toàn".

Các tiết dự giờ "cứng" hơn cả diễn kịch mà ở đó thầy trò dạy học như một thiết bị được lập trình sẵn, chỉ chờ công tác tắt bật là một hình ảnh quá quen thuộc trong giáo dục. Người này đi "bê" của người kia, các tiết dự giờ công thức, máy móc này được "di căn" không ngừng nghỉ.

Các giờ học mẫu này cũng thường được đánh giá trò giỏi, ngoan, nề nếp... và tiếp tục nhân rộng đến các thầy cô, các trường lớp khác. Thầy cô miệt mài tập duyệt, luyện trò rồi cả người chấm dự giờ làm như lập trình, quên mất việc tự hỏi, tự chất vấn rằng điều đó có thật sự cần thiết, có mang lại lợi ích gì.

Các tiết dự giờ, giáo viên nắn học sinh răm rắp như một cái máy (Ảnh cắt từ clip)
Các tiết dự giờ, giáo viên "nắn" học sinh răm rắp như một cái máy (Ảnh cắt từ clip)

Cũng có nhiều ý kiến nói rằng, sự máy móc cứng nhắc đó chỉ diễn ra ở các tiết dự giờ, khi có kiểm tra, đánh giá. Nhưng không, tư duy máy móc, cứng nhắc dường như ăn sâu vào mọi hoạt động, mục tiêu dạy học của nhiều giáo viên. Đầu năm học, không ít phụ huynh khổ sở vì tư duy đồng phục của cô giáo khi cô yêu cầu đến cái tẩy, cái gọt chì cũng phải... đồng loạt. Những thứ này không ai kiểm tra, đánh giá giáo viên hết nhưng chính bản thân người thầy muốn hàng chục em như một, yêu thích sự nề nếp, chỉn chu thái quá.

Trong lớp, nhiều giáo viên "mát lòng" khi học trò ngoan ngoãn, không ngọ nguậy, răm rắp gọi dạ bảo vâng... Sự thật rằng, không ít vụ cô giáo bạo hành trẻ chỉ vì các em không đáp ứng được "chuẩn" của cô giáo đặt ra. Người thầy không chấp nhận mình khác đi và càng không chấp nhận học trò khác đi.

Một quản lý ngành giáo dục cấp Bộ chia sẻ, việc đổi mới, đưa những phương pháp dạy học tiến bộ vào gặp một trong những rào cản lớn là sự "đóng khuôn" của giáo viên. Nói chung giáo viên rất thích những lối mòn quen thuộc, họ lựa chọn và thao tác theo khuôn mẫu mà không cần biết điều đó có phù hợp, có hiệu quả hay không.

Rất nhiều người dốc sức làm cho tiết dạy tròn vành vạch hay vuông vắn nghiêm túc nhưng lại không cần biết mình làm như vậy được gì? Học trò được thụ hưởng như thế nào? Cần làm gì để tốt hơn? Khi họ máy móc thì cũng dễ quên đi mục tiêu quan trọng nhất trong giáo dục là họ trò cần được tin tưởng, được trao nhiệm vụ để thể hiện khả năng, năng lực.

Ông kể câu chuyện có bóng dáng rất nhiều người thầy. Giáo viên dẫn dắt bài học: "Hôm nay lớp chúng ta sẽ học bài về đức tính cần kiệm, mời các em nghe bài hát, sau đây là phát biểu cảm tưởng về bài hát" rất trơn tru, trôi chảy, khuôn mẫu. Thế nhưng, khi đầu bật nhạc thì học trò không chú ý, các em đùa nghịch, cười giỡn, nói chuyện với bạn. Khi hỏi thì các em trả lời chung chung, bài hát rất hay, rất ý nghĩa, hay ý nghĩa thế nào thì không giải thích được. Tiết học chứ trôi qua một cách lãng phí như vậy.

Trong khi, nếu giáo viên chịu tư duy, chỉ cần thay đổi một chút là hiệu quả khác hẳn. Cũng cách làm đấy, cô chỉ cần yêu cầu giáo viên hãy chuẩn bị sẵn bút vở, nghe bài hát và ghi lại các từ thể hiện đức tính cần kiệm thì học sinh đã được trao nhiệm vụ, nhận trách nhiệm trong giờ học và chất lượng giờ học sẽ cải thiện rất nhiều.

Cũng xin nhắc lại câu chuyện được TS Nguyễn Thu Huyền kể lại tại hội tọa đàm giáo dục gần đây. Khi tập huấn cho giáo viên tiểu học ở TPHCM, bà Huyền yêu cầu các nhóm nêu ý tưởng, suy nghĩ về chủ đề đặt ra. Ngay lập tức bà nhìn thấy hình ảnh: tất cả giáo viên, ở tất cả các nhóm cùng là một động tác là trải giấy lên bàn, gấp ghép giấy lại nhằm tạo những hàng thẳng để viết cho thẳng hàng. Trong khi, cái cần là ý tưởng, không ai chấm điểm cho sự "ngay hàng thẳng lối" của thầy cô hết.

Theo TS Thu Huyền, giáo viên với tư duy gấp giấy thì trong lớp học, sẽ dạy cho trẻ tư duy gấp giấy. Tư duy đó bóp nghẹt sự sáng tạo, tư duy, dám làm khác đi của đứa trẻ.


Giáo viên máy móc, công thức sẽ tiếp tục cắt gọt , bóp nghẹt sự sáng tạo của học trò

Giáo viên máy móc, công thức sẽ tiếp tục "cắt gọt" , bóp nghẹt sự sáng tạo của học trò

Một giáo viên dạy Văn kể, khi đề cập đến nhiều vấn đề như nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học... rất nhiều đồng nghiệp luôn khước từ, đùn đẩy với lý do "họ không làm được". Họ khước từ với tâm lý chờ ai đó làm rồi mình... làm theo. Thế nên, dù là người có nhiều phương pháp dạy học đổi mới tích cực nhưng thầy khá e dè trong việc chia sẻ với đồng nghiệp. Không phải nhỏ nhen mà thầy lo ngại nhiều giáo viên bê nguyên viên về "đúc ý nguyên" ở lớp, ở học sinh mình. Trong khi, năng lực học sinh và điều kiện, hoàn cảnh từng nơi không giống nhau, đưa y chang về áp dụng có khi là thảm họa.

Giáo viên đang có những ràng buộc, có những yêu cầu máy móc từ trên đổ xuống, họ rất cần một không gian cho sự bay bổng và sáng tạo. Nhưng thay vì cuộn mình trong vỏ bọc an toàn, lạc hậu, mỗi người thầy cần tận dụng mọi cơ hội, không gian để để thăng hoa với công việc kỹ sư tâm hồn.

Nói như cô giáo dạy Văn trên, cô ước tất cả mọi người thầy đều sẽ đọc cuốn sách Totto Chan - Cô bé ngồi bên cửa sổ để thật sự hiểu rằng bản thân mình khác biệt và mỗi học trò đều khác biệt. Dạy học trước hết là công việc của sáng tạo. Giáo viên dám thay đổi thì học sinh sẽ thay đổi. Giáo viên sáng tạo sẽ có những học trò sáng tạo.

Hoài Nam