Khi học sinh được tự do phát biểu trong lớp

(Dân trí) - Khác với cách dạy truyền thống đó là học sinh phải trật tự, im lặng để nghe giáo viên giảng bài thì ở đây lớp học lại nhao nhao như một cái... chợ. Chưa dừng lại ở đó, cách bố trí ngồi học cho học sinh cũng rất khác với mô hình thông thường.

Câu chuyện “tưởng như đùa” này đang diễn ra ở Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái). Nếu nhìn qua thì chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ: "Học hành như vậy thì làm sao mà đạt chất lượng?".

Tuy nhiên sự “lộn xộn” và "ồn ào" như thế này lại là mục tiêu của một mô hình mang tên “Trường tiểu học mới” đang được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm ở 63 tỉnh thành. Hiện nay, cả nước đã có gần 1.500 trường tiểu học hào hứng tham gia mô hình này. Riêng với tỉnh Yên Bái thì có hơn 14 trường tham gia, trong đó có Trường tiểu học Kim Đồng.

Video tiết học theo mô hình trường học mới tại Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái):

Theo mô hình trường tiểu học mới (VNEN), học sinh được tổ chức ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi và tự học. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các ban “Hội đồng tự quản học sinh” do các em bầu ra và đảm nhiệm. Đây là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Học sinh còn có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

Đồng thời, xây dựng không gian lớp học với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, mở nhiều hòm thư vui, hòm thư “Điều em muốn nói” cũng như trang trí lớp học, tạo ra môi trường giáo dục thân thiện, an toàn cho học sinh.

Mô hình VNEN kế thừa những mặt tích cực của mô hình học truyền thống, kết hợp với sự đổi mới về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Một bài học được thiết kế bao gồm những hoạt động như: hoạt động cơ bản, thực hành và ứng dụng. Tùy từng môn học mà tài liệu sẽ có sự thiết kế phù hợp với hoạt động cá nhân, cặp đôi và nhóm từ 3 đến 5 học sinh. Điểm nổi bật ở mô hình là sự đổi mới của quá trình sư phạm với việc học sinh tự tìm hiểu, tiếp cận kiến thức trong mỗi giờ học tại lớp. Mỗi tiết học không tạo áp lực đối với các em. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, nhận thấy ưu điểm của bạn, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện mình.
Với mô hình trường học mới học sinh được chủ động và sáng tạo hơn.

Với mô hình trường học mới học sinh được chủ động và sáng tạo hơn. Vai trò của giáo viên chỉ là định hướng, giúp đỡ khi cần thiết.

Theo đánh giá của nhiều học sinh Trường tiểu học Kim Đồng thì mô hình này rất thú vị, dễ học và dễ hiểu. Là người tham gia triển khai thí điểm, cô Nguyễn Việt Hà - giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng chia sẻ: “Chương trình VNEN rất hay. Đầu tiên là học sinh được chủ động, sáng tạo trong việc học của mình. Các em được hoạt động theo nhóm rất vui vẻ. Giáo viên chỉ tổ chức hướng dẫn các em thực hiện các nội dung của bài học”.

Song để triển khai mô hình trường học mới không phải là dễ dàng, nhất là đối với những vùng khả năng tiếng Việt của học sinh còn hạn chế. Trao đổi với PV Dân trí, bà Đặng Thị Phương Nga - Trưởng phòng giáo dục tiểu học - Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết: “ Khó khăn nhất là nhận thức của giáo viên đang từ thói quen truyền thụ kiến thức một chiều chuyển sang tổ chức các hoạt động lấy học sinh làm trung tâm”.

Cũng theo bà Nga, những trường tiểu học ở vùng cao, vùng dân tộc học sinh còn hạn chế về tiếng Việt, chính vì thế khi triển khai mô hình gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi khắc phục được điều này thì việc áp dụng mô hình lại mang đến một hiệu quả rất cao.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, VNEN là mô hình tổ chức lớp học phù hợp với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hướng tới các mục tiêu đổi mới sư phạm, đổi mới phương pháp dạy và nhấn mạnh đổi mới phương pháp học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Sau thời gian áp dụng thí điểm ở bậc tiểu học, dự án sẽ được xem xét nghiên cứu để nối tiếp ở cấp THCS.

Nguyễn Hùng