Khi giáo viên phải chạy xe ôm, bán hàng rong... mưu sinh

(Dân trí) - Ngoài giờ lên lớp, ngoài vô vàn việc không tên ở trường học, không ít giáo viên phải “bám” vào nghề tay trái để mưu sinh cũng như để "giữ" nghề...

Thầy cô "cậy" nghề tay trái

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, đi dạy cũng xêm xêm từng đó thời gian, thầy Nguyễn Anh Tuấn, một giáo viên dạy Toán ở Nghệ An vẫn miệt mài với việc chạy xe ôm. Hết giờ đứng lớp, họp hành, phong trào ở trường học, thầy Tuấn lại xuất hiện đứng ở cổng chợ trung tâm thị trấn bắt khách.

Lúc mới “vào nghề” thầy còn tránh mặt đồng nghiệp, những phụ huynh, học sinh quen mặt, sau này thì nhờn, ai mà không biết “thầy Tuấn chạy xe ôm”. Cũng chèo kéo, cũng trả giá như mọi bác xe ôm khác.

Nhà thầy có hai cái khổ chặp lại là… cả vợ chồng đều là giáo viên. Bề ngoài nhìn cũng thong dong lắm, chỉ ở trong chăn mới biết. Cảnh nuôi hai con ăn học, bố mẹ già yếu, đồng lương nghề giáo không giúp gia đình thầy lo toan được những nhu cầu tối thiểu.


Đời sống của không ít giáo viên vô cùng chông chênh khi lương thấp. (Ảnh minh họa)

Đời sống của không ít giáo viên vô cùng chông chênh khi lương thấp. (Ảnh minh họa)

Đồng nghiệp của thầy Tuấn, trừ những nhà điều kiện có sẵn còn nữa đều trầy trật làm thêm kiếm sống. Có cô giáo dạy Địa đi bán bánh bèo gánh ở chợ; một giáo viên dạy Sử có mảnh vườn nhỏ trồng rau củ, sáng sớm trước khi đến trường tranh thủ tạt vào chợ ngồi bán rau rồi gửi tạm cái mẹt ở quán quen, đến trưa tạt vào lấy.

Việc thầy Tuấn chạy xe ôm, hay các giáo viên khác làm đủ nghề ngoài chuyên môn kiếm sống chẳng gây hại cho ai. Có chăng, chỉ ảnh hưởng đến nghề nghiệp chính họ đang theo đuổi. Họ phải “xén” thời gian tập trung cho chuyên môn, cho bài giảng hay nói chính xác hơn là “bớt” tâm sức dành cho học trò.

Khi quá mệt mỏi vì những điều tiếng dạy thêm từ dư luận, cô N.T.N., một giáo viên Văn có thâm niên ở TPHCM đóng cửa lớp dạy thêm tại nhà. Nhiều học trò chới với vì trông chờ vào cô rất nhiều để đạt được mục tiêu thi vào trường này, trường nọ. Có em được cô truyền lửa rồi yêu thích môn Văn, trong khi sự hạn hẹp, máy móc trong dạy học ở trên lớp không đủ để các em cảm thụ hết cái hay cái đẹp của Văn học.

Không dạy thêm, cô N. nhận hàng thủ công về làm, túc tắc kiếm thêm tiền để lo cho con ăn học ở thành phố đắt đỏ mà đồng lương của mình cùng với thu nhập bấp bênh của chồng nên trụ không nổi. Vậy mà đời sống vẫn luôn thiếu trước hụt sau.

Mới đầu, cô cũng dặn những học trò thân thiết, các em cứ đến nhà cô trao đổi học hành lúc cô rảnh rỗi. Nhưng cô nói mà không thực hiện được vì hàng loạt việc ở trường học, về nhà thì cắm mặt cúi lưng làm hàng rồi còn soạn bài, hoàn thành đủ thể loại sổ sách còn đâu thời gian.

Chẳng nói ra nhưng thực tế bận làm thêm nên cô N. không có nhiều thời gian tập trung nghiên cứu những tác phẩm hay, tìm ra những cách truyền thụ hấp dẫn hơn cho môn Văn. Nhiều khi cô còn mang những áp lực cuộc sống vào giờ dạy, đổ lên học trò… để rồi cô lại tự dằn vặt bản thân mình.

Thầy cơ cực, trò thiệt!

Với thâm niên gần 30 năm đứng lớp, một chuyên viên đang làm việc tại ngành giáo dục TPHCM nói rằng rất nhiều người thầy đứng lớp đang có mức lương chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng thì họ sẽ làm gì để sống nếu không làm thêm đúng với chuyên môn của mình?

Thế nên, trong nghề giáo với nhau họ biết có nhiều đồng nghiệp phải làm thêm những việc vô cùng cực nhọc như đạp xích lô, chạy xe ôm, bán buôn đủ thứ, tiếp thị bia. Cô từng chứng kiến cô bạn dạy cùng trường cứ mỗi buổi chiều sau mỗi giờ dạy bưng khay sữa chua ra chợ Đa Kao rao bán. Và rồi cũng như bao người bán hàng rong, bị mọi người lắc đầu, xua đuổi…

Hay chính bản thân cô, trước đây cũng đã từng làm hàng chục nghề tay trái để trụ được trên bục giảng. Lúc thì đi giữ xe đạp cho học sinh của trường khác sau giờ dạy, lúc thì bán bánh mì, bán cơm tấm, bán bảo hiểm, tiếp thị bia...

Gánh nặng cơm áo gạo tiền ảnh hưởng lớn đến việc người thầy dốc sức cho nghề, cho học sinh (Ảnh minh họa)
Gánh nặng cơm áo gạo tiền ảnh hưởng lớn đến việc người thầy dốc sức cho nghề, cho học sinh (Ảnh minh họa)

Trong lần chia sẻ về chuyên đề vai trò của người thầy do Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đặt ra câu hỏi: Giáo viên không được kiếm thêm thu nhập bằng nghề, nhà giáo với đồng lương ba cọc ba đồng lại không có người thân trợ cấp thì họ sẽ sống bằng cách nào?

Ông nói, nhiều giáo viên phải tính toán sao để vừa đi dạy vừa ra chợ bán hành tỏi, có người tính đi phục vụ nhà hàng vào buổi tối, ông giáo thì tính chạy xe ôm… Rất nhiều nhà giáo tâm tư hết sức nặng nề bởi lương thấp, nguồn thu nhập hạn hẹp và uy tín bị xúc phạm.

Giáo viên lương thấp, không đủ sống là chuyện… không phải bàn. Đặc biệt đã có lời hứa đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương. Trước thời điểm đó, họ đã không thể sống được bằng lương và đến nay vẫn chưa có những thay đổi tích cực. Giáo viên có lẽ sẽ sống được bằng lương với điều kiện với điều kiện sống tằn tiện một mình, không cha mẹ, con cái.

Mức thu nhập "khiêm tốn" đẩy nhiều nhà giáo rơi vào cảnh cùng cực, bế tắc giữa áp lực đời sống, danh dự cũng như mong muốn dốc tâm huyết cho nghề nghiệp. Khi người thầy không thể dành hết tâm lực cho nghề thì không chỉ họ mà học trò chính là đối tượng thiệt thòi nhất.

Đã sắp về hưu, thầy Tuấn tâm sự, điều hối tiếc nhất của cuộc đời thầy là đã không thể dốc sức, toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp mình theo đuổi. Thầy từng nuôi những ý tưởng đổi mới, sáng tạo cho dạy học, đổi mới trong soạn bài nhưng đêm khuya chở khách về là nằm lịm đi, sáng mai dậy mới vội vã soạn bài đến lớp. Có lúc thầy chợt nghĩ giá như mình nghỉ dạy từ sớm biết đâu lại tốt hơn cho học trò?!

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)