Khi giáo viên mầm non phải... “bỏ nghề chạy lấy người”

(Dân trí) - Thu nhập thấp, công việc áp lực, mất nhiều thời gian cũng như cả sự không ổn định…, không ít giáo viên mầm non đã tìm cách bỏ việc chạy lấy người.

Tiếc vì không nghỉ việc sớm

Đi dạy được gần 3 năm tại một trường mầm non (MN) tư thục ở Bình Tân, TPHCM, mới đây cô giáo N.U.M, quê Đắk Lắk quyết định nghỉ việc sau nhiều lần dùng dằng. Với mức lương ban đầu chỉ 2 triệu đồng, sau này tăng lên được trên 3 triệu, cô M. cho biết công việc phải làm từ 6 giờ sáng đến gần 6 giờ tối, gần như không có thời gian để nghỉ ngơi. Những áp lực trong công việc,từ trẻ, phụ huynh… cũng làm cô mỏi mệt.

Chưa kể, dạy ở tư thục, cô M. không được nghỉ thứ 7, hè không nghỉ và cũng cũng không được đóng bảo hiểm, phía chủ trường hứa lần này đến lần khác. Cô nghỉ việc chẳng có gì luyến tiếc, chỉ vấn vương những đứa trẻ. Giờ cô M. đang bán mỹ phẩm trên mạng cùng với bạn bè.

Giáo viên mầm non rất dễ... bất ngờ bỏ việc
Giáo viên mầm non rất dễ... bất ngờ bỏ việc (Ảnh minh hoạ)

Cô M. cũng cho biết: “Một số đồng nghiệp và một số bạn học của tôi cũng nghỉ việc hoặc họ chỉ bám trụ tạm thời. Nhất là các GV trẻ thì không nhiều người tính đi dạy lâu dài dù có bằng cấp, được đào tạo. Có cô nghỉ rồi mới tiếc nuối là sao không nghỉ sớm hơn”.

Chẳng cần thêm những những tác động khách quan to tát bên ngoài, chỉ riêng “nội lực” nặng nề của của công việc đang phải gánh, đã dễ dàng tác động đến quyết định nghỉ việc của GVMN. Đặc biệt là đội ngũ dạy học ở các trường MN tư thục, thiếu ổn định, thu thấp thấp… nên tình trạng GV bất ngờ “biến mất” càng nhiều.

“Có cô về quê thăm nhà, lấy chồng… rồi một đi không trở lại luôn hoặc nghỉ không ai biết lý do. Đây cũng là tình trạng chung của các trường tư, GV biến động, thay đổi liên tục. Có lẽ chẳng ai bỏ nghề đơn giản như GVMN bởi… thật ra có gì để níu chân họ đâu?”, hiệu trưởng một trường MN tư thục ở Q.7 nói.

Tình trạng GV nghỉ việc diễn ra nhiều ở các trường tư thục, đội ngũ GV ở tỉnh, không hộ khẩu, chủ yếu ở trọ… cuộc sống bấp bênh. Tuy nhiên, ngay các trường công lập cũng không thiếu GV mầm non nghỉ việc. Có nhiều cô giáo vừa nhận nhiệm sở một hai hôm đã… biệt tăm biệt tích.

GV nghỉ việc, thêm việc tuyển dụng khó khăn đã đẩy ngành giáo dục MN ở TPHCM và nhiều tỉnh thành khác “mắc bệnh” trầm kha là thiếu GV.

Trong đợt giám sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM về ngành học MN mới đây ghi nhận có tình trạng ở nhiều trường MN tư thục, GV nghỉ việc hoặc người mới vào nhưng không thấy trường báo cáo với Phòng. Theo các trường, GV biến động đến mức không kịp báo cáo. Có cô vừa vào dạy một, hai hôm, đang làm báo cáo thì đã nghỉ. Rồi GV có trong danh sách nhưng thực tế thì đã nghỉ việc.

Nghề khó giữ người giỏi

Ông Đào Việt Cường, giảng viên Khoa GDMN, ĐH Sài Gòn cho biết, sinh viên ngành học MN ra trường nhưng bỏ nghề không hề ít. Đặc biệt, ông theo dõi những GV giỏi là thủ khoa, á khoa các năm thì ghi nhận hầu hết các em chỉ theo nghề 1 – 2 năm rồi bỏ, tìm công việc khác. Việc chảy máu chất xám khỏi ngành học MN diễn ra rất nhiều và đáng ngại ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của bậc học.

Giữ chân người giỏi ở bậc học MN phải nói là một thử thách đối với ngành học MN bởi thực tế một thực tế là đến người chưa giỏi cũng đã rất khó giữa chân, hoặc chỉ giữ được một cách tạm thời.

Công việc của giáo viên mầm non đang rất thiếu các động lực để giữ chân người thầy
Công việc của giáo viên mầm non đang rất thiếu các động lực để giữ chân người thầy.

Một GV ở Q.5 đã nghỉ việc tâm sự, đội ngũ GVMN bám trụ với ngành có thể chia thành các nhóm rất đặc trưng. Một là nhóm những người thật sự yêu nghề, hai là những người yếu kém không có khả năng kiếm việc khác nên chấp nhận theo nghề vì mưu sinh và ba là những người đang chờ cơ hội để nhảy việc. Trong đó, đáng tiếc nhất là nhiều nhà giáo giỏi, yêu nghề không trụ nổi với công việc, thu nhập vẫn bị “rơi rụng”.

Thật xót xa khi phải nói rằng, nhiều GVMN nghỉ việc như một cách “chạy lấy người”. Sự vất vả, phức tạp công việc nào cũng có, không riêng gì ngành học mầm non. Nhưng đổi lại sự vất vả, ai cũng mong chờ những thành quả, những trái ngọt để làm động lực.

Riêng GVMN, người thầy phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong công việc, đánh đổi nhiều thời gian, công sức… nhưng họ lấy gì để làm động lực khi thu nhập thấp, công việc ít cơ hội thăng tiến, nhìn nhận của xã hội về nghề còn hạn chế? Chẳng lẽ chúng ta cứ vin mãi vào lòng yêu nghề, yêu trẻ để choàng lên vai các cô thêm gánh nặng khi công việc đã lắm áp lực lại không giúp họ đủ sống?

Hoài Nam