Khi con trẻ mắc lỗi “nhạy cảm”, người lớn cần xử sự thế nào?

(Dân trí) - Một bé trai mầm non kéo váy bạn gái, một nam sinh cầm điện thoại quay nhà vệ sinh nữ... Rất nhiều tình huống con trẻ mắc lỗi "nhạy cảm" mà nếu người lớn lúng túng có thể đẩy sự việc đi xa hơn.

Con xem phim sex, bị gọi "bệnh hoạn"

Trong một chương trình tư vấn về giới tính tại TPHCM, một phụ huynh có con 5 tuổi, học mầm non, lí nhỉ kể, vài phụ huynh trong lớp con mình phản đối cháu học chung, vì vài lần cháu kéo quần khoe... của quý.  

Khi con trẻ mắc lỗi “nhạy cảm”, người lớn cần xử sự thế nào? - 1

Nhiều vấn đề của con trẻ, người lớn phải giữ được tỉnh táo khi xử lý (Ảnh minh họa)

Chị mang nỗi xấu hổ về nhà, lôi con ra đánh một trận, bao nhiêu bực dọc chị trút hết bằng những ngôn từ khó nghe, gọi cháu là thứ này thứ nọ.

Trước đó, vợ chồng chị cũng đã nhắc nhở, đánh mắng nhưng chưa cải thiện được bao nhiêu. Chưa kể, bây giờ, nhiều người còn gọi con chị với thói quen này, chị không biết phải ứng xử thế nào. 

Hay trường hợp khác, bố mẹ phát hiện con gái lớp 7 xem phim "người lớn", còn gửi link cho các bạn. Người mẹ ngay lúc đó ném điện thoại của con vỡ nát, lao vào nắm tóc, nắm áo mắng con là mới nứt mắt đã đú đởn, thứ con... bệnh hoạn. 

Sau đó, khi có cơ hội là mà nhắc lại "tội" của con. Con cầm điện thoại, bà nói "lại mò những thứ bẩn thỉu", con đi với bạn bè cũng bị lôi "bí mật" ra để nhắc nhở. 

Mãi sau này, khi cô con gái có rất nhiều phản ứng tiêu cực như không nói chuyện với mẹ, hay bỏ nhà đi với bạn, người mẹ mới hoảng hốt... Khi bà nhận ra mình đẩy con xa mình, muốn hàn gắn thì không hề dễ dàng. 

Ít phụ huynh nghĩ đến việc, con đến trường, một ngày mình được gọi lên không phải là việc không làm bài tập, đi học muộn, trốn tiết, chửi thề, đánh bạn... mà có thể là là những lỗi "người lớn" liên quan đến các vấn đề tế nhị như xem phim sex, lén quay clip nơi riêng tư, hay có quan hệ tình dục sớm. 

Hay mới đây là trường hợp bé trai mầm non vén váy bạn gái trong giờ nghỉ trưa, một học sinh tại TPHCM quay lén bạn gái khi đi vệ sinh. 

Chỉ hành vi sai, bảo vệ nhân phẩm cho trẻ 

Liên quan đến sự việc, nam sinh lớp 12 tại trường có hành vi quay lén phòng vệ sinh bạn gái, cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM cho biết, việc xử lý một vấn đề của học trò, nhất là trong những sự việc nhạy cảm, đòi hỏi phải vừa hợp lý, hợp tình và phải xét cả yếu tố tâm lý, lứa tuổi của các em.  

Trong sự việc này, trường xử lý kỷ luật cân nhắc cả hành vi, nhận thức, quá trình học tập, rèn luyện của em và đi đến quyết định xếp loại hạnh kiểm yếu. Nhưng đồng thời, cũng có lộ trình, từ giờ đến cuối xem xét quá trình của học sinh, nếu em tiến bộ sẽ xét lại.

Khi con trẻ mắc lỗi “nhạy cảm”, người lớn cần xử sự thế nào? - 2

Học trò tại TPHCM trong một chuyên đề về giáo dục giới tính 

Ngoài vấn đề kỷ luật, cô Chương cho biết, sau sự việc này, em học sinh chịu áp lực rất lớn khi bạn bè kỳ thị. Nhà trường phải làm việc với cả hai học sinh để ổn định tâm lý cho các em.

Với bạn trai, ngoài phân tích cho em hiểu hành vi đó là không được phép ở bất cứ hoàn cảnh nào, thầy cô cũng động viên em rằng ai cũng có thể sai lầm, mình cần mạnh mẽ để vượt qua. 

Ngoài ra, nhà trường cũng trao đổi với phụ huynh của em, để có cách hỗ trợ con. Cần giúp con nhận ra hành vi sai chứ không xúc phạm nhân phẩm của con. Tuổi này, các em rất phức tạp, nếu không khéo sẽ đẩy các em xa hơn hoặc có thể có hành động dại dột. 

Một chuyên gia tâm lý tại TPHCM bày tỏ, người lớn lúng túng trước các tình huống "tế nhị" của con trẻ một phần do chúng ta thường né tránh, thiếu kiến thức về giáo dục giới tính, giáo dục tình dục cho con trẻ.

Nhiều người cho đó là những điều bậy bạ, không muốn đề cập, không muốn dạy dỗ... nên con trẻ tò mò, thiếu kiến thức, càng dễ có các hành vi dại dột. 

Trước những sự cố, nhiều người "sốc", phản ứng thái quá. Trong khi, việc đứa trẻ nảy sinh vấn đề chính là cơ hội để người lớn nhìn lại sự thiếu hụt trong giáo dục để tiếp cận, hỗ trợ con.

Theo chuyên gia tâm lý này, trong mọi tình huống, vấn đề liên quan đến giới tính, bố mẹ cần giúp trẻ nhận ra hành vi sai dựa trên những giá trị đạo đức nhưng luôn phải bảo vệ nhân phẩm của con. 

Sau khi phân tích sự việc thì gác lại, không đưa lỗi của con ra để đùa giỡn hay nhắc lại như một "vết nhơ", không gán cho con với một biệt danh nào đó tiêu cực. Tuyệt đối, đừng để con mang mặc cảm mình là đồ "bỏ đi". Con trẻ cần có niềm tin vào giá trị bản thân để sửa sai, để hướng đến những điều tốt đẹp. 

Hoài Nam