Bạn đọc viết:

Khi “con cá” bị ép “leo cây”

(Dân trí) - Đọc bài viết “Còn bao đứa trẻ phải chịu áp lực về điểm số?” của tác giả Loát Trần trên báo Dân trí, tôi rất thương cảm cho cô bé học cấp ba phải rơi vào cảnh trầm cảm vì áp lực học hành. Và cả người mẹ yêu thương con theo cách hy sinh tất cả cũng như đặt kỳ vọng quá cao cho con cái, chị cũng rất đáng thương…

Cách một người mẹ yêu con như chị gái tác giả Loát Trần không phải hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Với những người mẹ này, yêu con là hy sinh thời gian, sức khỏe, tâm trí và làm tất tần tật thay con mọi thứ. Bù lại, con trẻ phải gánh một và duy nhất trọng trách lớn trên vai: Học, học và học… giỏi.

Câu hỏi “Còn bao đứa trẻ phải chịu áp lực về điểm số?” ấy hẳn là không có câu trả lời chính xác. Nhưng con số ấy chắc chắn không nhỏ và ngày càng gia tăng theo những kỳ vọng ngày càng lớn của phụ huynh!

Xung quanh tôi là những người bố người mẹ ép con phải học, phải đạt thành tích cao ở mọi cấp. Bọn trẻ mầm non quanh tôi đang học như bão táp, từ học chữ, học trước chương trình lớp 1 đến học năng khiếu đàn, hát, múa, vẽ… Bọn trẻ mới lớp 1, lớp 2 cũng ngày học ở trường hai buổi, tối “cày” ở lớp học thêm. Bọn trẻ lớp cao hơn thì đua nhau học thêm các môn với thời khóa biểu dày đặc đến phát khiếp.

Mùa thi đến, nhiều nhà chong đèn đến tận khuya, bố mẹ cùng ôn bài với con cái, dò bài thuộc lòng như cháo vẫn chưa yên tâm. Con vào phòng thi căn dặn đủ điều, con ra khỏi phòng thi căn vặn đủ thứ, rồi ngày báo điểm mới cực kỳ căng thẳng. Có khi là nụ cười hỉ hả, có khi là tiếng nạt nộ chờ đợi bọn trẻ mà hầu như người lớn quên mất rằng con trẻ đã cố gắng hết sức.

Mỗi khi người thân góp ý, khuyên nhủ về việc cởi trói áp lực cho con trẻ, bao giờ những phụ huynh quay cuồng với chuyện học của con cái ấy cũng bảo thủ, khăng khăng giữ vững quan điểm, chính kiến của mình. Nào là không học chữ trước khi vào lớp 1 sẽ là “vịt lạc đàn”, nào là không học thêm sẽ bị không chạy kịp bạn bè, nào là thời buổi này không “bỏ túi” một vài năng khiếu đàn, hát, nhảy sẽ ngơ ngơ vào đời…

Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ còn lấy thành tích của con cái làm “vật trang trí” cho lòng tự hào và sự hãnh diện của bản thân. Cứ mỗi mùa thi là một mùa rộn ràng khoe bảng điểm, giấy khen, phần thưởng trên mạng xã hội. Khi nhà nhà, người người cùng khoe thành tích, không ít đứa trẻ đã ngậm ngùi vì không bằng “con nhà người ta”.

Trường chuyên, lớp chọn vẫn là câu chuyện muôn thuở trong nhiều gia đình. Không ít bố mẹ sớm chọn đích đến cho con mặc dù năng lực của đứa trẻ có hạn khiến bọn trẻ gia tăng áp lực ôn luyện, thi thố. Và biết bao đứa trẻ sau khi miệt mài đua vào trường điểm, lớp điểm đã phải buông xuôi bởi không chịu được áp lực trong cuộc đua thành tích, điểm số giữa một tập thể toàn “gạo trên sàn”.

Ép con phải đạt thành tích cao trong khi năng lực có hạn, buộc con phải tuyệt đối về điểm số trong mấy môn học không phải sở trường… Đó chẳng khác gì chúng ta đang ép “con cá” phải “leo cây”! Điều đó đúng hay sai? Có lẽ câu hỏi đã có sẵn đáp án.

Buồn bã, thất vọng về bản thân chỉ mới là nấc thang đầu tiên khi con trẻ chưa đạt kỳ vọng mà bố mẹ mong muốn. Con sẽ mất dần phương hướng, không tìm thấy điểm tựa, cảm giác mình là người thừa và muốn trốn chạy vào thế giới riêng… Điều đó thật sự đáng sợ!

Trầm cảm vì áp lực học hành không còn là câu chuyện hiếm gặp ở Việt Nam. Những ánh mắt vô hồn trong bệnh viện, những cái chết trẻ tức tưởi dội đến khiến lòng người quặn đau… Nhưng căn bệnh này vẫn chưa đủ sức đánh động và thức tỉnh phụ huynh mê thành tích ư?

Hy vọng câu chuyện của người mẹ trong bài viết của tác giả Loát Trần một lần nữa khiến ai đó giật mình vì những áp lực vô tình dồn dập lên vai con. Đừng để đến lúc chúng ta rơi vào cảnh “chỉ cần con là người bình thường hạnh phúc thôi” như thế!

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!