“Khi cha mẹ cãi, đánh nhau, con chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc”

(Dân trí) - Nhiều đứa con khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau, đánh nhau..., các em rơi vào cảm giác bất lực, chán nản. Có em chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc hay nghĩ đến cái chết!

"Thầy ơi, con muốn chết!"

 Một giáo viên ở quận 3, TPHCM kể, có một buổi tối, thầy nhận được tin nhắn từ cậu học trò: "Thầy ơi, con muốn chết! Con đang ở ban công tầng 12!". Sau vài tin nhắn hỏi han, thầy lật đật chạy qua gặp em. 

Khi thầy đến, em đang ngồi với chai, ly rượu ở ban công chung cư. Em kể, chiều nay ba mẹ em lại cãi nhau, đánh nhau. Ba bỏ đi, mẹ đi mua sắm cho bớt... chán đời, để lại đứa con tuổi mới lớn chỏng chơ với cảm giác trống rỗng.

“Khi cha mẹ cãi, đánh nhau, con chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc” - 1

Học trò ở TPHCM tham gia chuyên đề tư vấn tâm lý tại trường học (Ảnh minh họa)

Lúc đó, em hỏi về chuyện cãi nhau của ba mẹ thì nghe mẹ mắng: "Con quan tâm làm gì, việc của con là học!". 

Nhưng em học bằng cách nào khi hoảng loạn chứng kiến ba lao vào tát mẹ, mẹ gào lên cào cấu lại. Chuyện diễn ra thường xuyên nhưng em không thể nào quen. Về nhà là em nặng nề, chán nản. 

Thầy ngồi nói chuyện với em, giúp em vượt qua suy nghĩ tiêu cực đêm đó. Nhưng chỉ hôm đó thôi, còn hôm sau, hôm sau nữa... thầy không dám nói. Thầy gọi điện, nhắn tin cảnh báo bố mẹ em về tình trạng của con nhưng không nhận được phản hồi. 

Trong lần chia sẻ với phụ huynh ở TPHCM, TS Trần Văn Hùng (cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ) kể, nỗi sợ hãi lớn nhất của nhiều học trò là chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, đánh nhau. 

"Bố mẹ biết không, khi chúng ta đang đôi co, cãi nhau ai hơn ai thì con vào nhà vệ sinh, xả nước thật to rồi khóc nức nở ở trong. Có em nói, chỉ muốn chết quách đi thôi", ông Hùng nói thay cho tiếng kêu cứu của trẻ. 

“Khi cha mẹ cãi, đánh nhau, con chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc” - 2

Thời gian qua, nhiều clip về những vụ bạo hành gia đình, chồng đánh vợ một cách thản nhiên ngay trước mặt những đứa con.

Đó là clip ghi lại một nhân viên kho bạc ở Bắc Kạn lao vào tát vợ liên tục khi chị đang bế con nhỏ, còn cậu con trai lớn tầm 5 - 6 tuổi ngồi cạnh nhìn ngơ ngác. Rồi "võ sư" ở Hà Nội đánh đấm vợ khi chị đang bế con nhỏ trên tay. Hay người chồng ở Tây Ninh đánh vợ tàn nhẫn, nhấn đầu vợ dưới hồ bơi ngay cạnh tiếng gào khóc của những đứa con nhỏ. 

Đó chỉ là những vụ việc được phơi bày ra trước dư luận. Còn biết bao trận cãi vã, bạo hành giữa ba mẹ diễn ra trong những bốn bức tường mà ở đó, những đứa con nhìn, nghe, khóc không chỉ bằng mắt, bằng tai mà bằng cả trái tim thương tổn. 

Nhiều di chứng lên trẻ 

Cãi nhau trước mặt con là điều tối kỵ. Thế nhưng, cha mẹ  - những người luôn nói dành những điều tốt đẹp nhất cho con - nhiều người lại thường xuyên "tra tấn" con bằng những trận cãi vả, ẩu đả người bạn đời. 

Không ít đứa trẻ hành hạ thân thể, cắt tay chân, hay tự vẫn... xuất phát từ những mâu thuẫn trong gia đình, nhất là khi các em chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, đánh đập nhau. 

“Khi cha mẹ cãi, đánh nhau, con chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc” - 3

Cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie, quận 3, TPHCM cho biết, nhiều người nghĩ rằng, học trò thường chỉ trục trặc về yêu đương, bạn bè này nọ. Nhưng vấn đề làm các em khủng hoảng nhất chính là những bất ổn trong gia đình, mối quan hệ của cha mẹ.

Nói về bạo hành gia đình tác động đến con trẻ trong cuốn sách "Dạy con trong hoang mang", TS Lê Nguyên Phương, kể về nhân vật đã 80 tuổi vẫn còn ám ảnh về những tháng ngày buồn thảm khi tuổi thơ thường xuyên chứng kiến ba mẹ cãi nhau, đánh nhau. 

Với trẻ phải chứng kiến cảnh cãi vã, bạo hành sẽ gặp chứng âu lo, sợ hãi, nỗi bất an bủa vây. Có thể chúng còn tự trách không biết mình đã làm gì để bố mẹ đối xử với nhau như vậy, hay là oán hận cả mẹ không biết tại sao mẹ lại làm cha nổi giận. 

"Trẻ chứng kiến bạo lực gia đình không chỉ là những lằn roi quất vụt làm bật máu tâm hồn mà còn để lại dấu hằn lên hành vi của chúng. Thường trẻ trai sẽ bắt đầu đập phá, bướng bỉnh, sa sút trong học tập, gây hấn với bạn bè. Trẻ gái thường tách biệt mình với xã hội, có thể tự làm đau mình... Cả hai giới có thể trở nên bạc nhược, không dám khẳng định mình", TS Lê Nguyên Phương

Trẻ dễ rơi vào cảm giác tuyệt vọng, bất lực và còn phải chống chọi với sự cô độc. Cô độc khi phải cố giấu giếm mọi người và cô độc từ chính sự lãng quên, ruồng rẫy và hắt hủi của cha mẹ khi họ đang trong cơn bực bội, cuồng nộ hay là đau đớn, tủi khổ...

"Ảnh hưởng lên não bộ của trẻ bị bủa vây trong bạo lực gia đình không khác gì cựu chiến binh bị chấn thương qua lửa đạn. Chúng già trước tuổi, không chỉ trong tâm lý mà trong cả DNA. Và có thể chúng sẽ tìm đến ma túy, rượu bia và cả cái chết trường khi kịp già", ông Phương cảnh báo. 

“Khi cha mẹ cãi, đánh nhau, con chỉ biết vào nhà vệ sinh khóc” - 4

Một bác sĩ tâm lý ở TPHCM chia sẻ, chúng ta hay nói trẻ hiện nay yếu đuối, có nhiều hành vi tiêu cực như tham gia bạo lực học đường, làm đau bản thân hay tự vẫn vì những chuyện nhỏ nhặt như thất tình, bị cha mẹ xem điện thoại, đọc nhật ký, điểm thấp.

Thế nhưng, đó chỉ là biểu hiện bề ngoài. Bên trong là sự đổ vỡ trong con người các em khi các em không tìm thấy được sự bình yên, không thấy mình được yêu thương ngay trong gia đình, từ chính bố mẹ mình.

Hoài Nam