Khi bố mẹ "bất lực" trước con trẻ

(Dân trí) - Chị Hiền vừa đặt chân vào phòng con gái để đưa con ly nước cam thì cháu từ trong bước ra, nói cộc lốc “Con đang học” rồi đóng cửa cái cộp. Người mẹ đau nhói trước hành động ngang nhiên “đuổi mẹ” của cô con gái học lớp 7...

“Tôi mất một đứa con rồi!”

Gần hai năm nay, chị Phan Thu Hiền (ngụ quận 6, TPHCM) chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của cô con gái 13 tuổi. Cháu lầm lỳ, ít nói chuyện, né tránh bố mẹ, vợ chồng chị nhắc nhở hay dặn dò gì là cháu tỏ ra rất khó chịu từ lầm bầm cho đến lớn tiếng phản ứng lại.

Như trước đây, việc gì chị nhắc nhở cháu đều thực hiện. Còn giờ, chị lên tiếng là cháu vùng vằng khó chịu. Có lần cháu cãi lại, hỗn quá, chị giang tay tát con một cái. “Từ hôm đó nó không nói chuyện với tôi dù tôi làm cách nào đi nữa. Đụng mặt là cháu câng câng, nhiều khi mẹ hỏi cháu không thèm trả lời, coi như không có sự tồn tại của mẹ”, chị nói.

Rồi chị kể về tình huống mình bị con “hất” ra khỏi phòng bằng cách đóng rầm cánh cửa ngay trước mặt với sự hụt hẫng, tổn thương tột cùng.


Nhiều bạn trẻ nổi loạn làm bố mẹ khủng hoảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Nhiều bạn trẻ nổi loạn làm bố mẹ khủng hoảng (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Chị Trần Ngọc Bích, ngụ ở quận Gò Vấp, TPHCM cũng mệt mỏi trước sự “nổi loạn” của cô con gái 14 tuổi. Từ những thay đổi nho nhỏ, chị thấy con ngày càng khó gần, khó nói chuyện với bố mẹ. Trong khi chị biết con ra ngoài rất lởi xởi, có rất nhiều mối quan hệ với cả những người lạ, những người chỉ biết trên mạng. Cháu cũng có những biểu hiện thích chưng diện, đua đòi, có nhiều mối quan hệ mập mờ dấu bố mẹ.

Chị điên lắm khi mọi lời nói, ý kiến của mình con tỉnh bơ hoặc “độp” lại. Những lúc bực quá, chị mắng thì cháu kênh kênh cái mặt rồi có lúc khi chị đang nói thì cháu hát ầm ĩ lên “vứt” tất cả lời mẹ ngoài tai.

“Tôi giờ chỉ còn đứa con trai đang học lớp 4, còn đứa con gái tôi bất lực với nó, coi như mất một đứa con”, chị Bích nghẹn ngào.

Tình cảnh như chị Hiền, chị Bích cũng là điều mà rất nhiều ông bố bà mẹ gặp phải khi con bước vào tuổi lớn. Họ mệt mỏi, lo lắng khi thấy đứa con trước đây ngoan ngoãn, nghe lời bỗng nhiên trở nên ương bướng, cãi lại, vô tổ chức trong sinh hoạt, bất hợp tác với bố mẹ.

Mối quan hệ cha mẹ con cái không duy trì được như trước. Nhiều phụ huynh khủng hoảng khi dùng mọi cách mà không “quản” nổi con, ngọt ngào thì sợ con nhờn, con hư; quát mắng hay đòn roi thì sợ con càng đối đầu.

Bất lực dễ dẫn đến buông xuôi

Làm đủ cách với con không được, nhiều bố mẹ “buông tay” thể hiện sự đầu hàng trước con. Thậm chí, không ít người buông xuôi trong việc dạy con cái vì cho rằng mình đã làm hết mọi phương án với con nhưng vô hiệu.

Tại chương trình về tâm lý vị thành niên diễn ra tại Trường THCS – THPT Ngôi Sao, Tân Bình, TPHCM, nhiều phụ huynh đã không kìm được nước mắt khi bày tỏ sự bất lực của mình trước con cái trong độ tuổi THCS. Con không nghe lời, chống đối và thay đổi nhiều trong lối sống, hành vi làm bố mẹ lo lắng nhưng họ không can thiệp nổi.

Phụ huynh cần học cách làm bạn với con (Trong ảnh: Phụ huynh cùng con tham gia một chương trình ngoại khóa)
Phụ huynh cần học cách làm bạn với con (Trong ảnh: Phụ huynh cùng con tham gia một chương trình ngoại khóa)

Hầu hết, có hai cách ứng xử của phụ huynh đối với con mới lớn. Một số đầu hàng trước con, con thích làm gì thì làm, bố mẹ không can thiệp nổi. Còn nhiều phụ huynh dùng biện pháp siết chặt, nghiêm khắc hơn để “quản” con nhưng họ cũng thừa nhận có chăng con chỉ chấp hành trước mắt bố mẹ, còn thật ra vẫn có đủ cách chống đối mà bố mẹ không tài nào kiểm soát nổi.

TS Nguyễn Thị Bích Hồng (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay, con và cha mẹ có khoảng cách là chuyện muôn thuở, khoảng cách này trước đây còn xa hơn. Trước hết là do chênh lệch tuổi tác và hiện nay cha mẹ và con cái còn xuất hiện thêm sự xung khắc giữa các giá trị sống đang có nhiều thay đổi. Trẻ tiếp cận và có xu hướng ủng hộ với những giá trị mới còn người lớn lại tìm cách níu kéo những giá trị cũ.

Cha mẹ thường thiếu tin tưởng con dẫn đến sự áp đặt. Lúc nào cũng cho là mình đúng, muốn tốt cho con, muốn con phải nghe theo mình. Ngoài ra hiện nay, phụ huynh cũng lúng túng trong việc định hướng giá trị cho con.

Sự thay đổi của con trẻ độ tuổi mới lớn là dấu hiệu phát triển hoàn toàn bình thường, các em cần bứt phá để dần khẳng định sự tự lập, trưởng thành. Có chăng, nhiều phụ huynh “sốc”, lúng túng là do họ không được chuẩn bị tâm lý, thiếu kiến thức, kỹ năng để đồng hành cùng con ở độ tuổi được xem là nhạy cảm này.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, phụ huynh tỏ thái độ bất lực, cho rằng không mất con… là điều hết sức nguy hiểm, đó là cách mất con nhanh nhất. Phụ huynh cần nắm được tâm lý lứa tuổi, tế nhị, nếu phụ huynh ứng xử, can thiệp thô bạo có thể đẩy khoảng cách với con càng xa và khi bị sứt mẻ thì rất khó hàn gắn, có thể để lại hậu quả dai dẳng về sau.

Anh Phan Thanh Hổ (Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam) chia sẻ những khúc mắc, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái đôi lúc không có gì. Chỉ cần hai bên gần nhau hơn một chút, thông cảm với nhau hơn một chút vấn đề được giải quyết rất nhẹ nhàng.

Theo TS Bích Hồng, hiện nay khi xã hội phát triển chóng mặt, nhiều bố mẹ lao vào công việc, các mối quan hệ bên ngoài mà lơi là trách nhiệm làm cha, làm mẹ của mình. Thiếu thời gian cho con nhưng họ lại có tâm lý kỳ vọng cao, bệnh thành tích đặt nặng nề lên vai con sẽ càng đẩy đứa trẻ xa bố mẹ hơn.

Quan trọng nhất là bố mẹ cần chăm chút cho việc tổ chức cuộc sống gia đình để gắn kết các thành viên, để việc chia sẻ, trò chuyện giữa cha mẹ và con là một sinh hoạt, thói quen hàng ngày.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)