Khâm phục chàng trai không chân vào đại học

(Dân trí) - Nhiễm chất độc da cam từ bố, Lê Văn Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Vượt qua bao khó khăn, Chiến nỗ lực học tập và trở thành sinh viên đại học. Hiện Chiến học năm thứ 2 chuyên ngành Kế toán Trường ĐH Đại Nam.

Thời gian qua, câu chuyện về em Lê Văn Chiến - người đầu tiên ở làng trẻ Hòa Bình (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đỗ đại học đã khiến nhiều người phải khâm phục.

“Làng trẻ cho em cuộc sống mới”

Chúng tôi gặp Lê Văn Chiến trong buổi chiều khi em vừa tan giờ học. Em ấn tượng bởi trong những bước đi xiêu vẹo khó khăn là nụ cười rạng rỡ. Khuôn mặt lấm tấm những giọt mồ hôi cho dù đang trong tiết trời thu se lạnh đủ để tôi biết em mệt lắm sau cả ngày học tập trên trường. Tuy vậy, nhưng khi được hỏi về cuộc sống ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến phấn khởi khoe: “Đây là ngôi nhà mà em đã gắn bó suốt 14 năm qua và em thấy mình may mắn vì đã được ở đây”.

Sinh ra do nhiễm chất độc da cam từ bố - một người lính đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Ninh, Chiến không may mắn có được đôi chân bình thường như bao đứa trẻ khác. Trong kí ức của chàng trai trẻ này, ngày còn nhỏ em hoàn toàn phải di chuyển bằng cách “bò ra đất” bởi không có chân để đứng. Ngày Chiến học lớp 1, lớp 2, những hôm bố mẹ đi vắng phải ở nhà một mình ,em vẫn miệt mài bò đến lớp trong tư thế cặp sách ngậm vào miệng. Và rồi như một cơ duyên em đến với làng trẻ Hòa Bình sau một chương trình Bắc Giang đã ghi lại hình ảnh cậu bé ham học ngày ngày “bò” đến trường.  

Từ ngày được sống ở Làng trẻ Hòa Bình, cậu bé kém may mắn như được mở ra một trang mới.
Từ ngày được sống ở Làng trẻ Hòa Bình, cậu bé kém may mắn như được mở ra một trang mới. Sinh ra không có chân, Chiến phải di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn và sau đó em được tài trợ lắp chân giả.

 Ngày đó mới 8 tuổi, Chiến nhớ lại: “Hồi được các cô trên làng trẻ đón về em còn bé lắm nên suốt ngày khóc vì nhớ nhà. Lần đầu tiên bố mẹ đã ở đây với em 1 tuần để em quen dần với ngôi nhà mới rồi bố về gửi em lại cho các cô. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ lúc bố về em đã khóc thét lên rồi cứ lăn chiếc xe bám chặt lấy chân bố làm bố em cũng khóc. Thương em, các cô trong làng ai cũng dỗ dành và quan tâm chăm sóc nên dần dần em cũng quen và không khóc nhiều nữa, em bắt đầu hòa nhập với cuộc sống ở đây từ khi đó”.

Do không có chân và di chuyển hoàn toàn bằng xe lăn nên việc vệ sinh cá nhân với Chiến là điều hết sức khó khăn. Nhớ lại quãng thời gian đó, em cười: “Ngày còn ở nhà em được mẹ tắm cho nên ban đầu lên đây không biết phải làm như thế nào nữa. Sau đó các cô và anh chị lớn tuổi hơn hướng dẫn và chỉ cho cách làm em vẫn loay hoay và không làm được. Những thao tác như di chuyển xe lăn vào nhà tắm, cách pha nước ấm… với em khó khăn lắm nên mãi một thời gian dài sau này mới quen được. Các công việc khác như mắc màn đi ngủ hay lấy đồ trên cao thì các anh chị làm hết cho em vì em không thể với lên được”.

Từ những công việc nho nhỏ ban đầu, Chiến tập làm quen và thành thạo dần. Niềm vui đến với em bất ngờ hơn khi được một tổ chức phi chính phủ giúp lắp đôi chân giả. Lần đầu tiên được đứng lên và đi lại bằng chân, Chiến khóc òa trong niềm hạnh phúc. Một cuộc sống mới mở ra với em mà có trong mơ Chiến cũng không bao giờ dám nghĩ đến.

Đam mê CNTT

Công nghệ thông tin (CNTT) đối với Chiến như một cục nam châm có sức hút kì lạ khiến em mê mẩn ngày từ khi nhìn thấy. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy tính là khi em được lên Làng học và tỏ rất ra thích thú. Những ngày đầu tiên được các thầy cô dạy đánh văn bản Word rồi học đến Excel, Powerpoint… em thấy “lạ” và “hay lắm” nên dần dần tự mầy mò và học thêm. Càng học, Chiến càng say mê hơn và mơ ước sau này được làm việc với chiếc máy tính “thông minh” này.

Năm 2011, Chiến tham cuộc thi Thách thức CNTT với trẻ em khuyết tật và đã giành giải Nhất về phần thiết kế và trình chiếu Powerpoint. Giải thưởng như một động lực khiến em càng muốn cố gắng và phấn đấu hơn trong lĩnh vực này. Sắp tới, Chiến sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi này nhưng sẽ được tổ chức tại Hà Quốc nên em đang gấp rút chuẩn bị mọi thủ tục để đi. Em chia sẻ sẽ cố gắng hết sức đạt thành tích cao nhất để không phụ lòng các thầy cô giáo ở Làng đã dạy dỗ và chăm sóc. 

Hàng ngày ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến vẫn miệt mài tìm hiểu về CNTT.
Hàng ngày ở làng trẻ Hòa Bình, Chiến vẫn miệt mài tìm hiểu về CNTT.
 
Kể chuyện về việc lựa chọn thi và học chuyên ngành Kế toán, Chiến cho hay: “Ban đầu em cũng thích các công việc như Kinh tế, Ngân hàng hoặc liên quan nhiều đến ứng dụng CNTT, tuy nhiên bố mẹ và các thầy cô giáo cũng phân tích và khuyên em nên học Kế toán. Bản thân em hiện đã có thể đi lại bình thường tuy nhiên cũng rất khó khăn nên chọn công việc ít phải di chuyển mà vẫn tiếp cận được Internet hàng ngày”. Mong muốn của Chiến sau này ra trường được làm kế toán nhưng sẽ ứng dụng những phần mềm mới nhất và hiện đại để hiệu quả công việc cao hơn.
 
Chiến tâm sự: học Văn cho em thêm yêu cuộc sống.
Chiến tâm sự: học Văn cho em thêm yêu cuộc sống.
 

Không chỉ đam mê về CNTT, chàng trai giàu nghị lực này lại có một tâm hồn lãng mạn bởi yêu thích đặc biệt môn Văn. Theo học khối D để thi Đại học, nhưng trong cả 3 môn Chiến thích và đam mê hơn cả là môn Văn. Ngày còn nhỏ, mỗi lần nghe được hay xem được ở đâu có bài thơ, đoạn văn hay là cậu bé lại ghi chép hết vào một cuốn sổ nhỏ để đầu giường. Những ngày 20/11 hay ngày 8/3 em cũng mạnh dạn làm thơ tặng các cô và đọc trước các bạn. Những lời khen tặng và động viên ngày đó đã là động lực khiến em càng yêu và say mê môn Văn hơn.

 

Chiến tâm sự: “Môn Văn khiến em không còn cảm giác cô độc một mình và tự ti với bản thân nữa bởi mỗi lần đọc một bài thơ, bài văn hay em thấy mình yêu cuộc sống hơn”.

 

Hiện tại việc học trên trường khá bận và không liên quan đến môn Văn nhưng em vẫn thường xuyên tìm hiểu bởi: “Ngày trước Văn là môn học còn bây giờ đọc Văn giúp em cảm nhận về cuộc sống sâu sắc hơn”.

 
Phạm Oanh