Kết quả xét công nhận GS,PGS năm 2019: Nhóm nhà khoa học trẻ “ấm ức”

(Dân trí) - Hội đồng Giáo sư Nhà nước (GSNN) đã công bố danh sách các ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2019. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trẻ cảm thấy “ấm ức” và cho rằng, có nhiều vô lý trong đợt xét công nhận này.

Kết quả xét công nhận GS,PGS năm 2019: Nhóm nhà khoa học trẻ “ấm ức” - 1

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018 - 2023

Năm 2019, cả nước có 98 Hội đồng GS cơ sở có ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS với 725 ứng viên, trong đó có 119 ứng viên GS, 606 ứng viên PGS.

Sau khi thẩm định hồ sơ, đánh giá ngoại ngữ, đánh giá báo cáo khoa học tổng quan từ có 440 ứng viên Giáo sư (GS), Phó Giáo sư  (PGS) (82 ứng viên GS, 358 ứng viên PGS) từ 26 HĐGS ngành, liên ngành được đưa vào danh sách đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2019.

Hội đồng GSNN đã bỏ phiếu đối với danh sách ứng viên đủ điều kiện được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, kết quả số ứng viên đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định có 75 ứng viên GS, trong đó có 01 ứng viên đề nghị xét ở dạng đặc biệt, 349 ứng viên PGS. Tỷ lệ đạt so với tổng số ứng viên đăng ký ban đầu tại các Hội đồng GS cơ sở cho đến thời điểm này là 58,48% (trong đó tỉ lệ đạt của ứng viên GS là 63,02%, ứng viên PGS là 57,59%).

Kết quả xét công nhận GS,PGS năm 2019: Nhóm nhà khoa học trẻ “ấm ức” - 2

Các thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước

Ngay sau khi Hội đồng chức danh GSNN công bố danh sách 424 ứng viên giáo sư, phó giáo sư đạt đủ phiếu tín nhiệm của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, một nhóm nhà khoa học trẻ đã rất lo lắng, “ấm ức” vì nhiều điểm vô lý trong đợt xét này.

Nhóm nhà khoa học trẻ khẳng định: Sự ra đời QĐ 37/22018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 37) “Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” sẽ tạo ra cú hích mới, định hướng các chuẩn mực mới cho đội ngũ GS, PGS - lực lượng trí thức chủ yếu tạo động lực cho công cuộc đổi mới, tạo đà cho sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước.

Cụ thể, yêu cầu hội đồng cơ sở, hội đồng ngành, hội đồng chức danh GS nhà nước phải công khai danh sách ứng viên và lý lịch khoa học của ứng viên trên Website chính thức của Hội đồng cơ sở và Hội đồng GSNN.

Yêu cầu bắt buộc đối với ứng viên PGS phải có ít nhất 02 bài báo quốc tế, GS phải có 03 bài báo quốc tế hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc những yêu cầu tương đương. Từ năm 2020 con số này sẽ là 03 bài – đối với PGS và 05 bài với GS.Cho phép chuyển đổi công trình khoa học (bài báo quốc tế, hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế) thay thế các điều kiện khác như: viết sách; số lượng nghiên cứu sinh, giờ giảng,… Yêu cầu hội đồng GS các cấp phải minh bạch hoá quá trình đánh giá, kiểm phiếu khi đánh giá ứng viên và cho điểm cao hơn đối với tác giả chính của các công trình khoa học.

“Đây được coi là cái nhìn chiến lược, có tính khuyến khích và coi trọng những cống hiến khoa học/sáng tạo của những người làm công tác nghiên cứu. Nó hoàn toàn hợp với xu hướng chung trong đánh giá các nhà khoa học ở các nền giáo dục tiên tiến” – nhóm nhà khoa học trẻ nhận định.

Tuy nhiên, nhóm nhà khoa học trẻ lo lắng cho rằng, mùa đầu tiên triển khai xét phong chức danh GS, PGS theo chuẩn mới (QĐ 37) có những lý do rất vô lý, cụ thể, có một số ứng viên được Hội đồng cơ sở, Hội đồng ngành đánh giá điểm khoa học cao và có lý lịch khoa học ưu tú với nhiều công trình được công bố quốc tế; các giải thưởng khoa học danh giá trong và ngoài nước, sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế,… nhưng lại bị loại (trượt) khỏi danh sách được đề nghị xét phong GS, PGS.

Điều này khiến cộng đồng các nhà khoa học và dư luận xã hội đặt câu hỏi lớn về tính minh bạch, công bằng của quy trình xét duyệt.

Nhóm nhà khoa học băn khoăn đặt câu hỏi, không thấy nêu lý do tại sao các ứng viên với số điểm công trình khoa học cao hơn mức sàn (10 điểm với PGS và 20 điểm với GS) lại bị loại khỏi danh sách? và số phiếu bầu của các ứng viên đó như thế nào?Bên cạnh đó, rất nhiều bất cập bộc lộ rõ tại các vòng xét công nhận GS, PGS: Ứng viên bị loại không rõ nguyên nhân; Cách hiểu máy móc và áp dụng sai lệch các nội dung của QĐ 37,…

Một câu hỏi được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm là quy trình lựa chọn thành viên Hội đồng chức danh GS nhà nước cũng như lý lịch khoa học của các thành viên. Có lẽ trong tất cả các điều nêu trên thì đây là mối băn khoăn và gây lo ngại hơn cả cho cộng đồng các nhà khoa học trẻ.

Cũng theo nhóm nhà khoa học trẻ, Quyết định 37 yêu cầu các ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính của 2-5 bài báo hoặc/và bằng độc quyền sáng chế, thì dứt điểm các thầy thành viên hội đồng, chủ tịch hội đồng, những người trực tiếp đánh giá các ứng viên phải có số lượng công trình công bố nhiều hơn thế. Do đó, cần công khai lý lịch khoa học các thành viên hội đồng để xã hội nhìn nhận.

Được biết, nhóm nhà khoa học trẻ đã viết thư bày tỏ sự “ấm ức” này tới Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Hồng Hạnh