Kiên Giang:

Huyện Phú Quốc có gần 5.000 gia đình hiếu học

(Dân trí) - Theo báo cáo của Hội Khuyến học huyện Phú Quốc (Kiên Giang), năm 2013 toàn huyện có 9.434 hội viên, trong đó có 4.820 gia đình hiếu học (GĐHH) đạt chuẩn, gồm: 2.720 GĐHH đạt 3 tiêu chí; 1.680 GĐHH thành đạt; 219 GĐHH tú tài; 193 GĐHH cử nhân và 8 GĐHH thạc sĩ.

Về công tác tổ chức và phát triển hội viên, năm 2013 huyện hội đã phát triển 850 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn huyện lên 9.434 người (so với năm 2012 tăng 9,9%) so với chỉ tiêu tỉnh giao đạt tỷ lệ 98,4% (9.434/9.584). Số tổ nhân dân tự quản có tổ chức hội 289/439, đạt tỷ lệ 65,8%, tổng số ban khuyến học hiện nay trên đảo Phú Quốc là 62/84 ban, đạt tỷ lệ 73,8%.

Liên quan đến công tác xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH), hiện nay huyện Phú Quốc có 4.820 GĐHH đạt chuẩn, trong đó có 2.720 GĐHH đạt 3 tiêu chí; 1.680 GĐHH thành đạt; 219 GĐHH tú tài; 193 GĐHH cử nhân và 8 GĐHH thạc sĩ.

Riêng về công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học trên địa bàn huyện, trong năm 2013, toàn huyện vận động trên 1,5 tỷ đồng và đã chi cho các hoạt động, như: trao học bổng (bao gồm huyện hội và các chi hội, ban hội Khuyến học), hỗ trợ sinh viên nghèo, tổ chức các lớp tập huấn, mở lớp phổ cập Anh văn, tin học... Hiện Quỹ Khuyến học hội còn trên 600 triệu đồng, phục vụ cho các khoản chi trong năm 2014.

Huyện Phú Quốc có gần 5.000 gia đình hiếu học
Trong năm 2013, toàn huyện vận động trên 1,5 tỷ đồng quỹ khuyến học và đã chi cho các hoạt động như trao học bổng, hỗ trợ học sinh nghèo...

Trong kế hoạch 2014, về công tác phát triển hội viên và xây dựng GĐHH, huyện hội phấn đấu phát triển thêm 600 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên 9.934 hội viên; phát triển mới 700 GĐHH đạt chuẩn, nâng tổ số GĐHH đạt chuẩn lên 5.520 gia đình.

Về công tác vận động và sử dụng quỹ khuyến học, chủ động đa dạng hóa các hình thức vận động xây dựng và phát triển quỹ khuyến học, khuyến tài bằng cách tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kết hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện cuộc vận động xây dựng quỹ, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp bằng nhiều hình thức, như ủng hộ sách vở, quần áo, trang thiết bị dạy học…

Cụ thể về công tác vận động quỹ, các cấp hội, thị trấn vận động từ 35 triệu đồng trở lên (Huyện hội vận động 85 triệu đồng), trong đó do điều kiện khó khăn, chi Hội khuyến học xã Thổ Chu chỉ cần vận động trên 20 triệu đồng, HKH xã Hòn Thơm là 25 triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí ông Ngô Rạng Đông - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Quốc chia sẻ: “Hội khuyến học huyện Phú Quốc còn khó khăn cả về nhân sự, cơ sở vật chất (ra đời 10 năm vẫn ở nhờ Phòng GD-ĐT huyện Phú Quốc) và kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các anh em tham gia công tác hội đều có tinh thần phục vụ cho sự nghiệp “trồng người” nên đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, nhất là kinh phí hoạt động và cả mức hỗ trợ cho anh em còn quá thấp như hiện nay”.

Ngoài ra, ông Đông còn bày tỏ lo ngại khi Hội Khuyến học trở thành Hội đặc thù, có biên chế cho cán bộ hoạt động, tuy nhiên với quy định như hiện nay để được hưởng biên chế đó, chủ tịch hội khuyến học xã phải có lương hưu là một điều khó. Vì thực tế, có một số anh em về “hưu non” hoặc kiêm nhiệm cả chục năm nay hoạt động rất tốt, nếu tính quy định này thì họ không được hưởng lương, còn tuyển người mới thì rất khó cho hoạt động sắp tới của các chi Hội.

Riêng ông Cao Đăng Bảy - Phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Quốc (người cán bộ gắn bó với công tác Hội đã 10 năm qua) mong muốn tỉnh Hội hoặc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cần ban hành quy chế hoạt động cho các ban khuyến học (gồm: cơ khối Đảng, doanh nghiệp…), vì thực tế theo điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam, các huyện Hội có nhiệm vụ phát triển ban khuyến học (Phú Quốc hiện có 62/84 ban khuyến học ), tuy nhiên về quy chế hoạt động của các ban khuyến học này chưa có nên việc nhỏ nhất là chế độ báo cáo hoạt động của các ban khuyến học, chưa biết gửi cho đơn vị nào.

Nguyễn Hành