Hủy hợp đồng không lí do: CIE khó phát triển ở Việt Nam

(Dân trí) - Việc Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambbridge (CIE) đột ngột chấm dứt chương trình thí điểm dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh tại thành phố Hồ Chí Minh mà không có lý do gây bức xúc trong dư luận thời gian qua được lý giải bởi yếu tố lợi nhuận.

Ngày 11/11/2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận đã ký báo cáo số 201/BC - UBND gửi Thường trực thành ủy về chương trình thí điểm dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh của Hội đồng khảo thí Quốc tế Cambridge (CIE) trên địa bàn TPHCM.

Vì lợi nhuận, CIE chấm dứt hợp đồng?
Việc CIE chấm dứt hợp đồng phân phối chương trình với EMG không nêu lý do liên quan nhưng có thể là vấn đề lợi nhuận của CIE tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Theo báo cáo, Sở GD-ĐT TPHCM nhận được thư gửi của CIE do đại diện của CIE tại châu Á thông báo việc sẽ chấm dứt hợp đồng không lý do với EMG Education (đơn vị được phép của Bộ GDĐT và UBND TPHCM triển khai chương trình CIE tại TPHCM) từ ngày 27/7/2014. Việc đột ngột chấm dứt hợp đồng đào tạo của CIE đã tạo dư luận không tốt về chương trình này, gây bức xúc trong phụ huynh, học sinh.

Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị CIE xem xét cẩn trọng việc chấm dứt hợp đồng với EMG vì việc này ảnh hưởng đến uy tín của CIE và ảnh hưởng học sinh; yêu cầu phía CIE và EMG bàn bạc, thống nhất phương án giải quyết trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của học sinh đã tham gia chương trình.

Ngay sau đó phía CIE phúc đáp, khẳng định việc chấm dứt hợp đồng với EMG từ tháng 7/2014, cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các học sinh đang tham gia chương trình cho đến năm 2016 đối với bậc Trung học và 2018 đối với bậc Tiểu học.

Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng việc CIE chấm dứt hợp đồng phân phối chương trình với EMG không nêu lý do liên quan có thể là vấn đề lợi nhuận của CIE tại Việt Nam.

Thứ nhất là vấn đề lệ phí. Theo hợp đồng của EMG và CIE ký năm 2009 và có hiệu lực đến trước tháng 7/2014 thì có rất nhiều loại phí áp dụng khi tham gia chương trình như: phí thẩm định, phí đăng ký thành viên, phí thành viên giảng dạy chương trình hàng năm, phí đào tạo giáo viên, lệ phí thi…

Mức phí áp dụng cho chương trình CIE tại Việt Nam dành cho các trường công lập (đăng ký qua EMG Education) có ưu đãi đặc biệt so với mức phí CIE đang áp dụng cho các trường Quốc tế và trường ngoài công lập (đăng ký với CIE tại Việt Nam nhưng không thông qua EMG Education).

Cụ thể, các trường trong hệ thống đăng ký của EMG sẽ được miễn phí hoàn toàn phí đăng ký thành viên và toàn bộ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đăng ký qua EMG sẽ được miễn phí hoàn toàn phí thành viên hàng năm; đối với các trường không đăng ký qua EMG sẽ không có các ưu đãi trên.

Theo công bố của CIE, các mức phí của CIE tăng dần theo từng năm liên tục từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, năm 2008 - 2009, phí thẩm định cơ sở vật chất là 800USD/trường, đến năm 2014 - 2015 phí này là 2.400/trường (gấp 3 lần). Phí thành viên hàng năm ở bậc Tiểu học năm 2011 - 2012 là 2.270USD/năm/trường (phí này đối với các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đăng ký qua EMG được miễn phí) thì phí này vào năm 2014 - 2015 là 4.000USD cho Tiểu học và 8.000USD cho Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.

Thứ hai là vấn đề tìm đối tác phân phối sản phẩm và chương trình. Qua nghiên cứu bảng tiêu chuẩn chọn đối tác của CIE năm 2008 và hiện nay có sự khác biệt rất lớn. Cụ thể, các tiêu chí thời điểm bắt đầu ký hợp đồng hợp tác với EMG của CIE (năm 2008) gồm: thông tin về đơn vị ký kết hợp tác, số học sinh, nhân viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thi cử, và những điều cần thiết để phát triển chương trình.

Trong khi đó, tiêu chí hiện nay đề cập chủ yếu đề cập đến các loại phí đơn vị đối tác phải đóng cho CIE, tiềm năng mang lại cho CIE khi cho phép tham gia chương trình, về doanh thu, các điều khoản quảng bá chương trình, thanh toán, ràng buộc hợp đồng… Từ đó có thể thấy các tiêu chí lựa chọn đối tác chủ yếu hiện nay của CIE dựa trên doanh thu và lợi nhuận.

Sau khi dừng chương trình CIE, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ra văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho Sở GDĐT triển khai chương trình dạy Toán - khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập (thay thế chương trình CIE) do Sở GDĐT biên soạn, được Hội đồng khoa học của Bộ GD-ĐT thẩm định.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm không để dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của thành phố.

Quốc Anh