Huế: 1 hay 2 Nhạc viện?

Ý tưởng thành lập một nhạc viện ở Huế đã hình thành từ hơn 5 năm nay. Tuy nhiên đến nay, mọi việc chỉ dừng lại ở các cuộc họp mang tính định kỳ và vẫn còn im lìm trên bàn giấy.

Trong lần làm việc với tỉnh TT-Huế và ĐHH cách đây 3 năm, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đã tán thành ý tưởng thành lập ở Huế một nhạc viện, trên cơ sở tách khối âm nhạc của trường ĐH Nghệ thuật (thuộc ĐH Huế), phần còn lại phát triển thành ĐH Mỹ thuật.

 

Gần đây, vào tháng 9/2005, vấn đề thành lập Nhạc viện Huế lại một lần nữa được “lên kế hoạch”. Về phía HĐND tỉnh TT-Huế, trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2005 - 2010, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (khoá V) - tháng 7/2005, cũng lưu ý: “Phát triển ĐH Nghệ thuật thành ĐH Mỹ thuật và Nhạc viện Huế”.

 

Trong khi Nhạc viện đang được ĐH Huế đưa vào “kế hoạch” thành lập, thì tháng 7/2005, UBND tỉnh TT-Huế lại ra quyết định thành lập Ban chuẩn bị đề án xây dựng Nhạc viện Huế, do ông Ngô Hòa -Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, cùng các thành viên là người của tỉnh. Ban chuẩn bị của tỉnh ra đời song song với việc “lên kế hoạch” xây dựng Nhạc viện Huế của ĐH Huế đã khiến dư luận băn khoăn: Sẽ có bao nhiêu nhạc viện ra đời ở Huế (?)

 

PGS. TS Nguyễn Đức Hưng- Phó giám đốc ĐH Huế - khi làm việc với chúng tôi cho rằng, ở Huế chỉ nên có 1 nhạc viện. Nếu tỉnh làm, trên cơ sở phát triển trường ĐH Nghệ thuật, thì phải có sự tham gia của đơn vị chủ quản là ĐH Huế. Hơn nữa, UBND tỉnh không thể quản lý trường đại học (trừ các trường dân lập, cộng đồng).

 

Ông Hưng thanh minh, việc ĐH Huế chậm xây dựng nhạc viện là vì vướng những khó khăn, lúng túng trong việc chia tách khối âm nhạc ra khỏi trường ĐH Nghệ thuật. Nếu tách khối mỹ thuật còn lại vào thời điểm hiện nay chưa đủ sức phát triển lên thành một trường đại học mới.

 

Khi tiếp xúc với một thành viên phía Ban chuẩn bị của UBND tỉnh TT-Huế về đề án xây dựng Nhạc viện Huế, vị này cho biết, đây là việc chung của 2 đơn vị, nhưng do ĐH Huế từ 5 năm nay không làm nổi (viết đề án thành lập nhạc viện - NV), nên buộc lòng tỉnh phải “vào cuộc” (?!).

 

Vị này còn cho hay, Ban soạn thảo đã hoàn tất xong phần đề cương, chuẩn bị trình hội đồng thẩm định xem xét. Về lâu dài, đây là một đơn vị do Bộ VHTT quản lý (như ở nhạc viện Hà Nội và TPHCM), nhưng vẫn cần có sự tham gia của ĐH Huế.

 

Quan điểm của Ban chuẩn bị của UBND tỉnh là vậy, tuy nhiên, cho tới nay, phía ĐHH vẫn chưa có một thành viên chính thức nào được cử tham gia vào đề án do tỉnh chủ trì. Phía ĐH Huế vẫn cho rằng, họ tiếp tục xây dựng kế hoạch thành lập nhạc viện, với tên gọi “Nhạc viện ĐH Huế” và đưa vào dự thảo nghị quyết đảng bộ nhiệm kỳ tới. 

 

 

Theo Ngọc Văn

Tiền Phong