Sóc Trăng:

Hũ gạo tình thương nâng bước trò nghèo

(Dân trí) - Xuất phát từ nỗi trăn trở có nhiều em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn mà phải nghỉ học, phong trào “Hũ gạo tình thương nâng bước đến trường” của trường THCS Tôn Đức Thắng (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã ra đời, tiếp sức cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ học tập của mình.

Trường THCS Tôn Đức Thắng đóng trên địa bàn phường 5 (TP Sóc Trăng) là nơi có rất đông học sinh (HS) là người dân tộc Khmer. Hoàn cảnh gia đình HS còn nhiều khó khăn, nên việc học tập của các em bị ảnh hưởng rất lớn, trong đó tình trạng HS phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm thuê ở nhiều nơi, thậm chí có không ít em phải “ly hương” vì mưu sinh. Vì thế, tập thể cán bộ, thầy cô giáo trường THCS Tôn Đức Thắng trăn trở là phải vừa hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của mình, nhưng cũng phải có biện pháp giúp đỡ các em có điều kiện đến trường, yên tâm học tập.

Xuất phát từ tâm tư đó, từ năm học 2012-2013, phong trào “Hũ gạo tình thương - Tiếp sức đến trường” của nhà trường đã ra đời, đã tiếp sức cho nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường thực hiện ước mơ học tập của mình.

Hũ gạo tình thương nâng bước trò nghèo - 1
Cán bộ, thầy cô giáo nhiệt tình tham gia ủng hộ phong trào Hũ gạo tình thương nâng bước đến trường để giúp các em học sinh nghèo.
Cán bộ, thầy cô giáo nhiệt tình tham gia ủng hộ phong trào "Hũ gạo tình thương nâng bước đến trường" để giúp các em học sinh nghèo.

Thầy Nguyễn Hà Phương - Chủ tịch Công đoàn trường THCS Tôn Đức Thắng, cho biết: “Năm đầu tiên (2012-2013) do trường mới đi vào hoạt động nên phong trào chỉ thực hiện trong phạm vi nhà trường và một số người thân thiết, nên chỉ vận động được gần một tấn gạo. Nhưng những năm tiếp theo, dư âm của phong trào được lan tỏa nên đã có nhiều người tìm đến trường ủng hộ. Cứ như vậy, bình quân mỗi năm chúng tôi nhận được từ 3 tấn gạo trở lên, cùng hàng trăm gói mì, các loại gia vị thực phẩm cũng như quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để trao cho các em HS của trường. Mỗi năm, ngoài những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trường hỗ trợ thường xuyên với mức mỗi em nhận 10 ký gạo/tháng, thì trường sẽ hỗ trợ các em HS có hoàn cảnh khác vào các dịp như khai giảng năm học mới, dịp lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer, tết Nguyên đán, bế giảng năm học…”.

Theo thầy Thái Lợi- Hiệu trưởng trường THCS Tôn Đức Thắng, qua 4 năm phát động, ban đầu là sự tham gia của giáo viên, HS trong trường, sau đó phong trào được nhiều người biết đến nên ngày càng mở rộng ra bên ngoài với sự đóng góp, ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, thậm chí cả ở nước ngoài. Đến nay, nhà trường đã vận động được khoảng 15 tấn gạo, hàng ngàn gói mì, hàng ngàn cuốn tập, viết, cặp, quần áo,... với tổng trị giá trên 651 triệu đồng. Trường đã hỗ trợ cho hàng ngàn lượt HS có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường. Số gạo, thực phẩm, tập, viết,… đã góp phần nâng bước các em đến trường, giảm tỉ lệ HS bỏ học.

Thầy Thái Lợi cho biết thêm, trường THCS Tôn Đức Thắng nằm trên địa bàn thuộc vùng ven của TP Sóc Trăng, tỷ lệ HS dân tộc Khmer chiếm gần 80% tổng số HS của trường, trong đó gần phân nửa là các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nên phong trào “Hũ gạo tình thương nâng bước đến trường” đã chia sẻ rất lớn với các em.

“Không chỉ hỗ trợ các em HS, chúng tôi cũng hỗ trợ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn ở phường 3 và phường 6 của TP Sóc Trăng nữa. Tuy số gạo không phải là nhiều, nhưng cũng giúp đỡ bà con bớt đi một phần nào khó khăn trong cuộc sống”, thầy Lợi chia sẻ.

Các em học sinh cũng hăng hái đóng góp của ít lòng nhiều để chia sẻ khó khăn với nhau.
Các em học sinh cũng hăng hái đóng góp của ít lòng nhiều để chia sẻ khó khăn với nhau.

Nhận sự hỗ trợ của nhà trường, em Lý Hoàng Phong (HS lớp 9/4) phấn khởi: “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nhiều lúc không có gạo để nấu cơm. Khi nhận được gạo của thầy cô trao tặng, em và gia đình rất cảm động. Nhờ có sự hỗ trợ này mà gia đình em giảm được chi phí mua gạo, để mua quần áo, tập sách cho em. Tình cảm của thầy cô và mọi người dành cho em và các bạn thật sâu nặng. Chúng em hứa sẽ phấn đấu học tập thật tốt để thầy cô vui lòng”.

Thầy Trần Út (giáo viên Tổ Thể dục của trường) cho biết, khi nhà trường chủ trương phát động phong trào này, giáo viên ủng hộ nhiệt tình. Mong muốn của các giáo viên là được góp phần nhỏ của mình giúp các em vượt qua khó khăn để học tập tốt. “Tôi cũng là người dân tộc Khmer nên rất hiểu hoàn cảnh của học trò mình. Nhiều em nghèo lắm, phải bỏ học đi làm thuê làm mướn phụ giúp gia đình nên việc học bị đứt đoạn. Nay có sự hỗ trợ đó, các em đã đi học bình thường. Nhìn các em trở lại trường, tôi và các đồng nghiệp của mình rất phấn khởi”, thầy Út bày tỏ.

Theo thầy Nguyễn Hà Phương, phát động được phong trào này là thành công lớn của nhà trường, tuy nhiên, để duy trì được phong trào với hiệu quả cao thì không dễ chút nào. Vì vậy, nhà trường đã thống nhất với nhau là tất cả các thành viên trong trường cùng đồng tâm nhất trí trực tiếp đóng góp ủng hộ. Ngoài ra, các thành viên trong trường tranh thủ vận động thêm các nguồn hỗ trợ từ gia đình, người quen, bạn bè ở khắp nơi để cùng san sẻ phần nào khó khăn với HS. Vì thế, phong trào luôn được duy trì, phát triển, năm sau cao hơn năm trước.

Nhiều em học sinh đã qua được cơn khốn khó từ Hũ gạo tình thương để tiếp tục đến trường.
Nhiều em học sinh đã qua được cơn khốn khó từ "Hũ gạo tình thương" để tiếp tục đến trường.

Trò chuyện với PV, thầy Thạch Cang - Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay, mới đây, trường phát động sự đóng góp hỗ trợ từ các em HS trên tinh thần mỗi HS tùy hoàn cảnh sẽ ủng hộ nhiều hay ít. Điều khiến ban giám hiệu trường bất ngờ là các em ủng hộ rất nhiệt tình. Mỗi tuần, nhà trường tổ chức cho các em đóng góp vào ngày thứ 2 đầu tuần. Góp gió thành bão, mỗi tuần các em HS ủng hộ được khoảng 100 ký gạo.

“Thông qua phong trào này, chúng tôi gián tiếp giáo dục cho các em tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau theo tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Biết được ý nghĩa của phong trào, nên các em tham gia rất nhiệt tình, em nào cũng mong muốn được đóng góp vào hũ gạo tình thương của nhà trường”, thầy Cang chia sẻ.

Cũng theo thầy Cang, điều đáng quý là không chỉ bản thân mình đóng góp, các em HS còn vận động gia đình, người thân ủng hộ nữa. Bên cạnh đó, trường cũng nhận được sự đóng góp bằng tiền mặt của nhiều cá nhân, tổ chức với số tiền trên 30 triệu đồng. Số tiền này trường sử dụng trong việc cấp học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

“Chúng tôi luôn trân trọng sự ủng hộ quý báu của tất cả mọi người cho các em HS của chúng tôi để các em yên tâm học tập tốt hơn”, thầy Cang mong mỏi.

Cao Xuân Lương

Dòng sự kiện: 34 năm Ngày Nhà giáo VN