Hơn 70% thí sinh có điểm thi Lịch sử dưới trung bình: Chuyên gia nói gì?

(Dân trí) - Thống kê của Bộ GD&ĐT qua dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, số thí sinh có điểm dưới trung bình chiếm 70,01%. Một số chuyên gia đã lý giải nguyên nhân.

Nhiều em thi chỉ để “qua môn”

Dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019 cho thấy, môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 và có 80 bài thi đạt điểm 10 trong cả nước.

Như vậy, so với năm ngoái, điểm trung bình của môn Lịch sử năm nay là 4,3, cao hơn năm 2018 (năm ngoái điểm trung bình là 3,79). Tuy nhiên, so với năm 2017, điểm thi năm nay thấp hơn (năm 2017 là 4,6 điểm).

Lý giải về điều này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - một trong những chuyên gia luyện thi nổi tiếng ở Hà Nội cho rằng, không nên đánh đồng bởi điểm thi Lịch sử năm nay cao hơn năm ngoái rất nhiều.

Thứ hai, thực tế nhiều em thi Lịch sử mục đích chỉ để đủ qua điểm “liệt”, các em không có động lực thi điểm cao vì tập trung các môn xét tuyển đại học. Bởi vậy, không thể đưa con số trên đây để cho rằng, do thầy cô dạy bộ môn này chưa tốt.

“Tôi nghĩ để đánh giá toàn diện và khách quan hơn, không nên dùng số lượng các bài thi điểm thấp để đánh đồng. Trước hết cần lọc ra trong số đó, em nào đăng kí vào đại học bằng môn Sử và em nào thi chỉ để “qua môn”.

Thực tế những em chủ động thi Lịch sử để vào đại học, điểm vẫn rất cao, điều này thể hiện ở việc năm nay có 80 em điểm 10 môn Sử và một số học trò của tôi báo điểm cũng từ 8 trở lên”, PGS.TS Hưởng cho hay.

Hơn 70% thí sinh có điểm thi Lịch sử dưới trung bình: Chuyên gia nói gì? - 1

Phổ điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2019

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên nhóm biên soạn SGK Lịch sử Chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng cho rằng, điểm thấp một phần có lẽ do đề thi.

“Tôi có nói với các bạn, các câu hỏi trong đề thi ít các câu hỏi về kinh tế, văn hoá và vẫn tập trung chủ yếu ở các câu hỏi về sự kiện.

Ngoài ra, có lẽ quan trọng nhất là các trường ít quan tâm đến môn Lịch sử và chỉ quan tâm đến các môn Văn, Toán. Vì thế, do phương pháp dạy học Lịch sử một phần nhưng cũng có thể nguyên nhân đề thi vẫn nặng về nhớ năm tháng, nhớ sự kiện”, ông Vỳ nhận xét.

Chia sẻ với PV Dân trí, thầy giáo Nguyễn Ngọc Lân, Tổ trưởng Bộ môn Lịch sử, Trường THCS Dương Bá Trạc, quận 8, TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc điểm Sử năm nay thấp, một phần được nhận xét khó hơn năm ngoái.

Một phần do sự truyền đạt của thầy cô và nhà trường vẫn theo hướng truyền thống nên chưa hấp dẫn học sinh, chưa có các bài giảng trực quan và ứng dụng công nghệ để giúp bài học sinh động hơn.

Các em học đối phó, chưa ham thích nên chưa đầu tư cho bộ môn mang tính hàn lâm như Lịch sử.

Giáo viên Văn phải dạy... Sử

Theo quan sát phổ điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử của TP Hồ Chí Minh năm nay, thành phố có hơn 2 nghìn bài thi ở mức 4 điểm. Trong khi đó, năm 2018, phổ điểm của môn này cao vọt ở mức 3,5 điểm.

Điều này khá phù hợp vì phổ điểm trung bình của môn Lịch sử cả nước năm 2019 cao hơn năm ngoái.

Mặc dù vậy, nếu bóc tách số liệu, vẫn có hơn 70% bài thi THPT quốc gia 2019 môn Sử có điểm dưới trung bình.

Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, môn Lịch sử trong nhiều năm có phổ điểm thấp nhất là do phương pháp dạy của chúng ta chưa tốt, chủ yếu bắt học sinh học thuộc lòng nhiều sự kiện, học sinh chưa hứng thú học nên kết quả học tập không cao.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cũng cho rằng, trước đây giáo viên chủ yếu dạy đọc chép. Đặc biệt cấp THCS giáo viên chuyên Sử chưa có.

“Tôi biết có những trường cô giáo dạy tập trung Văn, Toán và không có kiến thức để dạy bộ môn này. Cuối năm, giáo viên làm một bảng, các con mang về nhà hỏi bố mẹ để làm bài kiểm tra. Đấy là cấp tiểu học.

Còn ở cấp 2, nhiều giáo viên Văn phải dạy mỗi tuần mười mấy tiết môn Sử. Ở cấp 3 mặc dù có giáo viên chuyên Sử nhưng có lẽ cần xem xét lại việc ra đề thi sao cho phù hợp”, thầy Vỳ nói.

Hơn 70% thí sinh có điểm thi Lịch sử dưới trung bình: Chuyên gia nói gì? - 2

Đổi mới ngay từ phương pháp dạy

Trả lời PV Dân trí ngay sau khi đạt 10 điểm thi THPT quốc gia 2019 môn Lịch sử, em Vương Thị Vân Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, TPHCM cho hay, mặc dù TPHCM và Hà Nội là hai thành phố đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng phần mềm dạy/học môn Lịch sử để học sinh đỡ nhàm chán nhưng đến nay chưa nhiều trường được áp dụng. Thậm chí bản thân em cũng chỉ học qua SGK và khái quát vấn đề qua sự truyền đạt của thầy cô ở lớp.

“Cách dạy chung ở phổ thông hiện nay quá khuôn sáo, không vượt ra khỏi SGK nên giáo viên phải “nạp” hết sự kiện trong một tiết, không còn thời gian để mở rộng ra do sợ “cháy” giáo án”, Vân Anh nói.

Chia sẻ thêm với PV Dân trí về giải pháp, thầy giáo Nguyễn Ngọc Lân cho rằng, hiện ở Hà Nội và TPHCM, nhiều trường học đã chủ động bồi dưỡng giáo viên, đầu tư máy móc để áp dụng phần mềm dạy học môn Lịch sử.

“Chẳng hạn ở trường tôi, nhà trường cũng đầu tư phần mềm thiết kế bài giảng, đầu tư trang thiết bị, các giáo viên bộ môn được tập huấn các phương pháp mới nên thái độ và kết quả học tập của học sinh được cải thiện hơn rất nhiều, vì vậy các kì thi học sinh giỏi ở cấp quận, cấp thành phố, cũng có học sinh đoạt giải.

Đặc biệt, điểm thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm nay khả quan hơn là dấu hiệu tốt”, thầy Lân cho hay.

Cũng theo giáo viên này, phương pháp dạy mới có điểm khác biệt và ưu việt ở chỗ, nếu cách truyền thống trước đây là truyền đạt và tiếp nhận thì hiện nay, học sinh là người hướng dẫn, làm theo nhóm và đến tiết các em báo cáo kết quả tìm hiểu.

Cùng với việc xây dựng chương trình GDPT mới, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh hy vọng sẽ là chìa khóa để kéo học sinh quay trở lại với môn Lịch sử.

Đây cũng là nền tảng để xây dựng và đổi mới phương pháp giảng dạy đối với các môn học khác trong tương lai.

Mỹ Hà