Hơn 560 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên giao thông được nghiệm thu

(Dân trí) - Trường ĐH Giao thông vận tải vừa tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 32. Theo đó, đã có 511 đề tài được thực hiện và bảo vệ tại 45 tiểu ban thuộc 10 Khoa tại thành phố Hà Nội; 60 đề tài được bảo vệ tại các tiểu ban của Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng mức kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2016-2017 là trên 800 triệu đồng.


Sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng

Sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng

Nét nổi bật của công tác nghiên cứu khoa học sinh viên năm nay là các đề tài tập trung theo các định hướng giảng dạy và nghiên cứu của Nhà trường; số lượng đề tài tiếp tục tăng và thu hút được sự tham gia hướng dẫn của nhiều giảng viên trẻ.

Nhiều đề tài đã góp phần giải quyết được những vấn đề khoa học có ý nghĩa thực tiễn như các giải pháp kỹ thuật, vật liệu mới, công nghệ thi công mới trong xây dựng công trình giao thông và xây dựng dân dụng; chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; nghiên cứu những vấn đề mới liên quan đến lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, kỹ thuật rô bốt, logistics, quản lý và tổ chức giao thông; ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng vật liệu “xanh”, kiểm soát ô nhiễm môi trường do công trình và phương tiện giao thông…

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đã trở thành một sinh hoạt khoa học thường niên và ngày càng thu hút đông đảo sinh viên tham gia, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Thông qua nghiên cứu khoa học, sinh viên tạo cho mình khả năng làm việc độc lập, thói quen nghiên cứu, sáng tạo trong quá trình học tập tại trường và công tác sau này.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng Nhà trường: “phát huy thành tích đã đạt được về công tác nghiên cứu khoa học sinh viên trong những năm qua, các đơn vị chức năng trong Nhà trường tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nội dung các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên sẽ vươn xa hơn, gắn kết ngày một chặt chẽ hơn với thực tiễn sản xuất; làm cho sinh viên trưởng thành hơn và có hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo”.

Hà Văn