Hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp: Không nên đổ lỗi cho ngành giáo dục

(Dân trí) - Dư luận nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, đó là một quan niệm không đúng.

Phát biểu tại hội thảo, các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường ĐH,CĐ ngoài công lập sáng ngày 22/12 tại Hà Nội về giáo dục đại học hiện nay, GS Trần Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, lâu nay, báo chí nói nhiều về hiện tượng 200.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH chưa kiếm được việc làm, coi đó như cái họa mà ngành Giáo dục phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, đó là một quan niệm không đúng. Đã chuyển sang cơ chế thị trường thì không thể mong muốn cung và cầu về lao động phải ăn khớp với nhau như hồi kế hoạch hóa tập trung.

GS Phương phân tích, xã hội hướng dẫn sinh viên chọn nghề để học còn nhiều thiếu sót, nhưng dù có hướng dẫn tốt đến mấy chăng nữa cũng không thể bảo đảm cung và cầu về lao động hoàn toàn ăn khớp với nhau. Nhiều sinh viên chọn nghề chỉ căn cứ vào sở thích của mình, chứ không căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Họ sẽ phải tìm nghề khác mà học lại. Chuyển nghề là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Không chỉ chuyển một lần, mà chuyển nhiều lần.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp chỉ muốn tìm việc ở các thành phố lớn. Tìm mãi mà không được, tất họ phải tìm về những vùng cần đến họ. Cũng có một số sinh viên được đào tạo kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ sẽ phải tự đào tạo lại. Đó chính là tác dụng của cơ chế thị trường.

GS Phương dẫn chứng thêm, nhìn rộng ra thế giới, ta thấy hiện tượng sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm, nước nào cũng có. Ở Trung Quốc, năm 2011, có 7 triệu sinh viên tốt nghiệp không kiếm được việc làm. Mỗi năm lại bổ xung thêm 2 triệu người nữa.


GS Trần Phương

GS Trần Phương

Giáo dục chưa có gì là quá thừa

Trước hiện tượng sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm được việc làm, đã có ý kiến cho rằng Giáo dục ĐH của nước ta đã phát triển quá thừa, cần phải hạn chế lại. Theo GS Phương đây là một vấn đề đáng bàn.

"Đúng là có một số ngành đào tạo vượt nhu cầu cần phải điều chỉnh, như sư phạm chẳng hạn, nhưng bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp lại không kiếm được đủ kỹ sư. Số thanh niên đăng ký học các ngành kỹ thuật công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ quá thấp. Nguyên nhân vì đâu? Cần phải xem xét lại" - GS Phương nói.

Theo GS Phương, nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Nhìn vào những nước đi trước như Hàn Quốc, Đài Loan, họ đã phải trải qua 20 – 30 năm phát triển rất mạnh ĐH-CĐ mới vươn lên được trình độ công nghiệp hóa. Nước ta cũng không thể thoát khỏi lộ trình đó.

Hãy nhìn vào tỷ lệ người có trình độ ĐH-CĐ trong dân số nước ta. So với các nước nói trên thì còn quá thấp. Chuyển sang thời đại tri thức thì sự bất cập càng nổi rõ hơn nữa.

Một người chinh phục kiến thức ĐH-CĐ không phải là để dùng trong vài ba năm, mà là để dùng trong 30 – 40 năm. Nếu vài năm chưa kiếm được việc làm thích hợp thì chưa lo gì lãng phí.

"Giáo dục đại học của nước ta chưa có gì là quá thừa, trái lại, còn phải phát triển mạnh hơn nữa, nhất là các ngành kỹ thuật - công nghệ. Lâu nay, việc hướng dẫn thanh niên chọn nghề để học chưa được chú trọng. Xã hội đang cần loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Đang thừa loại nghề gì, trình độ nào, bao nhiêu, ở đâu? Các Bộ cần có cơ quan nghiên cứu, hướng dẫn cho thanh niên" - GS Phương nhấn mạnh.

Một khía cạnh khác, GS.TS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng cho rằng, do nhiều cơ sở đào tạo hiện nay đang chạy theo nhu cầu tức thời của thí sinh nên có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo với nhu cầu thực tế của xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là một vấn đề làm xã hội lo lắng.

Để giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở các trường, GS Nghị đề nghị Nhà nước, thành lập cơ quan chuyên môn chuyên nghiên cứu, khảo sát và dự báo nhu cầu thị trường lao động các ngành nghề. Hàng năm có công bố kết quả nghiên cứu và dự báo nhằm định hướng chọn ngành nghề cho xã hội, hạn chế xu hướng chọn ngành nghề theo cảm tính và phong trào tức thời như hiện nay.

Cơ quan chuyên môn có thể định kỳ tổ chức khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường trong phạm vi toàn quốc và công bố công khai chính thức trên các phương tiện truyền thông. Đây sẽ là một kênh quan trọng để người học chọn trường theo học và để các trường nỗ lực cố gắng, phấn đấu đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng trường.

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động vào đầu năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không có bằng cấp chỉ khoảng 2%.

Cùng với đó là gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học, tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi, nhưng hầu hết đều đang thất nghiệp.

Theo một thống kê khác lại cho thấy, cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn. Vì vậy, cứ 10 doanh nghiệp tuyển dụng, có tới 6 doanh nghiệp không hài lòng về chất lượng đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học và sau đại học.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Kiến thức, kỹ năng mà chúng ta đang đào tạo trong các cơ sở hiện nay vẫn còn khoảng cách khá là lớn so với kiến thức, kỹ năng mà người sử dụng lao động đang đòi hỏi.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là các hệ thống giáo dục đào tạo cần liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, với các cơ quan quản lý thị trường lao động, để làm sao thu hẹp khoảng cách giữa các kiến thức, kỹ năng thu nhận được trong nhà trường, với kiến thức kỹ năng mà thị trường lao động đòi hỏi.

Nhật Hồng