Bạn đọc viết:

Hội phụ huynh: Vì sao nên nỗi?

(Dân trí) - Đọc bài viết “Hội phụ huynh: Vài người nhiệt tình, cả tàu cùng khổ” trên báo Dân trí và những bình luận bên dưới của bạn đọc, tôi lại bắt gặp một đề nghị khá là cũ xưa: Giải tán hội phụ huynh.

Sở dĩ dư luận bức xúc cũng bởi nhiều người trong Ban đại diện quá nhiệt tình trong vận động các khoản đóng góp hỗ trợ nhà trường khiến đại bộ phận phụ huynh “mắc kẹt” trong thế bí chạy ào ào theo các khoản thu cao ngất ngưởng dưới danh nghĩa “tự nguyện”.

Tác giả Hoài Nam đưa ra hai dẫn chứng về việc một thầy giáo “ngỏ ý” xin phụ huynh hỗ trợ các vật dụng khoảng… 7 triệu đồng và chuyện ban đại diện cầm loa đứng ra hiệu triệu toàn thể góp tiền xây 4 mái che cho học sinh. Và tác giả cũng viện dẫn hai lý do quá thuyết phục khiến “cả tàu cùng khổ”.

Đó chính là thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh thường được “chọn mặt gửi vàng” có dư dả về tiền bạc nên thích thể hiện. Đồng thời, Ban đại diện lại chính là cánh tay nối dài của hiệu trưởng, trong nhiều trường hợp hễ nhà trường “chỉ đâu” thì “đánh đó”.

Hai lý do cơ bản ấy đang khiến hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhiều nơi phải hứng chịu búa rìu dư luận. Và lại một lần nữa Ban đại diện cha mẹ học sinh bị đem ra mổ xẻ về hiệu quả hoạt động. Lời đề nghị xóa bỏ hội phụ huynh trong học đường đã từng đề xuất giờ lại nóng hổi.

Là bộ phận đại diện cho tiếng nói và sự đồng hành của cộng đồng, dư luận đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 quy định rõ ràng nhiệm vụ của ban đại diện, cụ thể:

Kiến nghị với hiệu trưởng những biện pháp cần thiết nhằm thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường và về quản lý, giáo dục học sinh.

Quyết định chi tiêu phục vụ các hoạt động của ban đại diện từ nguồn ủng hộ, tài trợ tự nguyện.

Phối hợp với hiệu trưởng tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục theo nội dung được thống nhất tại cuộc họp đầu năm học của ban đại diện.

Phối hợp với hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục với cha mẹ học sinh, nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.

Phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác; vận động học sinh bỏ học trở lại học…

Từ mục đích gắn kết, phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong giáo dục học sinh, nay Ban đại diện cha mẹ học sinh đã bị biến tướng và chỉ thực hiện duy nhất mỗi nhiệm vụ: Thu hộ. Đã từng có những lời lẽ cực kỳ nhạy cảm để chỉ mặt đặt tên hội phụ huynh như “hội phụ thu”, “hội họa sĩ”, “hội huy động vốn của nhà trường”, “BOT trường học”. Bao nhiêu tên gọi là bấy nhiêu sự tổn thương và tai tiếng mà ngành giáo dục phải hứng chịu.

Quả là nhức nhối khi một tổ chức đại diện cho tiếng nói của phụ huynh học sinh lại trở thành “bức bình phong”, “tấm lá chắn”, “bia đỡ đạn”. Nhưng điều đó phản ánh đúng bản chất hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh hiện tại. Hầu như những hoạt động nổi bật trong năm học của hội phụ huynh chỉ quẩn quanh chuyện huy động, vận động đóng góp, chi tiền hỗ trợ… Ngay đến quỹ hội phụ huynh nhiều nơi cũng gửi nhà trường giữ hộ, chi hộ và làm báo cáo chi tiêu giúp.

Lạm thu học đường là câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ thôi sức nóng dễ dàng khơi lên sự bức xúc của dư luận. Đi kèm với những con số cao ngất ngưởng cùng nhiều khoản thu “trời ơi đất hỡi” là vai trò vận động, quyên góp, hỗ trợ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Tất cả đều được che chắn thuận lợi dưới danh nghĩa “tự nguyện”. Để rồi mỗi khi dư luận lên tiếng, báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng kiểm tra thì một vài vị hiệu trưởng lạm thu ngang nhiên đá “quả bóng trách nhiệm”: Do Hội phụ huynh bột phát, tất cả đều “tự nguyện”!

Hội phụ huynh: Vì sao nên nỗi như thế chứ? Câu hỏi ấy vẫn đang chờ đợi một giải pháp tối ưu, thiết thực, hiệu quả hơn để trả lại đúng vị trí và bản chất tốt đẹp của một tổ chức đóng vai trò kết nối giữa nhà trường và gia đình, giáo viên và học sinh.

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!