GS. Đào Trọng Thi:

“Hội phụ huynh không phải công cụ của trường”

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, GS. Đào Trọng Thi cho rằng, việc thu tiền đầu năm học tại nhiều nhà trường có sự mập mờ, biến tấu; dù là phụ huynh thu nhưng có thể nhà trường đứng đằng sau.

Ông Đào Trọng Thi nói:

Luật đã qui định rõ: Ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, nhà trường không được thu bất kỳ khoản nào khác. Nhưng quy định đó chỉ đúng trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ giáo dục cơ bản, còn những nhu cầu khác mang tính dịch vụ thì không thực hiện được.

Ở đây cần phân biệt các khoản do nhà trường thu và các khoản khác do Ban phụ huynh đứng ra thu. Đó là những khoản phụ huynh tự thống nhất, hoặc có trao đổi với nhà trường thu để phục vụ các cháu học tập như nước uống, trông giữ xe… mà ta vẫn gọi là ngoài luồng. Nhưng chuyện này thường mập mờ, biến tấu trong các trường.

Đấy là do cách làm, các khoản phụ huynh thu nhưng lại có chuyện nhà trường đứng đằng sau, hoặc là nhà trường đứng ra thu hộ phụ huynh. Người ta thường nghĩ ở đây có sự chỉ đạo từ phía nhà trường.

“Hội phụ huynh không phải công cụ của trường” - 1
Thu các khoản ngoài học phí, lệ phí để phục vụ học sinh tốt hơn, nhưng thường bị biến tấu (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Phụ huynh “đại gia” áp đặt, phụ huynh nghèo yếu thế

Những khoản thu như vậy thường gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Cách làm như tôi nói, rõ ràng có vi phạm, có phần lắt léo. Tôi nghĩ về mặt pháp luật, qui định rất minh bạch, rõ ràng, vấn đề là ngành giáo dục phải có hướng dẫn thực hiện như thế nào đó. Chính vì cách làm ở đây đôi khi có sự bàn bạc, thống nhất giữa Ban phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm nên dẫn đến mập mờ.

"Cần có một ban phụ huynh đúng nghĩa, hoạt động độc lập. Ban phụ huynh này phải do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định từ trước. Phụ huynh họp thì cô giáo chủ nhiệm không nên dự. Một ban phụ huynh do nhà trường chọn ra sẽ không ổn, phụ huynh “đại gia” thường sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, áp đặt phụ huynh khác" - GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội.

Theo tôi, những khoản mà phụ huynh đóng góp thì phải được sự thống nhất tự nguyện của đa số phụ huynh, tránh bị lợi dụng. Phụ huynh phải bàn bạc, thống nhất trên cơ sở tự nguyện. Nhưng thực tế, phụ huynh có điều kiện thường lấn át những phụ huynh khác.

Phụ huynh không có điều kiện thường yếu thế, không dám đấu tranh và họ rất sợ mất lòng nhà trường. Thành thử, một vài vị phụ huynh có điều kiện cứ làm theo ý của họ, đấy là chưa nói còn có sự “chỉ đạo” của ai đó nữa.

Để tránh bị biến tấu, lợi dụng, quy định hướng dẫn của nhà trường và các cơ quan quản lý phải cụ thể hơn. Vừa rồi Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường phải thu đúng nguyên tắc, không được ép buộc, áp đặt các khoản thu khác, nhưng đó chỉ là qui định. Nếu không có cơ chế cụ thể thì tình trạng lạm thu sẽ vẫn xảy ra.

Đầu năm học, Bộ, Sở đều có công văn nhắc nhở, nhưng tình trạng lạm thu tràn lan vẫn xảy ra. Có nên qui định những trường để xảy ra lạm thu, dù dưới hình thức nào cũng phải xử lý thật nghiêm, như có thể cách chức hiệu trưởng?

Ngành giáo dục không phải không biết những tiêu cực đằng sau việc này, thế thì phải cương quyết hơn, có hướng dẫn một cách rõ ràng, đồng thời phải xử lý nghiêm những trường có vi phạm. Không loại trừ có những bộ phận nào đó trong cơ quan quản lý vẫn muốn nương nhẹ, thông cảm với cơ sở vì đúng là nếu chỉ trông vào các nguồn thu theo qui định thì rất khó hoạt động. Nhưng còn có cái khó nữa, đó là khả năng kinh tế của các gia đình không đều nhau.

Ví dụ, gia đình có điều kiện thì muốn đóng góp cao, tạo điều kiện cho con em mình được hưởng điều kiện học tập tốt hơn như lắp điều hòa, quạt… nhưng khổ nỗi, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng. Chúng ta không thể chia con nhà giàu, con nhà nghèo ra được, vì như thế sẽ tạo ra ý thức không công bằng trong đầu óc con trẻ.

Chúng ta muốn đạt nhiều mục tiêu nhưng thực ra không thể đạt hết, phải tìm giải pháp dung hòa để tạo hiệu quả tốt nhất, nhưng ngành giáo dục cũng chưa nghĩ ra được phải làm thế nào.

Tôi rất thông cảm với các nhà trường. Nhưng nếu để đáp ứng đầy đủ điều kiện mà mọi thứ đổ dồn lên vai phụ huynh, đặc biệt những gia đình khó khăn thì điều này sẽ trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.

Cuộc sống rất đa dạng, nhưng với trách nhiệm là cơ quan quản lý cao nhất, Bộ GD&ĐT phải tạo ra một cơ chế để đạt được các mục tiêu ở mức độ hợp lý nhất. Đấy là bài toàn khó và không thể áp dụng chung, đô thị, nông thôn và từng điều kiện dân cư phải có cơ chế khác nhau. 

“Hội phụ huynh không phải công cụ của trường” - 2
GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Hội phụ huynh cần hoạt động độc lập

Lâu nay, việc thu những khoản ngoài luồng thường do ban phụ huynh thực hiện, nhưng như ông nói, không loại trừ khả năng có sự chỉ đạo nào đó?

Chính vì vậy, tôi nghĩ cần có một ban phụ huynh đúng nghĩa, hoạt động độc lập. Ban phụ huynh này phải do phụ huynh tự bầu ra chứ không phải do nhà trường giới thiệu, chỉ định từ trước. Phụ huynh họp thì cô giáo chủ nhiệm không nên dự.

Một ban phụ huynh do nhà trường chọn ra sẽ không ổn, phụ huynh “đại gia” thường sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, áp đặt phụ huynh khác. Vì vậy, trong các cuộc họp, người ta sẽ nghĩ Ban phụ huynh nói chính là nhà trường, là cô chủ nhiệm nói.

Hội phụ huynh cần có cơ chế thảo luận dân chủ, ra quyết định về những khoản đóng góp, có thể bỏ phiếu kín. Phụ huynh phải tự tạo ra cơ chế hoạt động, không phụ thuộc vào nhà trường. Hội phụ huynh đúng nghĩa không phải là công cụ thụ động của nhà trường. Họ phải đại diện cho đại bộ phận cha mẹ học sinh chứ không phải đại diện cho nhà trường hay ý muốn của một số vị phụ huynh nào đó.

Mọi khoản thu chi đều phải kiểm soát công khai, minh bạch. Tôi nghĩ, không có chuyện tham ô, tham nhũng gì ở đây, nhưng cũng không loại trừ có những phụ huynh lợi dung danh nghĩa để quan hệ với nhà trường vì mục đích riêng.

Cảm ơn ông.

Theo Nguyễn Tuấn
Tiền Phong