Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần 5, khóa V

(Dân trí) - Ngày 27/12, hội nghị Ban Thường vụ kỳ họp thứ 8 và hội nghị Ban Chấp hành Trung ương kỳ họp thứ 5, khóa V của Hội Khuyến học Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội nhằm tổng kết công tác Hội năm 2019 và bàn kế hoạch công tác năm 2020.

Cùng dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng đại diện các Bộ/ngành liên quan.

Về phía Hội Khuyến học có GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cùng các Chủ tịch Hội Khuyến học địa phương.

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần 5, khóa V - 1
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội đã báo cáo tại hội nghị, tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2019.

Theo đó, những nhiệm vụ lớn năm 2019 của TƯ Hội Khuyến học đã hoàn thành một cách toàn diện, gồm: Góp phần xây dựng và hoàn chỉnh Kết luận-49 KL/TW; Sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 102-KL/TW (báo cáo số 361/CV-KHVN, ngày 12/12/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ); Tư vấn phản biện có hiệu quả với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục; Phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Trường đại học tổ chức 2 hội thảo: “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở”; Phát triển tổ chức khuyến học trong nhà trường, đặc biệt là trường đại học; Tập trung trí tuệ của Hội vào Kế hoạch hành động của Chính phủ về triển khai Kết luận 49-KL/TW; Tổ chức sinh hoạt chính trị “50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh và công tác khuyến học”; Ký kết song phương với một số Bộ, ngành (từ TƯ đến tỉnh) kế hoạch phối hợp hành động xây dựng xã hội học tập; Tổ chức điều tra xã hội học về lợi ích, hiệu quả của việc phát triển các mô hình học tập và sự hài lòng của người dân; Xây dựng tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập, đơn vị học tập cấp huyện và cấp tỉnh.

Số hội viên khuyến học cả nước năm 2019 là 20.017.083, đạt tỷ lệ 21,37% so với số dân trong cả nước (tăng 7,87% so với năm 2018). Đến nay, theo báo cáo của 35 tỉnh, thành phố, hiện có 284 trường (86 trường đại học, 198 trường cao đẳng) đã thành lập các tổ chức khuyến học. Theo báo cáo của 62 Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố, năm 2019 kết quả các mô hình học tập được công nhận đều tăng so với năm 2018: Mô hình “Gia đình học tập” đạt 15.372.740 (tăng 19,57%); Mô hình “Dòng họ học tập” đạt 76.950 (tăng 16,21%); Mô hình “Cộng đồng học tập” đạt 95.601 (tăng 14,06%); Đơn vị học tập đạt 47.902 (tăng 10,5%).

Về đánh giá chung, so với các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này đã tạo được ấn tượng tốt về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập với Chính phủ, Quốc hội, tổ chức Đảng các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều Bộ, ban, ngành, đoàn thể. Bước đầu tạo dựng được mối quan hệ với nhiều trường đại học và từng bước cùng với trường đại học xây dựng chức năng giáo dục đại học với việc học tập của người lớn. Phong trào khuyến học tiếp tục phát triển về tổ chức và hội viên, về các loại hình quỹ khuyến học. Phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập khá sôi nổi, thể hiện được sự đồng thuận của nhân dân với chủ trương khuyến học, khuyến tài. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến phong trào khuyến học. Đội ngũ cán bộ khuyến học từ Trung ương đến địa phương là những người nhiệt tình, năng nổ, tự nguyện và được tổ chức đảng và chính quyền tin cậy

Hội Khuyến học Việt Nam cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm 2019, như: Nhận thức của xã hội nói chung, kể cả một số cấp ủy về xây dựng xã hội học tập, về học tập của người lớn, về giáo dục thường xuyên chưa bắt kịp với xu thế thời đại; Trường đại học và doanh nghiệp chưa thực sự vào cuộc đối với sự nghiệp xây dựng xã hội học tập; Tính khép kín của giáo dục là một rào cản lớn với việc học tập của người lớn; Thách thức lớn nhất đối với giáo dục nói chung và khuyến học nói riêng là những yêu cầu cao của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0...

Xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về xã hội học tập'; thiết kế Đề án "Xây dựng mô hình công dân học tập, đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh”; tổ chức nghiên cứu quán triệt các tiêu chí đánh giá công nhận mô hình công dân học tập; phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo về “Công dân học tập” và vai trò của trường đại học”; mở rộng việc xây dựng kế hoạch phối hợp công tác khuyến học với những ban, ngành, đoàn thể, trường học và doanh nghiệp; kiện toàn các tổ chức của Hội trong quá trình các địa phương thực hiện Kết luận 102-KL/TW về xếp sắp hợp lý và tinh gọn bộ máy; phát triển Quỹ khuyến học các cấp; tập trung tuyên truyền rộng rãi trong xã hội phong trào xây dựng các mô hình học tập, giới thiệu các mô hình tiêu biểu; tổ chức quán triệt nội dung Kết luận 49 KL/TW đến các chi hội ở cơ sở; tập trung vào việc cụ thể hóa tiêu chí đảng viên là công dân học tập, gia đình đảng viên là gia đình học tập, chi bộ đảng là đơn vị học tập.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam trân trọng cảm ơn Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Bộ GD&ĐT trong thời gian vừa qua, đồng thời chia sẻ các thông tin liên quan đến cơ chế quản lý, chính sách phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra các kiến nghị, đề xuất liên quan đến cơ chế chính sách, hình thức phối hợp… với các Bộ/ngành để Hội Khuyến học các địa phương hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần 5, khóa V - 2
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam kỳ hợp thứ 5, khóa V.

Hội nghị Ban Chấp hành TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức chia tay 6 đồng chí được nghỉ không tham gia Ban Chấp hành; đồng thời tổ chức bầu 4 đồng chí bổ sung vào BCH TƯ Hội khóa V, nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: “Hội nghị đã giúp chúng ta nhìn lại công tác năm qua và phương hướng năm tới cũng như công tác tri ân nhân sự chia tay, tổ chức bầu bổ sung nhân sự mới. Thay mặt BCH, tôi cảm ơn các đồng chí cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập.

Tất cả các ý kiến đều thống nhất cơ bản với báo cáo của TƯ Hội khẳng định rằng trong năm 2019 chúng ta đã làm được nhiều việc và việc gì cũng có sản phẩm và kết quả rất tốt đẹp, thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, có kết quả tích cực từ trung ương đến địa phương. Tất cả các ý kiến cũng nhất trí, năm 2020 tiếp nối kết quả đạt được năm 2019 chúng ta sẽ chú ý tập trung vào 10 nhiệm vụ phương hướng của Hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng.

Chúng ta phải thật chú ý vấn đề đổi mới, sáng tạo và số hóa trong hoạt động. Nền kinh tế này là nền kinh tế chia sẻ, kết nối, kinh tế số… tác động trực tiếp đến phương hướng hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Khuyến học các cấp. Đặc biệt, sự đổi mới của sách giáo khoa, chủ trương mới trong giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp…”.

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần 5, khóa V - 3
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan kết luận Hội nghị.

“Năm 2020, chúng ta vẫn tập trung vào 2 khối: học tập của học sinh sinh viên và học tập của người lớn theo tỷ lệ 50-50. Chú trọng tuyên dương các gương mặt tiêu biểu trong công tác khuyến học để thực hiện một cuốn sách và một bộ phim về 5 năm xây dựng xã hội học tập. Việc ký kết hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp, doanh nhân; lực lượng vũ trang các địa phương để thúc đẩy triển khai tham gia Hội khuyến học… Làm sao để năm 2020, chúng ta phấn đấu hoàn thành tất cả mục tiêu đã đề ra để năm 2021 tổ chức Đại hội.

Hội cũng sẽ phối hợp thật tốt với các Hiệp hội Đại học trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở và việc học tập của người lớn”, PGS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Lệ Thu