Học viện Tư pháp đào tạo đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

(Dân trí) - Thực hiện theo Quyết định số 123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”, Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) vừa khai giảng lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế Khóa I năm 2017.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ khai giảng lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp chụp ảnh kỷ niệm tại buổi lễ khai giảng lớp đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Tại lễ khai giảng, ông Trần Minh Tiến - Trưởng phòng Đào tạo và Công tác học viên (Học viện Tư pháp) đã công bố Quyết định mở lớp đối với khóa học và báo cáo sơ bộ khóa học đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Theo đó, Khóa I có 31 học viên, học theo hình thức tín chỉ và thời gian đào tạo là 1 năm. Tham gia khóa học, các học viên sẽ được trang bị các kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật quốc tế, quy tắc đạo đức nghề nghiệp để đủ trình độ, kỹ năng tham gia các vụ tranh chấp quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhận định, đội ngũ luật sư hiện nay đang phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng giải quyết tranh chấp liên quan tới yếu tố nước ngoài của Việt Nam còn rất hạn chế.

Trong khi đó, thực tế tranh chấp quốc tế ngày càng nhiều, nhu cầu sử dụng luật sư ngày càng lớn mà chất lượng đội ngũ luật sư còn khá khiêm tốn, dẫn tới nhiều cơ quan, tổ chức phải thuê công ty luật nước ngoài tư vấn với chi phí cao, thiếu tính chủ động, tính bảo mật thông tin thấp.

Ông Lê Tiến Châu đánh giá cao những cố gắng của Học viện Tư pháp sau một thời gian dài chuẩn bị, nghiên cứu, xây dựng Chương trình khung đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế và triển khai nhiều hoạt động cụ thể.

Để khóa học đạt hiệu quả tốt nhất, ông Châu đề nghị Học viện Tư pháp cần lấy chất lượng đầu ra làm thước đo cho hiệu quả của chương trình đào tạo; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh các nguồn lực để triển khai hiệu quả chương trình học, không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, tạo các chính sách thu hút luật sư giàu kinh nghiệm về thỉnh giảng, từng bước xây dựng hệ thống giáo trình, đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận từng bước với hệ thống đào tạo tiên tiến của các nước trên thế giới…

Thứ trưởng Lê Tiến Châu hy vọng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế, các tổ chức hành nghề luật sư sẽ tăng cường phối hợp với Học viện Tư pháp trong các hoạt động cụ thể để cùng nhau phát triển nghề luật sư.

"Nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2017"

Cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Giám đốc Học viện Tư pháp Đoàn Trung Kiên khẳng định Học viện sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai thành công khóa học này cũng như các khóa tiếp theo.

“Đây là một mô hình mới, nhiệm vụ mới của Học viện Tư pháp. Trong gần 3 năm qua, Học viện đã xúc tiến nhiều hoạt động hợp tác trong nước và nước ngoài để xây dựng chương trình đào tạo và từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đào tạo sau khi có chương trình. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, Học viện Tư pháp đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Chương trình khung và trên cơ sở đó Học viện xây dựng, ban hành Chương trình đào tạo chi tiết”-ông Kiên cho hay.

Giám đốc Học viện Tư pháp- ông Đoàn Trung Kiên phát biểu tại lễ khai giảng.
Giám đốc Học viện Tư pháp- ông Đoàn Trung Kiên phát biểu tại lễ khai giảng.

Theo ông Kiên, Học viện Tư pháp xác định việc đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong năm 2017. Chính vì thế, Học viện đã tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động chuẩn bị cho việc mở lớp, bao gồm: quảng cáo Chương trình ở trong và ngoài nước, xây dựng Chương trình môn học; sưu tầm, thiết kế hệ thống giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống; tổ chức 10 khoá đào tạo tiếng Anh pháp lý cơ bản và nâng cao cho các đối tượng học viên tiềm năng của Chương trình; liên hệ mời giảng viên và tập huấn giảng viên tham gia giảng dạy cho Chương trình; ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Tư pháp và Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam; xây dựng Quy chế tuyển sinh; ban hành Quyết định về lệ phí tuyển sinh và học phí; các hoạt động trong quy trình thủ tục tuyển sinh...

Bên cạnh đó, ông Đoàn Trung Kiên cũng đã căn dặn các học viên mới nhập trường: “Các em phải xác định tâm thế, mục tiêu và nhiệm vụ của mình, nhanh chóng làm quen với môi trường, phương thức đào tạo của Học viện và lựa chọn phương pháp học tập một cách chủ động, tích cực. Lãnh đạo Học viện, các thầy cô giáo mong muốn và kỳ vọng các em sẽ học tập tốt, rèn luyện tốt trong cả khóa học và khi kết thúc khóa học sẽ đạt kết quả tốt theo đúng mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo”.

Thế Kha