Học trường quốc tế có bị "Tây" hóa?

Thay vì phải bỏ ra vài chục nghìn USD mỗi năm cho con đi du học thì nhiều phụ huynh đang có xu hướng chọn trường quốc tế tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn nhưng vẫn có chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế. Nhu cầu và cung ứng đều có, nhưng chất lượng đào tạo mô hình quốc tế này cũng còn không băn khoăn.

Học trường quốc tế có bị "Tây" hóa? - 1

Sự khác biệt trong giáo dục

Thời gian làm việc ở Anh nên chị Ngô Bình An (Hà Nội) đã từng cho con học các trường công lập của Anh quốc. Nói về nguyên nhân chọn trường quốc tế tại Việt Nam, chị An cho biết: “Hệ thống chương trình, tài liệu, giáo viên của trường quốc tế đều theo đúng mô hình ở Anh nên các con vẫn tiếp tục hòa nhập được với kiến thức, thói quen sẵn có. Điều khác biệt giữa trường quốc tế trong và ngoài nước chỉ là ở Việt Nam, các con được học thêm môn Tiếng Việt”.

Không theo học mô hình giáo dục trong nước, chị Ngô Bình An cho biết, nguyên nhân lớn nhất là cách đánh giá và mục tiêu trong giáo dục. “Ở Việt Nam, các trường công hay dân lập đều chú trọng vào kiến thức, đánh giá theo kiểu kiểm tra, thi cử thì ở trường quốc tế, các môn học được đánh giá theo cả quá trình, trong đó điểm kiểm tra chỉ là một phần.

Học sinh được nhận xét về nỗ lực, thái độ học tập và tập trung phát triển năng lực cá nhân. Ngoài ra, các hoạt động xã hội, ngoại khóa đều được nhấn mạnh và đưa vào bảng đánh giá chung của học sinh. Nhận xét của nhà trường đều là những chi tiết quan trọng để làm hồ sơ sau này cho mỗi học sinh muốn đăng ký vào trường đại học”, chị Ngô Bình An phân tích.

Còn với Nguyễn Thế Anh, cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam, sau khi xin được học bổng vào một trường quốc tế ở Hà Nội, điểm khác biệt rõ nhất mà Nguyễn Thế Anh nhận thấy là chương trình môn học được thiết kế thiên về thực hành, tập trung vào kỹ năng học tập và nghiên cứu như thu thập, phân tích, trình bày, thuyết trình. Đặc biệt, học sinh phải học cách quản lý thời gian hợp lý để hoàn thành các bài tập đúng hạn.

Bên cạnh việc học chính khóa, học sinh bắt buộc phải tham gia hoạt động ngoại khóa, âm nhạc, mỹ thuật, hoạt động tình nguyện và phục vụ cộng đồng, tất cả được triển khai từ lớp 6. Có những trường quốc tế, học sinh muốn đủ điều kiện để tốt nghiệp phổ thông sẽ phải tham gia hoạt động tình nguyện phục vụ cộng đồng, ít nhất 50 giờ/năm. Như vậy, nếu trường học trong nước vẫn tập trung vào kiến thức thì trường quốc tế lại trang bị đầy đủ ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng cho mỗi học sinh.

Băn khoăn chuyện “Tây hóa”

Sự xuất hiện của các trường quốc tế ở Việt Nam được đánh giá là đem lại ảnh hưởng tích cực đến nền giáo dục trong nước về phương pháp giảng dạy, môi trường giáo dục, cách thức quản lý, đặc biệt là đem đến chất lượng giáo dục được thế giới công nhận. Chính vì thế các bậc phụ huynh có nhiều hơn cơ hội chọn lựa môi trường học tập cho con em của mình: Học tập tại Việt Nam, gần gũi với gia đình, được nhận bằng cấp như học sinh du học tại Mỹ, Anh, Australia...

Tuy nhiên, không ít người lại lo ngại tình trạng học sinh Việt Nam học tại trường quốc tế sẽ mất đi truyền thống văn hóa dân tộc khi Bộ GD-ĐT vẫn chưa có khung chương trình giáo dục Việt Nam học áp dụng cho các trường quốc tế. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng thừa nhận, mặc dù Bộ GD-ĐT quy định các trường quốc tế bắt buộc phải tổ chức giảng dạy chương trình Tiếng Việt và Việt Nam học nhưng Bộ GD-ĐT lại chưa ban hành bộ tài liệu này.

Trong khi đó, phần lớn các trường lại chưa đủ nguồn lực về đội ngũ để tự biên soạn chương trình. “Hiện tại mới chỉ có 2 trường quốc tế đã biên soạn chương trình Tiếng Việt và Việt Nam học cho học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT chưa tiến hành thẩm định được vì thiếu khung chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.

Thực tế, bản thân các phụ huynh khi cho con theo học trường quốc tế cũng không hề mong muốn con mình bị “Tây hóa” hoàn toàn. “Chúng tôi đều rất ủng hộ việc nuôi dưỡng, gìn giữ ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam” - đại diện trường Quốc tế đa cấp Anh - BIS Hà Nội cho biết - “Để giúp các em yêu thích và dễ tiếp thu các môn học tiếng Việt gồm Văn học, Địa lý, Lịch sử, nhà trường phải đầu tư nhiều cho việc đào tạo giáo viên giảng dạy các môn này để họ có thể truyền tải các nội dung theo chương trình Việt Nam nhưng bằng phương pháp hiện đại giống như phương pháp giáo viên người Anh sử dụng để dạy các môn học bằng tiếng Anh”.

Mặc dù thiếu chuẩn để thẩm định chương trình Việt Nam học của các trường quốc tế nhưng đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Tham khảo chương trình Việt Nam học của trường quốc tế xây dựng thì thấy nội dung khá phong phú, cách thức truyền đạt hấp dẫn, sinh động, gắn liền thực tiễn. Việc tích hợp liên môn Văn - Sử - Địa được các trường này xây dựng thành những chủ đề đan xen kiến thức các môn học. Ví dụ như nói về chủ đề văn hóa truyền thống Tết dân tộc thì học sinh sẽ được hiểu cặn kẽ về nguồn gốc, sự tích bánh chưng, được trực tiếp gói bánh, thưởng thức sản phẩm của mình...

Hay như giới thiệu về Lễ hội Đền Hùng, các em được trang bị kiến thức dựng nước của Vua Hùng, về văn hóa phong tục thờ cúng tổ tiên, lý giải vì sao Vua Hùng chọn đất Châu Phong để đóng đô... Cách thức tích hợp, giảng dạy kết hợp trải nghiệm khiến học sinh hứng thú và sáng tạo”.

Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện đơn vị này đang kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành chương trình giáo dục bắt buộc đối với học sinh quốc tịch Việt Nam theo học ở các trường quốc tế. Đây cũng là nguyện vọng của các trường cũng như phụ huynh học sinh người Việt đang lựa chọn mô hình giáo dục quốc tế.

Đáp ứng nhu cầu đa dạng cho người học

Hiện nay, Hà Nội có 70 cơ sở giáo dục có hợp tác, đầu tư của nước ngoài từ bậc học mầm non đến THPT và một số khóa đào tạo ngắn hạn, chủ yếu là trung tâm ngoại ngữ. Trong số này có 21 trường học có vốn đầu tư nước ngoài. Mô hình này đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội nói chung và con em người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong lĩnh vực ngoại ngữ, người học được tiếp cận với phương pháp dạy học mới, được giao tiếp với giáo viên nước ngoài nên khả năng ngoại ngữ được nâng cao. Các cơ sở đã đăng ký hoạt động đều được Sở GD-ĐT Hà Nội thẩm định chương trình trước khi cấp Giấy phép hoạt động. Qua công tác phối hợp kiểm tra với các Sở, ban ngành liên quan, có thể thấy, các cơ sở này có quy mô ổn định, chương trình đào tạo tương đối phù hợp và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho người học.

Ngoài ra, việc sử dụng vốn đầu tư nước ngoài khiến nhiều trường quốc tế có ưu thế lớn về cơ sở vật chất với tiêu chuẩn và mô hình quốc tế, xu hướng hoạt động ổn định, phát triển lâu dài. Phần lớn các cơ sở giáo dục đều chú trọng xây dựng phòng học, phòng làm việc, phòng chức năng đạt tiêu chuẩn theo mô hình hệ thống toàn cầu, chú trọng tự đánh giá, đăng ký kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn có một số cơ sở đào tạo ngắn hạn có quy mô đào tạo nhỏ, cơ sở vật chất chưa tương xứng với mức học phí.

Bà Bùi Thị Minh Nga (Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD-ĐT Hà Nội)

Cơ hội du học trong nước với chi phí phù hợp

Trong số nhiều lựa chọn về thị trường du học thì du học tại chỗ đang là xu hướng được không ít phụ huynh quan tâm bởi chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với đi du học châu Âu, châu Mỹ. Nếu mức phí trung bình cho mỗi du học sinh Việt Nam tại Mỹ hay Australia phải từ 30.000 đến 40.000 USD/ năm thì mức học phí trường quốc tế tại Việt Nam vào khoảng 12.000-15.000 USD/năm.

Tại Việt Nam, hiện nay có các trường đại học quốc tế như RMIT, British University... đều là những trường có cơ sở vật chất và chương trình đào tạo rất tốt so với nhiều trường đại học trong nước. Tuy nhiên, cơ hội tốt nhất với học sinh Việt Nam muốn được rèn luyện trong môi trường quốc tế lại là những trường đại học công chất lượng quốc tế như ĐH Việt Nhật ở phía Bắc. Nhưng, hiện các ngành đào tạo và đối tượng đào tạo của trường này lại chưa đa dạng và có yêu cầu xét tuyển đầu vào khá cao.

Ông Nguyễn Tuấn Hải (Giám đốc Eton Grammar School)

Theo Vinh Hương/ANTD