Dịch Covid-19:

Học trực tuyến đã “biến” người thầy từ thuyết giảng sang bình luận viên

(Dân trí) - Vai trò của thầy và trò trong dạy học theo hình thức E – learning đã được thay đổi nhiều so với truyền thống. Đối với người thầy, họ đã chuyển từ người thuyết giảng, sang bình luận, tranh luận.

Với tình hình biến động khó lường hiện nay của dịch Covid -19, không chỉ các trường phổ thông mà hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam đều đã điều chỉnh phương thức giảng dạy học tập từ trực tiếp sang trực tuyến (E – learning) hoặc hình thức phối hợp (Blended - learning).

Do đó, vai trò của giảng viên và sinh viên trong quá trình dạy học cũng được thay đổi, điều chỉnh để cho phù hợp với hình thức giảng dạy mới.

Phóng viên Dân trí đã có buổi trò chuyện với TS. Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục (NAEM) về sự thay đổi vai trò của người giảng viên trong dạy học trực tuyến (Online) so với dạy học trực tiếp (Offline).

Phóng viên: Thưa TS, ông nhận định như thế nào về sự điều chỉnh hình thức giảng dạy hiện nay, chuyển từ giảng dạy trực tiếp, truyền thống sang giảng dạy trực tuyến trước sự ảnh hưởng tiêu cực, khó lường của dịch Covid 19?

TS. Cao Xuân Liễu: Các trường đại học điều chỉnh hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến hiện nay là sự ứng phó linh hoạt, khôn khéo và là tất yếu nếu không muốn kế hoạch đào tạo bị đảo lộn không thể kiểm soát.

Tuy nhiên, qua quan sát tôi thấy, rất nhiều trường gặp phải bỡ ngỡ, khó khăn trong giai đoạn đầu triển khai giảng dạy trực tuyến không chỉ về công nghệ mà còn năng lực và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Đặc biệt là giảng viên, họ đang quen với phương thức giảng có tương tác thầy – trò trên lớp nên sự thay đổi này sẽ làm cho họ lúng túng khi triển khai.

Học trực tuyến đã “biến” người thầy từ thuyết giảng sang bình luận viên - 1

TS. Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục

Vậy theo ông, so với giảng dạy trực tiếp trên lớp thì vai trò của giảng viên đã thay đổi như thế nào khi giảng dạy trực tuyến?

Hai thành tố rất quan trọng và không thể thiếu được trong quá trình dạy học là thầy và trò. Tuy vậy, vai trò của thầy và trò trong dạy học theo hình thức E – learning đã được thay đổi khá nhiều so với hình thức dạy học truyền thống.

Đối với người thầy, chúng tôi cho rằng, vai trò của họ đã chuyển từ lecturer sang commentator (hay nói cách khác là từ người thuyết giảng, trình bày sang người bình luận, tranh luận).

Thực vậy, nếu theo dạy học truyền thống thì người thầy chủ yếu truyền thụ, cung cấp kiến thức (hiểu theo đúng nghĩa của từ lecturer).

Giảng viên lúc này có trách nhiệm truyền đạt nội dung kiến thức theo chương trình, theo kế hoạch cho sinh viên nhằm đảm bảo mục tiêu hình thành kiến thức và năng lực cho người học. Trong đó người thầy chú trọng về mặt kiến thức. Vì vậy, khối lượng công việc giảng dạy của họ là đồ sộ, thậm chí họ phải  ‘‘căng mình’’ để tích tụ kiến thức để rồi sau đó truyền dạy lại cho học trò.

Trong giảng dạy trực tuyến, giảng viên lúc này đóng vai trò là người commentator thì một mặt họ vừa là người lecturer, nhưng họ lại vừa đóng vai của người commentator.

Trong đó, tỉ trọng phần commentator nhiều hơn rất nhiều so với phần lecturer. Điều này hoàn toàn đúng theo bản chất của đào tạo trực tuyến mà các nước phát triển trên thế giới đang áp dụng cũng như hiện nay các trường đại học ở Việt Nam đang áp dụng trong cuộc chiến chống dịch Covid -19.

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều vấn đề (nội dung) ngoài những gì mà nội dung chính thức được cung cấp bởi giáo trình, giảng viên đã mở rộng các vấn đề liên quan gần hoặc xa (thậm chí các vấn đề của cuộc sống) mà sinh viên có nhu cầu được tham vấn.

Lúc này, vai trò của người thầy không chỉ còn là truyền thụ nữa, sinh viên cũng không chỉ là người lĩnh hội nữa mà thực sự cả hai đã chuyển thành những commentator để chuyển giao cho nhau các ý tưởng, suy nghĩ.

Trong các cuộc thảo luận trên diễn đàn đó, nhiều bình luận (comments) của giảng viên đã được sinh viên ghi nhận và biến nó thành kiến thức, kinh nghiệm của mình.

Người thầy cũng đã “trưởng thành” lên rất nhiều từ những ‘‘comment’’ của người học. Có nhiều ý tưởng xuất phát từ những bình luận của sinh viên mà trước đó người thầy không có hoặc chưa thể nghĩ ra. Lúc này, lecturer đã chuyển thành commentator thực thụ.

Ngoài ra, với ưu thế là học E – learning nên mối quan hệ giao tiếp của giảng viên – sinh viên không đến nỗi quá nguyên tắc và cứng nhắc như trong dạy học truyền thống.

Sự tương tác ở đây chủ yếu dựa trên diễn đàn và “bàn phím” nên sự mặc cảm, rụt rè, e ngại của sinh viên được giảm thiểu rất nhiều. Các em cởi mở hơn trong việc bình luận các case (tình huống), khoảng cách giảng viên – sinh viên được rút ngắn lại nhưng không vì vậy mà sự tôn trọng thầy – trò bị giảm sút. Sinh viên tự tin trở thành commentator và giảng viên cũng vậy.

Quá trình “tương tác ngược” một cách kịp thời với giảng viên về nội dung bài luyện tập, bài thực hành càng làm cho vai trò commentator của giảng viên được khẳng định cao hơn. Đây cũng là một đặc tính của đào tạo ở bậc đại học. Tính tự do, khai phóng trong học thuật được hình thành và phát triển ở cả thầy lẫn trò.

Như vậy, vai trò của giảng viên trong đào tạo đại học theo hình thức e – learning đã được thay đổi so với hình thức đào tạo truyền thống (offline).

Từ một người lecturer (thuyết giảng là chủ yếu) đã chuyển sang người commentator (bình luận và chia sẻ là chủ yếu). Điều này vừa phù hợp với tính chất đào tạo trực tuyến vừa phát huy được ý tưởng sáng tạo của cả người học lẫn người dạy.

Học trực tuyến đã “biến” người thầy từ thuyết giảng sang bình luận viên - 2

Buổi tập huấn kỹ thuật, trao đổi về phương pháp giảng dạy – học tập trực tuyến của Học viện Quản lý giáo dục.

Để đạt được hiệu quả cao trong dạy học trực tuyến, giảng viên cần phải có những năng lực và phẩm chất liên quan như thế nào?Học viện Quản lý giáo dục có những hành động nào để nâng cao chất lượng giảng dạy bằng hình thức e – learning?

Tôi cho rằng, các phẩm chất và năng lực của giảng viên giảng dạy theo phương thức này cần đạt đến các yêu cầu sau đây:

Khả năng chia sẻ và thấu cảm: Vì tương tác giao tiếp ở đây là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím” nên sinh viên rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng họ. Tính kiên trì và khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc người khác được đánh giá cao ở những giảng viên giảng dạy trực tuyến.

Lượng kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, dồi dào để trả lời cho những câu hỏi (kể cả những câu hỏi ngoài nội dung chương trình học) đòi hỏi giảng viên bên cạnh kiến thức chuyên môn học phần phụ trách phải có vốn kiến thức rộng, uyên bác. Có như vậy, giảng viên mới có thể điều hướng, chỉ dẫn và khai phóng được tư tưởng, lối tư duy của sinh viên.

Am hiểu định dạng về đào tạo trực tuyến, thiết kế được bài giảng, tài liệu khóa học. Đặc biệt, giảng viên cần tuân thủ một số nguyên tắc trong dạy học trực tuyến như: tạo môi trường khuyến khích sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên; Đa dạng các hoạt động trong lớp học; Phản hồi tích cực và kịp thời tới từng sinh viên; Thường xuyên thông báo thời hạn của các hoạt động tới sinh viên, giúp sinh viên chủ động hoàn thành bài tập….

Để ứng phó với dịch Covid -19, ngay từ đầu tháng 3/2020, Học viện Quản lý giáo dục đã triển khai đồng bộ giảng dạy trực tuyến bằng phần mềm Hangout Meeting tới tất cả các lớp đào tạo.

Học viện đã tập huấn phần mềm, kỹ thuật và chia sẻ, trao đổi về phương pháp giảng dạy – học tập trực tuyến cho toàn bộ giảng viên, sinh viên của Học viện.

Qua quan sát, tôi thấy sau hơn 1 tháng triển khai, bước đầu có những tín hiệu tích cực của hình thức giảng dạy trực tuyến, vai trò của giảng viên đã chuyển dần sang là commentator nhiều hơn là lecturer.

Xin trân trọng cám ơn ông!

 Hồng Hạnh