Học trò ngã khuỵu khi “bí mật” bị tiết lộ

(Dân trí) - Nhân câu chuyện 8 học sinh ở Thanh Hóa bị kỷ luật vì lập nhóm chat "nói xấu" thầy cô giáo, mới thấy thêm rằng không ít vấn đề cá nhân của học sinh dễ dàng bị "bật mí" bởi chính giáo viên, nhà trường...

Vô tình hoặc cố ý, ngay trong học đường, nhiều bí mật thuộc đời sống riêng tư của học trò bị tiết lộ một cách công khai với những câu chuyện mặn chát.

"Em nào là... "

26 tuổi, chuẩn bị lập gia đình, cô gái trẻ tên T. vẫn khắc khoải nhớ về thời gian cách đây mười mấy năm, khi con là nữ sinh cấp 2. Lần đó, trong giờ học nhạc, thầy giáo yêu cầu cô hát "Và mẹ em chỉ có một trên đời...". Mẹ qua đời để lại những mất mát quá lớn, em T. không hát nổi đã thành lớn chuyện, ầm ĩ cả trường.

Cũng như tất cả mọi người, học trò cũng có những bí mật về đời tư cần được bảo vệ (Ảnh mang tính minh họa)
Cũng như tất cả mọi người, học trò cũng có những bí mật về đời tư cần được bảo vệ (Ảnh mang tính minh họa)

Từ đó, mỗi thầy cô vào nhận lớp, đều hỏi: "Em nào là T.?" Cứ vậy, T. lại phải đứng dậy cho thầy cô nhận mặt và "trừ" em ra với lý do để tránh tổn thương học trò. Cùng với nỗi đau mất mẹ, câu hỏi "Em nào là..." trở thành nỗi đau khủng khiếp trong cô học trò mà có thể chính giáo viên cũng không ngờ họ đã làm cô bé đau đớn tận cùng.

Một chuyên gia giáo dục tâm lý kể, bà được tiếp nhận nhiều trường hợp có thể gọi là "bí mật học đường" vô cùng đau lòng. Một người mẹ có con gặp chút vấn đề về sức khỏe bẩm sinh, con học tại một trường tiểu học có tiếng và may mắn hơn, lại được học với một giáo viên tiểu học nhưng học đến Tiến sĩ. Sau buổi nói chuyện với cô vào đầu năm - với mong muốn cô hiểu được tình hình của con - chị không tin nổi cô nói với trước lớp: "Bạn N.H. không được bình thường nên đừng động vào bạn và bạn H. cũng đừng động vào ai nha".

Trường hợp khác, giáo viên khi nhận lớp, công khai hỏi học trò: "Lớp mình năm nay có bạn nào không đầy đủ cả bố cả mẹ không? Năm ngoái, không có bạn nào nên cô hy vọng năm nay cũng thế". Có thể xuất phát từ việc cô quan tâm, lo lắng tình trạng bố mẹ ly hôn ảnh hưởng đến học trò nhưng cách tiếp cận quá ư "hồn nhiên". Không chỉ với những em bố mẹ ly hôn mà còn "gây khó" với những em trong gia đình mẹ đơn thân, hay những gia đình có hai cha, hai mẹ...

"Bố đi tù, mẹ lấy chồng Đài Loan"

Cô học trò lớp 8 bỏ học đúng sau ngày em được trao tặng học bổng dành cho học sinh khó khăn của một tổ chức kết hợp với nhà trường. Để hồ sơ được xét, em phải nộp các hồ sơ, giấy tờ và trình bày về chi tiết về hoàn cảnh gia đình.

Lễ trao học bổng có bạn bè cùng lớp, học sinh cả khối tham dự, cô dẫn chương trình đọc rành rọt: Em N. có hoàn cảnh đặc biệt - bố đi tù, còn mẹ bỏ em từ nhỏ đi lấy chồng Đài Loan - nhưng vẫn nỗ lực vươn lên... cô học trò chỉ muốn khụyu xuống khi cầm 3 triệu đồng tiền học bổng.

Sau buổi đó, mấy cô bạn thân tò mò bắt N. kể về gia cảnh vì sao bố đi tù, mẹ đi lấy chồng có gửi tiền về không... Còn bạn bè khác nhìn N. chỉ trỏ, xầm xì. Gần 2 tuần sau ngày N. nghỉ học, giáo viên đến động viên. em mới quay lại lớp với một nỗi chán chường tận cùng...

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 10, TPHCM cho biết, bà từng từ chối nhiều tổ chức, cá nhân vào trường để cấp học bổng cho học sinh. Thậm chí, có khi bà trở lời càn: "Trường tôi không có em nào nghèo hết".

Nhiều nơi, yêu cầu học sinh phải trình bày chi tiết về hoàn cảnh gia đình và sử dụng các thông tin đó để tuyên truyền, chia sẻ... Những điều này vô tình tiết lộ nhiều thông tin cá nhân của học sinh mà các em không sẵn sẵn công khai.

"Việc cung cấp thông tin đời tư, riêng tư của các em đều cần phải cân nhắc một cách cẩn thận. Người lớn có thể thấy bình thường nhưng với các em, độ tuổi cái tôi rất lớn nhưng chưa được định hình rõ là điều nhiều em không thể đối diện được", bà cho hay.

Bà cũng thừa nhận, nhiều trường học, giáo viên quá "tự nhiên" trong việc công khai các vấn đề riêng tư của học trò mà không cân nhắc đến hậu quả. Có giáo viên lên lớp họp chủ nhiệm là lôi về đời tư của các em như bố mẹ đi tù, nghiện ngập. Hay có những trường vẫn đọc vanh vách đọc "tội" của học trò trong giờ chào cờ...

Trong lần tập huấn về tư vấn học đường cho giáo viên ở TPHCM, bác sĩ chuyên khoa tâm thần Nguyễn Minh Tiến, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TPHCM, nhấn mạnh, trong mọi vấn đề của học trò, quan trọng nhất là yếu tố bảo mật. Có những thông tin mà học trò chia sẻ, chỉ giáo viên tư vấn được biết và không được tiết lộ với người khác.

Trong trường hợp, vấn đề đó cần phải nhiều bên như phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, nhà trường vào cuộc thì phải làm sao đảm bảo được việc học sinh không biết rằng mọi người cùng biết.

Thế nhưng, yêu cầu cơ bản trong tâm lý này không hề dễ thực hiện trong nhà trường, nhất là khi không ít quản lý giáo viên thiếu tâm lý, lại cho mình cái quyền "thâm nhập" đời tư của các em...

Hoài Nam