Bạn đọc viết:

“Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy”

(Dân trí) - Mở trang báo Dân trí, tôi bắt gặp một bài viết với tiêu đề ấn tượng “Bóng đá Việt Nam và chuyện về… người thầy”. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết này nhiều lần và thấm thía vô cùng từng câu chữ của tác giả Hoài Nam - “Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy!”.

Park Hang Seo - cái tên đang làm nức lòng người hâm mộ Việt Nam khi lần thứ hai đưa đội tuyển bóng đá Việt chạm vào “kỳ tích”. Ông không chỉ là một huấn luyện viên giỏi mà còn là một người thầy đức độ, một nhà giáo dục tâm huyết, như chính lời ngợi khen của tác giả bài viết.

Một huấn luyện viên không chỉ đánh giá đúng thực lực của từng cầu thủ, ông còn trao niềm tin vào tay mỗi người. Có niềm tin, có tất cả! Chân lý hiển nhiên ấy đã được vị huấn luyện viên đến từ đất nước kim chi khẳng định một cách mạnh mẽ nhất thông qua quá trình dẫn dắt bóng đá Việt suốt thời gian qua. Bởi vậy, mỗi khi nhắc đến ông, người ta trân trọng và yêu mến gọi “Thầy Park”!

Thầy Park của đội tuyển bóng đá Việt còn ghi điểm bằng tấm gương vượt khó, nhiệt thành vượt qua rào cản ngôn ngữ và chấp nhận thất bại, không đổ lỗi, không trốn tránh trách nhiệm sau khi chúng ta để lỡ cơ hội đứng trên bục vinh quang cao nhất ở Olympic Thường Châu.

Từ tấm gương của thầy Park, tác giả Hoài Nam liên hệ với hình ảnh người thầy trong giáo dục Việt Nam. Và chúng ta đã vỡ òa nhiều điều thú vị. Cảm ơn những câu từ chí lý và chí tình của tác giả…

“Giáo viên giỏi là người nắm rõ tố chất, khả năng, cá tính của từng học sinh để giúp các em phát huy năng lực cá nhân”. Đây cũng chính là mục tiêu của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay: Phát huy năng lực người học. Tuy nhiên, nền giáo dục của chúng ta vẫn đang chú trọng về kiến thức, thi cử, thành tích, bằng cấp.

Chính vì vậy, học sinh đang bị ép vào cái khuôn chung những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng. Chúng ta đang buộc trò phải làm bài văn bao nhiêu dòng, phải giải bài toán theo đúng cách thầy dạy, phải ngồi học nghiêm túc và đúng chuẩn mực…

Chúng ta đôi lúc quên mất rằng mỗi học sinh là một cá thể riêng biệt có sở trường, sở đoản, sở thích riêng. Giáo dục theo kiểu “cào bằng” đang dần triệt tiêu khả năng sáng tạo và hứng thú của người học một cách âm thầm đáng lo ngại.

Trao niềm tin cho trò - đó là cách thức hữu hiệu nhất giáo dục một con người. Điều này đã được minh chứng bằng thực tiễn.

Có những cô cậu học sinh suốt ngày đối diện với những lời chê bai của giáo viên đến mức ám ảnh và trở nên tự ti vào năng lực của bản thân. Vậy nhưng, chỉ cần một lời khen đúng lúc về một biểu hiện tích cực nhỏ nhoi nào đó, mọi thứ bỗng sáng bừng. Niềm tin nhen nhóm thành động lực phấn đấu, họ đã thành công. Và người thầy với lời khen nhỏ bé ngày xưa mãi mãi là mốc son làm thay đổi cuộc đời.

Có những cô cậu học trò bị xem là “cá biệt”, không thể giáo dục, không thể dạy dỗ và cần cách ly khỏi môi trường học đường. Vậy nhưng, trong vô số những người thầy đang đánh giá đầy tiêu cực về em ấy, chỉ cần một người thầy còn niềm tin vào sự hướng thiện cùng lòng kiên trì, nhẫn nại cảm hóa, kỳ tích đã xảy ra.

Những người thầy tin trò và sẵn sàng trao niềm tin cho trò không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống. Chỉ tiếc là người thầy ấy không nhiều, không phổ biến để có thể tạo ra nhiều điều khác biệt trong giáo dục.

Tôi rất đồng tình với nhận định thẳng thắn của tác giả: “Hoàn cảnh, khó khăn luôn là cản trở, giáo dục phải cải thiện nhiều mặt để thầy cô phát huy được năng lực. Nhưng tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh, né tránh trách nhiệm của mình mới là cản trở lớn nhất cho mọi sự phát triển”.

Có những người thầy vẫn ngày ngày lên lớp theo trách nhiệm, vào giảng hết bài rồi ra về… Có những người thầy vẫn còn “chung thủy” với phương pháp dạy học truyền thống thầy đọc - trò chép dù ngoài kia rầm rộ đổi mới… Có những người thầy vẫn còn mặc định quyền uy cho rằng mình luôn luôn đúng và trò phải nhất nhất nghe theo…

Liệu tôi có quá lời và nhận định có phần bi quan, tiêu cực không?

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!