Học trò lo sợ bạo lực học đường

(Dân trí) - Khi Giám đốc Sở Giáo dục TPHCM hỏi cụ thể về tình trạng bạo lực học đường, một học sinh THPT cho biết: “Ngày hôm qua thôi, học sinh trường em đánh nhau, mang theo cả lưỡi lam…”.

Áp lực học tập, băn khoăn hiệu quả học Ngoại ngữ và lo lắng về môi trường học đường là những tâm tư của học sinh (HS) TPHCM chia sẻ tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố được tổ chức sáng 25/3.

“Học sinh đánh nhau trong trường, mang cả lưỡi lam…”

Em Trần Nguyễn Thụy Khanh, học sinh (HS) lớp 6, Trường THCS Lạc Hồng, Q.10 cho rằng gần đây, hành vi bạo lực diễn ra môi trường học đường rất nhiều và đáng sợ. Khi xem clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Trà Vinh, các bạn HS rất hoang mang, lãnh đạo cần đưa ra những biện pháp kỷ luật mạnh hơn để răn đe.

Học trò lo sợ bạo lực học đường
Em Trần Nguyễn Thụy Khanh: “Mới hôm qua đây thôi, học sinh trường em còn mang lưỡi lam vào trường đánh nhau…”.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ông Lê Hồng Sơn hỏi lại: “Em có thể nói cụ hơn về tình trạng bạo lực học đường mà mình gặp không?”. Cô học trò đáp: “Ngay trường em cũng có. Mới hôm qua đây thôi, các bạn HS đánh nhau, còn mang cả lưỡi lam vào trường”.

Còn em Trần Thu Phương, lớp 7/3, THCS Trần Gia Thiều phản ánh tình trạng trong trường học học trò chửi thề, nói tục rất nhiều. Phổ biến đến mức, các bạn nói ra những ngôn từ “không đẹp” như một thói quen bình thường mà không hề ý thức rằng mình đang chửi thề.

Học trò lo sợ bạo lực học đường
Trần Thu Phương, HS Trường THCS Trần Gia Thiều: “Học sinh chửi thề, nói tục nhiều như một thói quen bình thường”.

Trước “vấn nạn” lối sống, tâm sinh lý của học trò ngày càng phức tạp, em Võ Ngọc Phương Thảo, HS lớp 11 ở Thủ Đức cho rằng, các trường đang thiếu đội ngũ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp có thể hỗ trợ kịp thời HS.

“Trong khi thiếu chuyên gia tâm lý, em nghĩ chúng ta nên tận dụng mạng xã hội. Rất nhiều vấn đề các bạn không thể chia sẻ với bạn bè, thầy cô và bố mẹ, vậy nên chăng thành lập các trang trực tuyến tư vấn giúp học trò giải quyết vấn đề tốt nhất”, Phương Thảo đề xuất.

Học Ngoại ngữ mà… toàn chép!

Việc học nặng lý thuyết, trên lớp chủ yếu việc đọc - chép là chuyện năm nào HS cũng phản ánh trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành. Em Phạm Thị Thanh Phụng cho rằng mỗi tiết học chỉ 45 phút mà có một số môn các em phải ngồi chép 4 - 5 trang thì không biết nghe giảng vào lúc nào.

Theo Phụng, với chương trình như hiện nay, ngành Giáo dục phải giải quyết được bài toán làm sao để học được nhiều, hiệu quả mà không quá áp lực, nhất là không để lãng phí quá nhiều ở phần lý thuyết.

Học trò lo sợ bạo lực học đường
Nhiều học trò phàn nàn về hình thức dạy học tiếng Anh mà toàn phải chép, kỹ năng nghe - nói chưa được chú trọng.

Môn học bị HS phàn nàn “đặc chữ” chép mỏi tay không phải là Sử, Sinh hay Giáo dục công dân… mà lại là Ngoại ngữ. Hàng loạt ý kiến của HS lên tiếng về tình trạng học Ngoại ngữ còn nặng lý thuyết, ít thực hành các kỹ năng để vận dụng vào thưc tế.

Em Nguyễn Võ Minh Hiếu, HS Trường THPT Nhân Việt bày tỏ môn Ngoại ngữ còn quá nặng về ngữ pháp, trong khi HS lại rất yếu các kỹ năng nghe, nói. Hay em Đào Anh Sơn (THPT Lê Quý Đôn) chỉ ra rằng có những tiết học Ngoại ngữ, bài tập có trong sách mà giáo viên yêu cầu HS chép đi chép lại 2 - 3 lần. Thay cho việc chép như vậy, em thắc mắc sao không tập trung luyện kỹ năng nghe, nói nhiều hơn.

Thanh Vân, sinh viên CĐ Kinh tế TPHCM chỉ ra chương trình tiếng Anh lặp đi lặp lại về lối văn phạm, sách giáo kho có phần nghe - nói - đọc - viết nhưng ít được luyện tập.

Ngoài ra, nữ sinh này cũng đề cập nghịch lý trong các kỳ thi, môn Ngoại ngữ chủ yếu tập trung thi trắc nghiệm, viết đã hạn chế việc luyện kỹ năng nghe - nói. Thậm chí việc luyện nghe - nói không hỗ trợ cho việc thi cử làm mất động lực học tập của HS.

Lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM đối thoại với học trò
Lãnh đạo ngành Giáo dục TPHCM đối thoại với học trò.

Hình thức thi cử thay đổi cũng là quan tâm của rất nhiều HS. Việc thi cử giảm tải đâu chưa thấy rõ nhưng do cách thi thay đổi tạo áp lực cho HS. Minh Trọng, HS Trường THPT Tân Phú cho biết, ở trường mình, các em học lớp 11 nhưng đã học trước chương trình lớp 12, để kịp sang học kỳ 2 của lớp 12 tập trung cho việc ôn thi đại học. Phía thầy cô cũng bị động vì không biết năm nay đổi mới, rồi năm sau có thay đổi nữa hay không.

Người đứng đầu ngành Giáo dục TPHCM cùng 4 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cùng tham dự buổi đối thoại với 165 HS đến từ các Trường THCS, THPT, TTGDTX và các trường Cao đẳng, Trung cấp. Nhiều kiến của các em được lãnh đạo ngành giải đáp trực tiếp cũng như nhiều ý kiến được ghi nhận để Sở GD-ĐT TPHCM có những chỉ đạo, hướng giải quyết phù hợp.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp, ngành Giáo dục TPHCM tổ chức đối thoại với các em HS, thông qua đó tiếp nhận những tâm tư, trăn trở của học trò cũng như nắm bắt thực tế của các đơn vị thông qua ý kiến chia sẻ của học trò.
 

Học Ngoại ngữ không phải để thi

Trả lời học sinh về việc học Ngoại ngữ, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, so với các tỉnh thành, học trò TPHCM được đánh giá cao về khả năng Ngoại ngữ thông qua các kỳ thi, hay qua tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Việc dạy học Ngoại ngữ được thành phố chú trọng như chương trình tiếng Anh tăng cường bắt đầu được thực hiện 15 năm nay, sử dụng giáo viên bản ngữ… Có thể chủ trương chưa đến được tất cả HS nhưng tỷ lệ HS có thể vận dụng tiếng Anh vào thực tế, giao tiếp, làm việc của thành phố rất lớn.

Định hướng dạy học Ngoại ngữ của Sở GD-ĐT là học không phải để thi mà để rèn luyện khả năng nghe nói, khả năng sử dụng cho HS. Còn việc Ngoại ngữ hiện nay là do Bộ GD-ĐT phải dựa trên mặt bằng chung của cả nước để chọn hình thức phù hợp.

Hoài Nam
 

 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!