Bạn đọc viết:

Học thêm sẽ xấu khi người ta dùng nó làm “chiêu bài”

(Dân trí) - Học thêm sẽ xấu khi người ta dùng nó làm “chiêu bài” ngụy tạo cho những mục đích khác: giáo viên thì kiếm tiền, cha mẹ thì có được niềm an tâm giả tạo, con cái thì đến lớp lấy lệ. Còn điều quan trọng nhất của việc học thêm là tăng cường tri thức lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

 Sao vấn đề học thêm bao nhiêu năm rồi vẫn nóng, vẫn gây tranh cãi nhiều như vậy? Phải chăng đó là do mọi người chưa phân biệt rạch ròi được những ưu và nhược điểm của nó?

Theo tôi, học thêm xét về bản chất vốn không hề xấu như mọi người thường nghĩ vì học thêm hay học chính cơ bản đều là học để mở mang kiến thức. Có khác chăng chỉ là khác về hình thức bên ngoài: một đằng diễn ra vào giờ hành chính, tuân thủ theo đúng chương trình sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT ban hành, tại nơi chuyên biệt dành riêng cho việc dạy và học, có người quản lý. Còn một đằng diễn ra ngoài giờ hành chính, theo giáo án riêng của mỗi giáo viên (tùy vào khả năng và phương pháp), môi trường học tập ở nhà riêng hoặc thuê địa điểm. Nếu thầy tận tụy với việc dạy, trò tận sức với việc học thì học thêm có khi còn tốt hơn học chính, chỉ sợ là tâm thế của người dạy và người học không được như vậy thôi.

Trong thời đại mở như ngày nay thiết nghĩ việc học càng cần được nhìn dưới một góc độ thoáng hơn. Không nên chỉ bó hẹp ở môi trường chính quy mới cho là đúng. Thực tế có nhiều phương thức để học ví dụ như học ở nhà, học tại chức, học tự xa, học trực tuyến, học qua việc trao đổi, thảo luận v.v…, vậy tại sao không xem học thêm cũng là một kênh học tập để nâng cao kiến thức?

Tổ chức học thêm đơn giản là tuân theo quy luật cung cầu của thị trường,  phụ huynh học sinh có nhu cầu học tập , thầy cô có tri thức, một bên cần mua, còn một bên cần bán, cả hai tự nguyện gặp gỡ, thỏa thuận và nhất trí hợp tác , rất đúng với tinh thần của Luật Lao động, có gì là xấu? Thầy cô kiếm tiền dựa vào chất xám, thời gian, sức lực của mình, học sinh  thì mở được một cánh cửa vào kho tàng tri thức. Trao đổi công bằng, hợp lý mà lại ngăn chặn, cấm cản là sao?

Học thêm còn có một cái lợi là trò được thoải mái chọn thầy, ai dạy tốt thì mình học, ai dạy kém thì thôi, trong khi học ở trường học sinh hoàn toàn bị động bởi sự sắp xếp ngẫu nhiên của ban giám hiệu (thế nên mới có hiện tượng chạy trường, chạy lớp cho con để mong được học tập trong một môi trường tốt nhất). Hơn nữa, không khí giờ học thêm thường tự do, ít cứng nhắc, quy phạm, đó là điều kiện thuận lợi để học sinh dễ dàng bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân với thầy cô mà không sợ sai, không sợ sức ép của điểm số.

Học thêm chỉ xấu trong những trường hợp sau:

Thứ nhất: Về phía giáo viên:

- Biến học thêm thành công cụ kiếm tiền, ép học sinh đi học, trù dập những học sinh không đi học, tác động vào tâm lý bố mẹ học sinh hoặc học sinh để gia đình buộc phải cho con em đến lớp học thêm.

- Lấy giờ dạy thêm thay thế cho giờ học chính,  bỏ chương trình trên lớp để dành dạy ở nhà, hoặc cố ý cho trước đề kiểm tra trên lớp để học sinh đi học thêm được điểm cao hơn.

Thứ hai: Về phía phụ huynh:

- Biến việc học thêm thành phương tiện ganh đua, con nhà họ được đi học thêm, con nhà mình cũng phải đi học thêm bằng mọi giá, nhất định không chịu thua kém.

- Thúc ép trẻ đi học không quan tâm đến thực tế trẻ bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức trong một ngày, không có thời gian ăn ngủ, vui chơi, thư giãn để tái tạo năng lượng và niềm hứng khởi.

Thứ ba: Về phía học sinh:

Lợi dụng tâm lý “sính” học thêm của bố mẹ để xin tiền vô tội vạ hoặc lấy lý do học thêm để trốn việc nhà, tuy có đi học thật nhưng  đến lớp chơi là chính.

Tóm lại, học thêm sẽ xấu khi người ta dùng nó làm “chiêu bài” ngụy tạo cho những mục đích khác: giáo viên thì kiếm tiền, cha mẹ thì có được niềm an tâm giả tạo, con cái thì đến lớp lấy lệ. Còn điều quan trọng nhất của việc học thêm là tăng cường tri thức lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Phân tích toàn bộ những ưu và nhược điểm của học thêm để các bậc phụ huynh có cái nhìn thấu đáo không thiên lệch. Học thêm cũng có trăm hình, muôn vẻ, không nên cứ nhắc đến học thêm là phản đối kịch liệt hoặc ủng hộ nhiệt tình. Thực tế có rất nhiều người tài giỏi, thủ khoa các trường đại học này, đại học kia không hề đi học thêm mà vẫn thành công nhờ con đường tự học. Nhưng một thực tế khác lại có những người giỏi lên nhờ việc học thêm. Vì vậy không thể nhận xét phiến diện một chiều rằng học thêm là tốt hoặc không tốt, là cần thiết hoặc không cần thiết.

Quan trọng là trước khi quyết định có cho con đi học thêm hay không, cha mẹ nên xét đủ các yếu tố sau:

Thứ nhất: phải xem sức học của con mình như thế nào để lựa chọn trình độ lớp tương ứng (nếu  khá, giỏi thực sự thì phải học lớp nâng cao, nếu trung bình thì học lớp củng cố kiến thức, nếu yếu kém thì phải học lại từ đầu). Việc học thêm ồ ạt, tất cả đều nhét chung một lớp theo tôi chẳng có tác dụng gì, nên ở nhà cho khỏe.

Thứ hai: phải tìm được thầy giỏi phù hợp với trình độ của con. Thầy giỏi ở đây không có nghĩa là học cao, có bằng cấp nhiều vì người tốt nghiệp đại học, cao học dạy cấp ba chưa chắc đã phù hợp với con mình bằng người tốt nghiệp cao đẳng dạy cấp hai. Thầy giỏi cũng không có nghĩa là phải có tiếng tăm vì nhiều khi những thầy cô quen dạy các học sinh giỏi luyện thi đội tuyển cấp thành phố, cấp quốc gia lại không phù hợp với việc dạy học sinh ở sức học trung bình đang chỉ cần ôn kiến thức cơ bản là đủ.

Thứ ba: phải có điều kiện kinh tế đáp ứng được mức học phí, nếu khá giả thì tốt rồi, nếu thiếu thốn, khó khăn thì thôi, chẳng cần thiết phải nhịn ăn, nhịn mặc, đau đầu nhức óc để xoay đủ tiền cho con học thêm. Vì học thêm không phải là cách duy nhất để học tốt.

Thứ tư: phải xét hoàn cảnh riêng của từng gia đình, ví dụ với những ông bố bà mẹ thực sự quá bận rộn,quay cuồng với công việc, không có một chút thời gian nào để dành cho con thì nên đi học thêm, còn với gia đình bố hoặc mẹ có chút ít thời gian rảnh thì nên tự dạy con học nhất là ở bậc tiểu học, điều này hoàn toàn có thể, chỉ cần các ông bố hãy bớt la cà quán xá, nhậu nhẹt bia rượu, trà thuốc chém gió, những bà mẹ hãy bớt làm đẹp và đi chợ, buôn chuyện tầm phào chắc chắn sẽ tận dụng được rất nhiều thời gian cho con. Nếu con đã học cả ngày ở trường rồi, về nhà lại có thêm bài tập thì hãy để các cháu được nghỉ ngơi. Hoặc nếu con sức khỏe kém thì nên học ít luyện thể thao nhiều. Tùy từng trường hợp cụ thể mà xét, không nên thấy người ta cho con đi học thì cũng đi học, người ta cho con ở nhà thì cũng ở nhà, hoang mang dao động, không có chính kiến.

Cuối cùng tôi xin được nhấn mạnh học thêm hay không học thêm không quan trọng bằng phương pháp học tập như thế nào và tinh thần học tập ra sao. Là những bậc cha mẹ quan tâm đến con hãy tìm hiểu và hướng dẫn con nắm bắt được hai vấn đề then chốt này thay vì băn khoăn xem nên hay không nên cho con đi học thêm.

Phương Liên