Học thêm: Gánh nặng với gia đình và xã hội

(Dân trí) - Việc dạy thêm đối với cấp tiểu học trong năm 2015 đã có chuyển biến. Giáo viên các trường đa phần đều không còn dạy thêm cho các cháu tại nhà. Còn lại một số ít giáo viên chỉ dạy “chui”. Đối với những trường hợp này, chỉ cần ngành có hình thức phạt kỷ luật thì chắc chắn việc dạy thêm ở cấp tiểu học sẽ chấm dứt hẳn.

Việc dạy thêm đối với cấp THCS và THPT thì vẫn diễn ra hàng ngày. Những năm qua, tình trạng học thêm hoàn toàn không giảm. Việc học thêm đã trở thành gánh nặng chồng chất trên đôi vai của phụ huynh. Với không ít gia đình, tiền đóng học thêm là một khoản chi khá lớn. Tiền đóng học thêm làm giảm chất lượng buổi ăn hàng ngày, giảm chất lượng cuộc sống. Buổi ăn trong gia đình vốn đã đạm bạc nay càng đạm bạc hơn vì phải để dành tiền đóng học phí. Cuộc sống vất vả sẽ trở nên cơ cực hơn khi “mua con chữ”.

Hiện tại mức học phí các em học hàng tháng 1 môn khoảng từ 150 đến 200 ngàn đồng. Các em học thêm môn Toán, Văn, Lý, Hóa, Anh văn… thì số tiền học thêm gần 1 triệu đồng. Như vậy đối với vùng nông thôn, số tiền này đã gần 1/2 thu nhập người nông dân. Đối với vùng thành thị, số tiền này gần 1/3 thu nhập của người công nhân. Thực tế nhiều gia đình vì việc học của con em mình mà cuộc sống trở nên khó khăn, vất vả…

Việc học thêm của các em đã chiếm hết thời gian tự học và nghiên cứu, phát triển trí tuệ. Giáo viên dạy thêm vì mục đích chính tăng thu nhập nên đa phần dạy trước chương trình. Có giáo viên hướng dẫn trước bài kiểm tra để khi các em làm đạt điểm số cao. Các em học trước nên vào lớp không chú ý, tạo sự chủ quan phản khoa học. Đó là một phương pháp học ỷ lại, không phát triển tư duy.

Như vậy việc dạy thêm có những mặt tồn tại, hao tốn rất nhiều đến khoản thu nhập của người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến thể lực và trí lực của học sinh. Trong khi đó, các em cần được ăn uống đầy đủ để có sức khỏe học tập tốt, dành thời gian để vui chơi, giải trí, rèn luyện thể thao để phát tiển tầm vóc…

Trước đây, những năm đầu giải phóng, chúng ta đã làm được những điều rất hay và hiệu quả: Một là, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Hai là, dạy phụ đạo học sinh yếu. Việc phụ đạo học sinh yếu thật sự là niềm vui đối với gia đình học sinh, đó là một việc làm thiết thực, giúp các em nắm vững lại kiến thức cơ bản để theo kịp những bài học tiếp theo. Dạy phụ đạo cũng là việc thể hiện lòng yêu thương của giáo viên, trách nhiệm đối với học sinh mình. Gia đình các em sẽ không chịu thêm gánh nặng học phí học thêm, giúp cuộc sống gia đình các em đỡ vất vả. Với việc giáo viên được nhận phụ cấp ưu đãi thì trách nhiệm dạy phụ đạo là điều hợp lý do vì chỉ riêng ngành giáo dục mới có phụ cấp này.

Chúng ta cấm dạy thêm rồi sau đó dạy trở lại như “bắt cóc bỏ dĩa”. Sự việc cứ lập đi lập lại nhiều lần và không có cách giải quyết đến nơi đến chốn.

Khi giáo viên không được dạy thêm bên ngoài, chúng ta có thể dạy các em bằng hình thức dạy phụ đạo trong trường với sự quản lý chuyên môn của các tổ bộ môn, tạo sức học đồng đều, đồng thời không tạo thêm gánh nặng học phí đối với gia đình học sinh.

Nguyễn Hoàng Tuấn

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!