Học thêm, dạy thêm: Cấm cũng không được?

(Dân trí) - Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo dạy thêm học thêm từ ngày 20/11 đến 20/12. Khi dự thảo này đưa ra, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Dưới đây là ý kiến của một số phụ huynh về vấn đề này.

Chính các bậc phụ huynh cần phải nói không với dạy thêm, học thêm trước! - Nguyễn Thiều Hoa, phòng 407, G5, Thanh Xuân Nam, Quận Thanh Xuân, Hà Nội

 

Dạy thêm, học thêm có nên tồn tại hay không? Và nếu tồn tại thì dưới hình thức nào? Tất cả phụ thuộc vào nhận thức của xã hội, nhận thức của phụ huynh và nhận thức của các thầy cô giáo về chính vấn đề này. Sẽ không có một biện pháp triệt để nào cả.

 

Muốn gửi con em mình tới các lớp học thêm với hy vọng “thêm tí nào hay tí đấy” thì đó là quyền của phụ huynh. Cấm cũng không được. Và như vậy, có cầu thì sẽ có cung. Lỗi không thuộc về các thầy cô giáo.

 

Thế nhưng cũng cần phải lật lại vấn đề: Liệu rằng trên lớp các thầy cô đã thực sự truyền đạt kiến thức hết mình cho học sinh chưa, có thái độ công bằng giữa học sinh đi và không đi học thêm không?

 

Thêm nữa, cũng nên giảm tải bớt nội dung giảng dạy, chú trọng hơn nữa vào việc phát triển các kỹ năng sống. Chứ bây giờ tôi thấy, giáo viên lên lớp thì chỉ lo “cháy giáo án” nên ra sức nhồi nhét cho hết lượng kiến thức trong một tiết, không cần biết học sinh có hiểu hay không. Và hậu quả là học sinh lại phải đóng tiền đi học thêm chỉ để nghe cô giảng lại.

 

Chính các bậc phụ huynh cần “nói không với học thêm” trước. Thay bằng bắt con tới các lớp học thêm, hãy dành thời gian đó hướng con đến các hoạt động tập thể, khám phá cuộc sống xung quanh để có thể tự tin bước ra ngoài xã hội.

 

Học thêm, dạy thêm: Cấm cũng không được? - 1

Không có chuyện dạy thêm không thu tiền - Nguyễn Văn Tư, công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội

 

Theo dự thảo về dạy thêm học thêm sẽ ban hành vào đầu năm 2007, sẽ cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học nhưng lại cho trong trường hợp: “Trông nom ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo học sinh học lực kém, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng viết chữ cho học sinh đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” như thế là vẫn mở cửa cho dạy thêm, học thêm.

 

Theo tôi, không nên cấm dạy thêm, học thêm học sinh bậc tiểu học vì cha mẹ của chúng đều đang đi làm và muốn gửi con cho cô giáo vừa trông trẻ lại vừa dạy văn hoá.

 

Học thêm, dạy thêm không xấu, nó mang tiếng xấu như hiện nay là vì một số thầy cô giáo biến tướng công việc này thành cách thức để kiếm tiền bằng mọi giá. Để hạn chế tình trạng này, chỉ có cách bản thân các giáo viên không nên cắt xén chương trình để chuyển sang dạy thêm.

 

Còn về chuyện thu phí dạy thêm, không thể có chuyện dạy thêm không thu tiền vì cả xã hội này đều phải kiếm thêm chứ không riêng gì giáo viên.

 

Học thêm, dạy thêm: Cấm cũng không được? - 2

Muốn “dẹp” được tệ nạn dạy thêm, học thêm thì Bộ phải tăng lương cho giáo viên - Phan Thị Liễu, phòng 106, Ngõ 102, Khu tập thể Bộ Công an

 

Con nhà tôi từ lớp 1 đến lớp 9 không phải đi học thêm buổi nào vì trường dân lập không dạy thêm. Nếu so sánh về lực học của học sinh dân lập với công lập thì bằng nhau, nhưng học sinh công lập phải đi học thêm gấp đôi dân lập, hầu như không có thời gian để chơi như thế là phi lý, học sinh không có tuổi thơ.

 

Vậy tại sao dân lập không học thêm nhưng dạy vẫn chất lượng? Câu trả lời là vì thầy cô giáo được trả lương xứng đáng nên họ dành nhiều tâm huyết để dạy. Còn với công lập thì có thể do lương thấp nên bắt buộc giáo viên phải dạy thêm.

 

Muốn “dẹp” được dạy thêm, học thêm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không có cách nào khác là tăng lương cho giáo viên thì họ mới ổn định cuộc sống và dành nhiều tâm huyết cho công việc. 

 

Hồng Hạnh
(Thực hiện)