Học sử qua câu đố dân gian

Dựa vào những sự kiện lịch sử tiêu biểu, nhất là các nhân vật lịch sử, tác giả dân gian đã khái quát bằng những câu đố thơ với hình ảnh sinh động, “thách đố” nhau sự hiểu biết về lịch sử cha ông để lại.

Câu đố dân gian có tự ngàn xưa, do tác giả dân gian sáng tác và lưu truyền rộng rãi từ đời này qua đời khác. Nếu ca dao là những bài thơ dân gian giàu tình cảm thì câu đố là những bài thơ dân gian giàu trí tuệ. Thể lục bát trong câu đố dân gian đã giúp cho việc lưu truyền được dễ dàng, thuận tiện vì nó mang hơi thở của lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.

Những bài học lịch sử bằng câu đố dân gian không biên soạn rườm rà, dài dòng mà khắc ghi vào lòng người nghe, người đọc! Chỉ cần hai câu, bốn câu lục bát thôi, mà người xưa đã “nắm bắt được thần thái câu chuyện lịch sử cộng với cảm hứng thôi thúc, những câu đố lịch sử đã ra đời.

Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy rõ hơn những tâm tình, những nỗi lòng và cả niềm tự hào về lịch sử dân tộc qua từng câu đố dân gian…

Khi nói về Ngô Quyền, người mở đầu cho nền độc lập dân tộc (năm 939), dân gian có câu: “Ai người trên Bạch Đằng Giang/ Dựng muôn cọc nhọn, dọc ngang sáng ngời/ Phá quân Nam Hán tơi bời/ Gươm thần độc lập giữa trời vung lên?”.

Đố về Lý Thường Kiệt, hình ảnh vị anh hùng dân tộc hiện lên qua từng câu chữ: “Ai người phá Tống bình Chiêm/ Ba ngày phá vỡ Khâm, Liêm hai thành/ Ung Châu đổ nát tan tành/ Mở đầu Bắc phạt, uy danh lẫy lừng?”Tuổi già nhưng sức không già/ Vung gươm Bắc phạt: quân nhà Tống tan/ Xuôi Nam: Chiêm quốc kinh hoàng/ Thơ Thần một áng lời vàng còn lưu?”.

Hình ảnh vị tướng đời Trần tự hỏi lòng Nợ nước chưa xong, đầu đã bạc/ Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà(Thuật hoài - Đặng Dung) cũng được khắc họa sâu sắc: Ai mài gươm dưới trăng tà/ Quốc thù chưa trả, tóc đà điểm sương/ Một lần giết hụt giặc Trương/ Chẳng may bị bắt, nửa đường quyên sinh?”.

Câu đố về Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc đã nếm mật nằm gai hơn mười năm, đem hết tài năng giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh, giành lại nền độc lập dân tộc. Áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo mãi mãi lưu danh cùng lịch sử, cùng tên tuổi Nguyễn Trãi: Nam quan bái biệt cha già/ Trở về nợ nước, thù nhà lo toan/ Lam Sơn góp lưỡi gươm vàng/ “Bình Ngô đại cáo” giang sơn thu về?”.

Câu đố về Tô Hiến Thành, một vị quan thanh liêm; giàu lòng yêu nước, căm ghét bọn nịnh thần… Tấm gương trung nghĩa của ông muôn đời còn sáng tỏ, là bài học cho bao kẻ ngày nay dựa uy quyền để tham nhũng hại dân: Một lòng giữ đúng chiếu vua/ Tiền muôn bạc triệu cũng thua gan vàng/ Giữ tròn trung chính, trung can/ Phò vua giúp nước, chiêu an trong ngoài?”.

Câu đố về Nguyễn Công Trứ, một vị quan thanh liêm, chìm nổi bao phen giữa chốn quan trường và giàu lòng yêu nước (ngoài tám mươi tuổi vẫn xin vua cho đi đánh giặc). Lịch sử muôn đời ghi danh, tôn vinh ông bởi ông là một con người “văn võ song toàn”; sống ngẩng cao đầu, không chịu luồn cúi: “Cuộc đời như đám phù vân/ Biết bao vinh nhục cũng ngần ấy thôi/ Thăng thăng, giáng giáng mấy hồi/ Mấy vùng Sơn Hải đôi lời thi ca?”.

Câu đố về Quang Trung - Nguyễn Huệ, người “anh hùng áo vải” đã làm nên dấu ấn lịch sử qua trận đại phá quân Thanh, thu giang sơn về một mối. Những địa danh: Đống Đa, Ngọc Hồi vẫn còn mãi mãi như chứng tích của một chiến công oanh liệt của cha ông ta: “Tháng giêng, Kỷ Dậu, mùng năm/ Trận nào lũ giặc xâm lăng tơi bời/ Một vùng khói lửa ngút trời/ Quân ta đại thắng muôn người mừng vui?” và “Ai người giải phóng Thăng Long/ Nửa đêm trừ tịch quyết lòng tiến binh/ Đống Đa, sông Nhĩ vươn mình/ Giặc Thanh vỡ mộng cường chinh, nhớ đời?”.

Hoặc câu đố về Nguyễn Trường Tộ, một vị quan nhìn xa trông rộng nhưng không gặp thời, đành ngậm ngùi trước sự u mê, thủ cựu của triều đình nhà Nguyễn: “Dâng vua những bản điều trần/ Mong cho nước mạnh, muôn dân được giàu/ Triều đình thủ cựu hay đâu/ Làm cho điêu đứng, thảm sầu nước non?”.

Mỗi câu đố là một bài học lịch sử sinh động bởi nó được sáng tác theo cách nói của dân gian. Một khi được lưu truyền, câu đố trở thành tài sản chung của cộng đồng, của dân tộc. Có rất nhiều cách học sử mà câu đố là một cách học độc đáo nhất, sâu sắc nhất của tác giả dân gian. Phải chăng người xưa luôn có ý thức vun bồi lòng yêu quê hương, đất nước mà câu đố dân gian là một bằng chứng rõ ràng?

Hãy học sử theo cách học, cách truyền thụ của nhân dân, vì chúng ta đều nhận thức rằng: chính nhân dân chứ không ai khác là người sáng tạo ra lịch sử, người làm nên lịch sử, người viết nên những trang sử dân tộc từ xưa đến nay và muôn đời sau.

Theo Lê Đức Đồng
Giáo dục TP.HCM
Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK